Ngành giao thông đồng hành xây dựng nông thôn mới
Hạ tầng giao thông là tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Đa số các địa phương đều lấy việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn để ưu tiên thực hiện trước, coi đây là giải pháp quan trọng trong hoàn thiện hệ thống hạ tầng công cộng, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Trong lộ trình ấy, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Thanh Hóa đã đồng hành, hỗ trợ các địa phương vì mục tiêu chung.
Đường giao thông nông thôn ở xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) được xây dựng theo chuẩn tiêu chí NTM kiểu mẫu.
Trên thực tế, giai đoạn 2021-2025, bộ tiêu chí cho xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đều được thay đổi theo hướng nâng cao hơn, trong đó có tiêu chí giao thông. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở GTVT đã tiến hành khảo sát tổng thể, nhận thấy phát triển giao thông nông thôn theo bộ tiêu chí mới đã phát sinh thêm nhiều khó khăn, thử thách. Đối với các xã XDNTM giai đoạn 2012-2015, tiêu chí giao thông mới chỉ đáp ứng tỷ lệ cứng hóa mặt đường, chưa đạt yêu cầu về kích thước nền đường, mặt đường. Để duy trì theo tiêu chí mới cần phải mở rộng, nâng cấp các tuyến đường xã, thôn, ngõ xóm. Các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 phải đầu tư thêm các hạng mục cần thiết trên tuyến đường xã, đường thôn như cây xanh, hệ thống an toàn giao thông (vạch sơn, biển báo, gờ giảm tốc...), hệ thống điện chiếu sáng, để đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Các tuyến đường cũng cần được quan tâm bảo trì hàng năm để đảm bảo theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Trước những yêu cầu mới, từ đầu nhiệm kỳ, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 và lồng ghép hỗ trợ kinh phí cho các xã đang XDNTM. Qua đó, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân chung tay tích cực tham gia.
Từ các cơ chế và hỗ trợ của tỉnh, nhiều huyện cũng đã xây dựng các cơ chế riêng. Các huyện Ngọc Lặc, Như Xuân, thị xã Nghi Sơn... đã sử dụng kinh phí hỗ trợ khuyến khích phát triển giao thông nông thôn đạt hiệu quả cao, lựa chọn đầu tư vào các công trình thiết thực. Nhiều địa phương khác thực hiện tốt công tác vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, làm thay đổi toàn diện về hạ tầng giao thông như: Triệu Sơn, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Hà Trung...
Là thành viên của Hội đồng thẩm định đạt chuẩn NTM tỉnh Thanh Hóa, Sở GTVT được giao phụ trách hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã, huyện XDNTM phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Các đoàn công tác của sở đã thường xuyên về cơ sở, nhất là các xã đang trong lộ trình về đích để kiểm tra, hướng dẫn phát triển các tuyến đường theo đúng tiêu chí. Từ sự hướng dẫn ấy, từ năm 2021 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tranh thủ được nguồn hỗ trợ từ cấp tỉnh hơn 333 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông NTM. Ngoài ra, các địa phương huy động được hơn 324 tỷ đồng (ngân sách huyện, xã 165 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 159 tỷ đồng) để hoàn thiện các tuyến đường. Từ các nguồn kinh phí cấp tỉnh hỗ trợ và sự đồng hành của ngành giao thông, hơn 3 năm qua, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp gần 400km đường giao thông, 72 công trình tràn, 7 cầu, 25 cống thoát nước, gần 20km rãnh thoát nước...
Cùng với phát triển hệ thống giao thông nông thôn, công tác bảo trì các tuyến đường cũng được Sở GTVT quan tâm thực hiện. Theo đó, đường giao thông nông thôn được triển khai theo hướng phân công, phân cấp quản lý, vận hành khai thác và tổ chức giao thông được quy định tại Quyết định số 1693/2016/QĐ-UBND ngày 18/5/2016 của UBND tỉnh. Sau khi nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xã, đường thôn, ngõ xóm, Sở GTVT đã có các văn bản đề nghị các địa phương có kế hoạch bảo trì hàng năm để chống xuống cấp, chặt cây cối che khuất tầm nhìn, dọn cỏ và cây bụi lấn hẹp mặt đường, dọn vệ sinh dọc các tuyến đường từ cấp cơ sở...
Trong lộ trình xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông NTM đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT cũng vừa có văn bản đề nghị cấp huyện cần phân công rõ trách nhiệm cán bộ phụ trách, theo dõi địa bàn các xã; theo dõi, chỉ đạo thực hiện tiêu chí giao thông; hướng dẫn xã, thôn từ khâu thiết kế đến thi công công trình giao thông đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả trong đầu tư và khai thác. Cấp huyện chủ động phối hợp với các sở, ngành phụ trách tiêu chí hướng dẫn cho các xã thực hiện tiêu chí đảm bảo tiến độ, chất lượng theo nội dung yêu cầu. Các địa phương cần kết hợp các nguồn vốn, trong đó có nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến khích phát triển giao thông nông thôn để xây dựng đồng bộ các tuyến đường, đoạn tuyến; có tính đến quy mô tuyến đường đáp ứng tiêu chí giai đoạn tiếp theo của NTM là NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng để cải tạo các nút giao bị hạn chế tầm nhìn, đảm bảo an toàn giao thông; bổ sung hệ thống chiếu sáng, hệ thống an toàn giao thông như vạch sơn, biển báo, gờ giảm tốc tại các nút giao... nhằm nâng cao an toàn giao thông trên tuyến.
Bài và ảnh: Linh Trường
{name} - {time}
-
2024-12-15 13:09:00
Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Thiệu Quang
-
2024-12-13 15:53:00
Thiệu Toán tăng tốc về đích nông thôn mới nâng cao
-
2024-05-05 15:20:00
Xây dựng phường kiểu mẫu ở thị xã Nghi Sơn
Như Xuân mở rộng đường làng, “đất vàng” cũng hiến (Bài cuối): Xây dựng nông thôn mới theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc”
Như Xuân mở rộng đường làng, “đất vàng” cũng hiến (Bài 2): Rộng đường - rộng lòng dân
Xã Thiệu Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Xã Định Long: Đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới
Hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu thành phần xây dựng thị trấn Quán Lào thành đô thị văn minh
Ngọc Lặc quyết tâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Như Thanh: Nhiều giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường trong XDNTM
Thiệu Lý nỗ lực về đích nông thôn mới nâng cao
Ngọc Lặc xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong XDNTM