(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, mỹ thuật xứ Thanh gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào sự phát triển của văn học - nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa. Đặc biệt, các hoạt động sáng tác sôi nổi của đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ đã ghi dấu ấn sâu đậm không chỉ trong tỉnh mà ở các “sân chơi” mỹ thuật khu vực, toàn quốc, được công chúng yêu nghệ thuật và giới chuyên môn đánh giá cao.

Mỹ thuật xứ Thanh với “sân chơi” triển lãm mỹ thuật khu vực

Thời gian qua, mỹ thuật xứ Thanh gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào sự phát triển của văn học - nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa. Đặc biệt, các hoạt động sáng tác sôi nổi của đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ đã ghi dấu ấn sâu đậm không chỉ trong tỉnh mà ở các “sân chơi” mỹ thuật khu vực, toàn quốc, được công chúng yêu nghệ thuật và giới chuyên môn đánh giá cao.

Mỹ thuật xứ Thanh với “sân chơi” triển lãm mỹ thuật khu vựcHội viên Ban Mỹ thuật Hội VHNT Thanh Hóa đi thực tế sáng tác năm 2022 tại Bản Hiêu, xã Cổ Lũng (Bá Thước). Ảnh: Hà Hiếu

Là một trong 11 ban chuyên ngành của Hội VHNT Thanh Hóa, Ban Mỹ thuật hiện có 51 hội viên, trong đó 21 hội viên đồng thời là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Dưới “mái nhà chung” ấy, các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc nối tiếp nhau, chung sức đồng lòng vì sự phát triển chung của mỹ thuật Thanh Hóa. Ở đó có những “cây đa”, “cây đề” như họa sĩ Lê Xuân Quảng, họa sĩ Đỗ Chung, dù tuổi cao, sức khỏe hạn chế, nhưng vẫn bền bỉ, nỗ lực sáng tác. Tuổi đã “ngoại bát tuần”, họa sĩ Lê Xuân Quảng vẫn luôn có các tác phẩm mới công bố trong các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc và khu vực. Trong vòng 5 năm qua, họa sĩ Đỗ Chung đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm hội họa cá nhân tại Thanh Hóa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... với tác phẩm đa dạng, mới mẻ về phong cách. Thế hệ kế cận như các họa sĩ: Nguyễn Thanh Sơn, Trương Thế Minh, Lê Cậy, Nguyễn Minh Thịnh, Lê Chí Thanh, Đặng Phương Mai, Cao Văn Đồng, Trần Mạnh Tốt, Lê Trọng Tấn... vẫn miệt mài theo đuổi, sống hết mình với đam mê.

Đây là giai đoạn mỹ thuật xứ Thanh có sự chuyển mình và phát triển mạnh mẽ, được biểu hiện ở lực lượng hùng hậu các tác giả đang sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa; ở số lượng và chất lượng tác phẩm được công bố; ở sự phong phú và đa dạng về đề tài, thể loại sáng tác.

Mỹ thuật xứ Thanh không chỉ giới hạn trong không gian địa phương, tín hiệu đáng mừng nhất đó là nhiều gương mặt họa sĩ, nhà điêu khắc của xứ Thanh đã trở nên quen thuộc, bước đầu tạo dựng được uy tín, đánh giá cao tại các triển lãm khu vực, toàn quốc như: Nguyễn Hoàng Linh, Phạm Văn Thắng, Lê Thị Thanh, Trần Việt Anh, Lê Hải Anh, Bùi Thị Ngoan, Trần Xuân Quang, Vũ Trọng Thành, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Đức Lâm, Ngọ Duy Lương, Hoàng Ngọc Dũng...

Cùng với đó, nhiều gương mặt họa sĩ trẻ tuổi “đang lên”, đầy trăn trở cách tân, sáng tạo như: Trần Xuân Tý, Nguyễn Phi Trường, Hà Ngọc Hiếu, Trịnh Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Văn Chuyên... Họ đã có những tác phẩm mới về tư duy và táo bạo về ngôn ngữ tạo hình, bước đầu khẳng định mình với những giải thưởng trong tỉnh và khu vực.

