Nghị quyết số 18-NQ/TW - Tiền đề xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả (Bài 2): Tinh gọn đầu mối, giảm cồng kềnh bộ máy
Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là việc khó, phức tạp và nhạy cảm bởi liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người. Song, với quyết tâm cao, cùng bước đi, lộ trình phù hợp, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã từng bước được khắc phục, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và vận hành ngày càng trơn tru.
Công chức bộ phận “một cửa” UBND thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Tố Phương
Là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, huyện Hoằng Hóa đã thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hoằng Hóa Lê Văn Nghĩa chia sẻ: “Trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hoằng Hóa giữ vững nguyên tắc tổ chức, đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định và phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Với các chương trình, đề án, quy định cụ thể, việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ở Hoằng Hóa đã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành và từng địa phương”.
Nhờ tạo được sự đồng thuận cả trong nhận thức lẫn hành động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, Hoằng Hóa đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Trong 7 năm huyện đã giải thể, chuyển giao 18 tổ chức đảng cơ sở, giảm từ 80 tổ chức đảng (năm 2017) xuống còn 61 đảng bộ, chi bộ hiện nay; giảm từ 22 đồng chí cấp phó cơ quan Huyện ủy, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện xuống 14 đồng chí; giảm từ 63 biên chế khối Đảng, đoàn thể cấp huyện xuống 44 biên chế...
Đối với hệ thống chính quyền, Hoằng Hóa đã hợp nhất Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y và Trạm Khuyến nông thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện (giảm 3 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 3 cấp trưởng, 3 cấp phó và 2 biên chế viên chức). Khối trường học, giảm từ 129 đơn vị sự nghiệp giáo dục xuống còn 117 đơn vị. Hoằng Hóa cũng đã thực hiện sắp xếp 11 đơn vị hành chính cấp xã thành 5 đơn vị; số lượng cán bộ, công chức còn 126 người (giảm 94 người); số người hoạt động không chuyên trách giảm còn 48 người (giảm 89 người so với năm 2019)...
“Sau khi sắp xếp lại, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã được tinh gọn hơn, hoạt động ổn định và hiệu quả. Đa số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đều đạt chuẩn về chuyên môn và lý luận chính trị theo quy định; có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cơ quan, đơn vị đề ra”, Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Hoằng Hóa Lê Văn Nghĩa cho biết.
Nghị quyết số 18-NQ/TW với quan điểm xuyên suốt là bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Nắm vững quan điểm đó, huyện Vĩnh Lộc đã triển khai thực hiện tốt việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bảo đảm không bỏ sót cũng như không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, đồng thời gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, huyện Vĩnh Lộc đã giảm 18,8% số đơn vị hành chính cấp xã (từ 16 xã, thị trấn giảm còn 13 xã, thị trấn) và 15,3% số thôn, khu phố (từ 131 thôn, tổ dân phố giảm còn 111 thôn, tổ dân phố); giảm 60 người hoạt động không chuyên trách sau sáp nhập các thôn, khu phố; giảm 1 phòng chuyên môn trực thuộc UBND huyện; giảm 7 đơn vị sự nghiệp. So với năm 2017, toàn huyện giảm 69 biên chế cán bộ, công chức, viên chức (tỷ lệ tinh giản trên 10%); giảm 7 biên chế khối Đảng, đoàn thể (tỷ lệ tinh giản là 14,6%).
Thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) được mở rộng quy mô sau khi sáp nhập xã Hoằng Phúc và Hoằng Vinh. Ảnh: Hoàng Đông
Xác định rõ việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu nhằm đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Các ban, sở, ngành, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã cụ thể hóa chỉ đạo của tỉnh bằng việc xây dựng kế hoạch để thực hiện phù hợp với địa phương, đơn vị mình. Nhờ đó, việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã có những bước chuyển đáng kể. Kết quả, đối với khối Đảng, đoàn thể, toàn tỉnh đã giảm 1 cơ quan (sáp nhập Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh vào Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh thành Đảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh); giảm 16 phòng, ban; cơ quan Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh giảm 7 ban; giảm 2 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đoàn thể cấp tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Cụ thể, đã thực hiện Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; thực hiện đồng bộ ở tất cả 27 huyện, thị xã, thành ủy chức danh trưởng ban dân vận huyện ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp huyện và trưởng ban tuyên giáo huyện ủy kiêm giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện.
