Một số điểm du lịch vẫn còn để khách “cưỡi ngựa xem hoa”
Ngoài hoạt động tham quan, đến nay một số điểm đến trên địa bàn tỉnh vẫn để khách “cưỡi ngựa xem hoa”. Bởi vậy, các điểm đến này chủ yếu thu hút dòng khách lẻ, khách tự do, chưa thu hút được nguồn khách từ các đơn vị lữ hành.
Du khách tham quan vùng trồng cam trên địa bàn huyện Thạch Thành.
Huyện Thạch Thành với rất nhiều điểm đến đã được “định danh” như: thác Voi, thác Mây, Chiến khu Ngọc Trạo, Di tích thắng cảnh Phố Cát - một trong ba trung tâm lớn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh của cả nước... Đặc biệt là di tích hang Con Moong được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015 và hiện đang được xây dựng hồ sơ để trình UNESCO ghi vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Huyện Thạch Thành còn được biết đến với những nông trại nông nghiệp công nghệ cao tại thị trấn Vân Du và các xã Thành Tân, Thành Minh... Đây là những “chất liệu” hết sức quý giá để huyện Thạch Thành khai thác, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách.
Tuy nhiên, theo thống kê của UBND huyện Thạch Thành, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện chỉ đón được khoảng gần 420 nghìn lượt khách; tổng thu du lịch đạt gần 230 tỷ đồng, đạt 0,46% so với tổng thu du lịch của cả tỉnh. Điều đáng nói, khách du lịch đến với huyện Thạch Thành chủ yếu là khách trong ngày, tỷ lệ khách lưu trú thấp, đạt khoảng 9,87% so với các huyện miền núi và gần 2% so với lượt khách du lịch của cả tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị quảng bá, xúc tiến, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn huyện Thạch Thành vào ngày 23/10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Nguyễn Đình Tam thẳng thắn nhận định: “Du lịch của huyện đến nay vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Nhiều tài nguyên du lịch còn bị bỏ ngỏ, điểm đến chưa hấp dẫn khách du lịch. Huyện có 1 di tích quốc gia đặc biệt là hang Con Moong và các di tích phụ cận, song tài nguyên này có tính đặc thù cao, kén khách. Đối với hoạt động du lịch tại các điểm du lịch như thác Mây, thác Voi... còn mang tính mùa vụ, tự phát nên chưa giữ chân du khách, dịch vụ hạn chế dẫn đến nguồn thu du lịch thấp”.
Huyện Quan Sơn là địa bàn sinh sống của các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Mông... với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, còn được lưu giữ qua các hoạt động văn hóa, lễ hội và đời sống sinh hoạt. Đến nay, một số điểm đến du lịch của huyện đã được “ghi danh” trong bản đồ du lịch của tỉnh như: Đền thờ Tư Mã Hai Đào, cầu Phà Lò, hang Hòm, động Bo Cúng, bản Chanh, bản Ngàm, động Nang Non, hang Pha Bái, hang Co Láy, hang Lướn Lang... Cùng với đó, huyện còn sở hữu hệ thống thác, sông, suối đẹp như: thác bản Nhài, thác Pa, sông Luồng, suối Xia, suối nước nóng Trung Thượng... Đặc biệt, huyện có Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, là cửa ngõ giao thương và du lịch quan trọng của Thanh Hóa và Bắc Trung bộ với nước bạn Lào. Năm 2019, UBND tỉnh đã công bố tour Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam) - Viêng Xay (tỉnh Hủa Phăn, Lào), với 5 tour nội vùng Quan Sơn và 7 tour kết nối giữa 2 tỉnh.
Với nhiều điều kiện thuận lợi để vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn nơi miền Tây xứ Thanh, tuy nhiên từ năm 2021 đến hết tháng 10/2024, toàn huyện chỉ đón được khoảng 70 nghìn lượt khách, trong đó chủ yếu là khách trong ngày. Tổng thu du lịch đạt khoảng 20 tỷ đồng, đạt 0,043% so với tổng thu du lịch của cả tỉnh. Du lịch huyện Quan Sơn bước đầu đã thu hút khách tham quan, song doanh thu còn rất thấp so với các địa phương khác trong tỉnh. Trong khi đó, “Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Sơn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030” đã được phê duyệt từ năm 2019, sớm hơn so với nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng dến năm 2030”. Thế nhưng cho đến nay, du lịch của huyện vẫn chưa tạo dấu ấn trên bản đồ du lịch của tỉnh, khách du lịch đến với huyện Quan Sơn chủ yếu tham quan du lịch cộng đồng, khám phá hang động trong ngày hoặc kéo dài khoảng 2 ngày 1 đêm.
Chuyên gia du lịch Ngô Kỳ Nam nhận định: “Thực tế một số điểm đến địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn để khách “cưỡi ngựa xem hoa” bởi rất nhiều lý do, có thể là về sản phẩm, dịch vụ du lịch, hệ thống giao thông kết nối... Song quan trọng hơn cả là điểm đến đó chưa đủ sức hấp dẫn du khách. Bởi muốn du khách ở lại lâu hơn, vấn đề không phải là do hệ thống giao thông khó khăn, hay cơ sở lưu trú chưa đủ năng lực đón khách, mà điểm đến chưa hấp dẫn, chưa có sự khác biệt để du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm lâu hơn. Trong khi đó, các điểm đến chưa giữ chân được du khách phần lớn còn mang tính tự phát, chưa có chiến lược phát triển cụ thể, bài bản, dài hạn; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn hạn chế... Đặc biệt, chưa có nhà đầu tư đủ năng lực để khai thác và phát huy tiềm năng, giá trị phù hợp với đặc trưng văn hóa điểm đến”.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2025-01-06 15:56:00
Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa triển khai nhiệm vụ năm 2025
-
2025-01-04 07:23:00
Du lịch hứa hẹn bùng nổ với kỳ nghỉ tết dài 9 ngày
-
2024-11-28 14:43:00
DANAGO đón tiếp 550 du khách MICE du lịch Đà Nẵng
Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa
Cuối năm, du lịch check-in lên ngôi
Đoàn famtrip Hiệp hội Du lịch Việt Nam khảo sát, trải nghiệm tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
Top khách sạn, resort hàng đầu ở Cát Bà được yêu thích trên Traveloka
DANAGO nhận ủy nhiệm tổ chức tour quy mô hơn 500 khách
Tham vấn hoàn thiện sản phẩm “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”
Du lịch Thanh Hóa thu hút dòng khách quốc tế, có khả năng chi trả cao
Liên kết du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh để “cùng thắng”