Mỹ thuật xứ Thanh với “sân chơi” triển lãm mỹ thuật khu vựcCác họa sĩ xứ Thanh chụp ảnh lưu niệm tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV (Bắc miền Trung).

Vừa trở về từ Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV (Bắc miền Trung) lần thứ 28 tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 16 đến 25-8-2023, họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh - Trưởng ban Mỹ thuật đã tất bật tham dự trại sáng tác tại Đà Nẵng. Anh cho biết: “Mỹ thuật Thanh Hóa đang có một thế hệ họa sĩ vừa tới độ chín của tuổi đời và tuổi nghề”. Anh là người có nhiều năm kinh nghiệm tham gia và gặt hái giải thưởng tại triển lãm khu vực như: Triển lãm Mỹ thuật khu vực với tác phẩm “Bình minh biển quê Thanh” giành giải Khuyến khích; Triển lãm Mỹ thuật khu vực II Đồng bằng sông Hồng năm 2017; tác phẩm “Thuyền về bến” đoạt Giải C Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV Bắc miền Trung năm 2019; tác phẩm “Sau cơn mưa” giành giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV Bắc miền Trung năm 2022...

Được biết, Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV (Bắc miền Trung) là hoạt động thường niên của Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực nhằm tôn vinh, quảng bá những nghệ sĩ tạo hình trong quá trình sáng tác, nghiên cứu và quảng bá tác phẩm mới, qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân về ý nghĩa quan trọng của triển lãm trong việc bồi dưỡng kiến thức, trình độ thẩm mỹ, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người...

Tại triển lãm lần này, tỉnh Thanh Hóa có 41 tác phẩm của 34 tác giả tham gia triển lãm, trong đó có 1 tác phẩm đạt giải Khuyến khích (tác phẩm “Ra khơi” của tác giả Lê Hải Anh), 1 tác phẩm đoạt giải tác giả trẻ dưới 35 tuổi (tác phẩm “Bình yên” của tác giả Nguyễn Văn Chuyên), 3 tác phẩm được giới thiệu tham dự giải thưởng Văn học - Nghệ thuật 2023 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (tác phẩm “Dưới trăng” của tác giả Mai Thế Cường, tác phẩm “Bình yên” của tác giả Nguyễn Văn Chuyên, tác phẩm “Phố đêm” của tác giả Bùi Văn Tuyên). Kết quả ấy phần nào đã cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của cá nhân các tác giả đoạt giải cũng như sự phát triển của mỹ thuật xứ Thanh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thử thách.

Mỹ thuật xứ Thanh với “sân chơi” triển lãm mỹ thuật khu vựcKhu vực trưng bày các tác phẩm của xứ Thanh tham dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV (Bắc miền Trung) lần thứ 28.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh cho biết thêm: Mở rộng các hoạt động liên tỉnh, phối hợp các hội/ban, câu lạc bộ mỹ thuật tỉnh khác để tổ chức các hoạt động mỹ thuật ngoài các sự kiện chính thường niên là một trong những định hướng phát triển của mỹ thuật Thanh Hóa trong thời gian tới.

Việc quan tâm, đầu tư cho hoạt động mỹ thuật nói chung còn nhiều hạn chế, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không nỗ lực, cố gắng. Như hoạt động triển lãm khu vực cũng vậy, nhìn từ góc độ quản lý Nhà nước, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động này còn hạn chế, Hội Mỹ thuật Việt Nam và các tỉnh, thành đăng cai đã rất cố gắng để có được các cuộc trưng bày đạt kết quả tốt cả về số lượng, chất lượng các tác phẩm và duy trì nó trong suốt nhiều năm qua. Chỉ riêng điều đó cũng đã rất vui, rất đáng trân trọng.

Nhìn từ góc độ người sáng tác, được tham gia một cuộc triển lãm, một “sân chơi” nghệ thuật thì việc chất lượng các tác phẩm trong sân chơi đó như thế nào mới là quan trọng, các yếu tố vật chất khác chỉ là thứ yếu. Theo họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền thì nên đẩy mạnh vấn đề xã hội hóa các hoạt động trưng bày, triển lãm mỹ thuật nói chung.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]