(Baothanhhoa.vn) - Dưới ánh sáng của Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi Thanh Hóa đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Nắng ấm đại ngàn

Dưới ánh sáng của Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi Thanh Hóa đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Nắng ấm đại ngànCô giáo Hơ Thị Má và các em học sinh khu bản Cơm, Trường Mầm non Pù Nhi (Mường Lát). Ảnh: Pó Lý (CTV)

Đi qua những bản làng vùng cao

Xuân mới đang cận kề, ngược ngàn vùng cao xứ Thanh, chúng tôi cảm nhận sự hối hả, nhộn nhịp của đồng bào bước vào mùa thu hoạch mía, sắn, cam, quýt... Những con đường vươn tới các bản làng của đồng bào dân tộc Mông, Thái, Mường... đã cơ bản thuận lợi, góp phần cho việc giao thương và đi lại của bà con. Nơi “Cổng trời” Mường Lát, bà con dân tộc Mông xã Trung Lý đem những đặc sản địa phương như cải Mông, gà Mông, dứa... giới thiệu và bán cho du khách; những cây đào vươn mình đón nắng mai, hàng quán cũng được mở góp phần giúp nơi đây trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách về với Mường Lát.

Giàng A Vành, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Khằm 2, xã Trung Lý, là người đi đầu trong khôi phục, phát triển giống gà đen bản địa của đồng bào Mông. Từ hướng phát triển kinh tế của gia đình anh Vành, nhiều hộ dân trong bản đã nuôi gà đen bản địa quy mô.

Đi qua Pù Nhi, trong tiết trời se lạnh, cô trò khu bản Cơm, Trường Mầm non Pù Nhi cất tiếng hát rộn vang. Cô giáo Hơ Thị Má là người con của bản Mông hạnh phúc khi đem con chữ về với bản. Trong nắng ấm, những nụ cười cô trò như xua đi cái lạnh ở miền biên. Không chỉ cô Hơ Thị Má mà nhiều giáo viên nơi vùng cao xứ Thanh đã và đang tâm huyết, dành tình yêu cho sự nghiệp trồng người.

Ở nhiều huyện miền núi bà con bước vào vụ thu hoạch mía, sắn. Theo tìm hiểu, ngoài các cây trồng chủ lực khác, năm 2024 toàn huyện Mường Lát có khoảng hơn 3.000ha sắn, năng suất dự kiến khoảng 55.000 tấn. Ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung, Bí thư Chi bộ Sùng A Phàng phấn khởi chia sẻ: "Bà con Suối Lóng chủ yếu trồng cây sắn, chăn nuôi trâu, bò và một ít lúa nương, lúa nước. Từ tháng 11, bà con Suối Lóng bước vào vụ thu hoạch sắn nguyên liệu. Những năm gần đây cây sắn ổn định về giá cả, đầu ra nên bà con yên tâm trồng sắn và được thương lái đến tận bản thu mua, nhập cho nhà máy. Năm 2024, bản có 240ha sắn, sản lượng dự kiến đạt khoảng 6.000 tấn. Cây sắn mang lại cuộc sống ổn định cho bà con, hộ trồng nhiều sắn nhất là ông Giàng A Ký với hơn 6ha. Suối Lóng có 102 hộ, chỉ riêng trong năm 2024 bản đã có 20 hộ thoát nghèo".

Nắng ấm đại ngànGiải bóng chuyền truyền thống xã Ngọc Trạo (Thạch Thành) góp phần nâng cao đời sống tinh thần đồng bào. Ảnh: Ngọc Huấn

Cùng với sự hối hả vào mùa thu hoạch cuối năm thì việc trang trí, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón xuân cũng được bà con quan tâm. Những ngôi nhà mới được xây dựng, sửa chữa từ các dự án, chương trình của Nhà nước góp phần mang lại xuân ấm cho đồng bào. Ở bản Pa, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn, gia đình ông Ngân Văn Măng, anh Hà Văn Lan, dân tộc Thái là những hộ nghèo trong bản vui mừng khi xuân này đã có nhà mới để ở. Nhằm góp phần cho bà con vui xuân, đón tết đầm ấm, vui tươi, an toàn, nhất là dành sự quan tâm đặc biệt cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, các địa phương đã rà soát, xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên bà con vui xuân, đón tết; tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao phù hợp với từng địa bàn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS.

Đồng lòng phát huy tiềm năng, thế mạnh

Còn nhớ, tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV tổ chức cuối tháng 11/2024, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã cảm ơn và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, đặc biệt biểu dương sự cố gắng nỗ lực của đồng bào các DTTS.

Với chủ đề của đại hội “Các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng hội nhập và phát triển bền vững” đây chính là lời hiệu triệu, biểu thị quyết tâm của đồng bào các DTTS trước thềm đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Bộ trưởng Hầu A Lềnh mong muốn cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; phát huy tính tự lực, tự cường, bản sắc văn hóa của các dân tộc và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư của đại hội, thi đua lập thành tích hướng đến Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và các sự kiện chính trị, lịch sử lớn của đất nước. Bộ trưởng tin tưởng tỉnh Thanh Hóa sẽ có những bước phát triển đột phá, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua trên mọi lĩnh vực, không ngừng phát huy tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, xây dựng vùng đồng bào DTTS và miền núi Thanh Hóa từng bước phát triển mạnh về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng - an ninh, cùng Nhân dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]