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt việc tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW. Giai đoạn 2016-2021, số biên chế khối Đảng, đoàn thể giảm 286 người (năm 2015 là 2.631 người, đến năm 2021 giảm còn 2.345 người), tỷ lệ tinh giản biên chế đạt 10,87%. Giai đoạn 2022-2026, Thanh Hóa thực hiện đúng theo kế hoạch hằng năm.
Đối với khối chính quyền, toàn tỉnh đã giảm 5 ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; giảm 4 chi cục, 21 phòng thuộc sở, 9 phòng thuộc chi cục; giảm 241 đơn vị sự nghiệp công lập và 81 đầu mối trực thuộc đơn vị sự nghiệp của các đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giảm 155 đơn vị sự nghiệp công lập (gồm 23 trường mầm non, 78 trường tiểu học, 43 trường THCS, 11 trường THPT). Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giảm 19 đơn vị sự nghiệp công lập và 2 đầu mối sự nghiệp. Lĩnh vực y tế giảm 4 đơn vị sự nghiệp công lập và giảm 27 đầu mối sự nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập...
Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã tiến thêm một bước trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ. Ví như tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, sau khi hợp nhất 5 trung tâm y tế tuyến tỉnh gồm Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã sớm ổn định tổ chức bộ máy, sắp xếp và phân công lại nhiệm vụ cho cán bộ, viên chức phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài chức năng tham mưu cho Sở Y tế và UBND tỉnh, trung tâm đã thực hiện hiệu quả lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, quản lý các bệnh không lây, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em..., đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, số hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ, phấn đấu đưa CDC Thanh Hóa nằm trong tốp đầu mô hình CDC toàn quốc.
Hay như tại thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa), sau khi nhập nguyên trạng xã Hoằng Phúc, Hoằng Vinh vào thị trấn Bút Sơn, dù diện tích lớn, dân số đông, nhưng cán bộ, đảng viên, Nhân dân thị trấn đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đưa thị trấn phát triển xứng tầm đô thị trung tâm của huyện.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được gắn liền với tinh giản biên chế. Giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã giảm 518 cán bộ, công chức, tỷ lệ tinh giản biên chế đạt 12,29%. Viên chức giảm 6.843 người, tỷ lệ tinh giản biên chế đạt 11% (số liệu này không tính 7.126 biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế được Bộ Nội vụ giao bổ sung giai đoạn 2016-2021). Giai đoạn 2022-2026, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đúng theo kế hoạch hằng năm, bảo đảm đến hết năm 2026 giảm 5% cán bộ, công chức, 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Điều đáng nói hơn là việc tinh giản biên chế đã từng bước gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có.
Với những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Thanh Hóa đã từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Từ đó, tạo tiền đề quan trọng để Thanh Hóa khẩn trương thực hiện “cuộc cách mạng” về tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tố Phương
Bài 3: Xử lý tài sản công, tạo động lực cho phát triển
{name} - {time}
-
2025-01-22 18:00:00
Đảng bộ Công ty Điện lực Thanh Hóa quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trọng điểm năm 2025
-
2025-01-22 16:11:00
Đảng bộ huyện Thiệu Hóa hoàn thành đại hội chi bộ trực thuộc cơ sở
-
2024-12-23 12:10:00
Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên ở huyện Thường Xuân
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Mục tiêu, thách thức và cơ hội
Nghị quyết số 18-NQ/TW - Tiền đề xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả (Bài 1): Chủ trương lớn, quyết tâm cao
Tinh gọn bộ máy: Cuộc cách mạng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn
Đảng bộ huyện Như Xuân hai năm liên tục vượt chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới
Bài học kinh nghiệm về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí
Nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới
Như Xuân nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”
Thiệu Hóa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở