Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong khí thế, dòng chảy chung ấy, Thanh Hóa đã và đang tiếp tục kiến tạo thế và lực, chuyển hóa mạnh mẽ về “chất” sau khi đã tích đủ “lượng”. Với sứ mệnh “đi trước mở đường”, phát triển hạ tầng giao thông là mở ra con đường vươn tới tương lai...
Tuyến đường Vạn Thiện đi Bến En đang được các đơn vị khẩn trương thi công. Ảnh: Hương Thảo
Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”
Công trường thi công tuyến đường Vạn Thiện - Bến En những ngày cuối năm rộn ràng khí thế lao động! Đây là tuyến đường đi qua địa phận 2 huyện Nông Cống với chiều dài 5,5km và huyện Như Thanh với chiều dài 6,6km, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng. Quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe theo TCVN 4054-2005 dần hình thành.
Bấy lâu, Vườn Quốc gia Bến En vẫn được ví như “Hạ Long trên cạn” của xứ Thanh, tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch là điều không cần phải bàn cãi. Ấy vậy mà đến nay, vùng đất ấy vẫn chưa thể khai phá, phát huy hiệu quả, xứng tầm tiềm năng, lợi thế. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có hạn chế về hạ tầng giao thông chưa kết nối. Hiện nay, việc kết nối giao thông với Vườn Quốc gia Bến En chủ yếu thông qua Quốc lộ 45 và đường tỉnh 520, có quy mô nhỏ, dân cư sinh sống đông, tập trung dọc hai bên đường. Việc nâng cấp, mở rộng đường rất khó khăn, kinh phí đầu tư lớn, là nút thắt trong việc khai thác, phát triển du lịch của khu vực.
Bởi vậy, việc tỉnh quan tâm, đầu tư dự án (DA) xây dựng đường Vạn Thiện đi Bến En mở ra nhiều kỳ vọng về sự bứt phá của khu du lịch này trong tương lai. Ông Lê Công Cường, Giám đốc Ban Quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bến En bộc bạch: “Tuyến đường có vai trò quan trọng, tăng cường kết nối Vườn Quốc gia Bến En với mạng lưới giao thông khu vực, đặc biệt là kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển cho tỉnh về phía Tây Nam, là đòn bẩy phát triển du lịch Như Thanh nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững”.
Mở lối bước vào kỷ nguyên vươn mình...
Những đại lộ thênh thang, những con đường kết nối được mở ra khai phá tối đa tiềm năng, lợi thế, rút ngắn khoảng cách – rộng mở tương lai, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Cạnh tranh về thời gian cũng là cuộc đua khốc liệt về kinh tế, cơ hội cạnh tranh, năng lực phát triển, thu hút đầu tư... Điều đó được minh chứng sinh động, cụ thể bằng những con số, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng mà Thanh Hóa đạt được trong năm 2024. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 11,72%, vượt kế hoạch và đứng thứ 3 cả nước. Toàn tỉnh ước đón 15,3 triệu lượt khách, tăng 22,5% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch ước đạt 33.815 tỷ đồng, tăng 38%. Thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước đạt 54.341 tỷ đồng, vượt 52,8% dự toán và tăng 25,9% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 cả nước. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 138.856 tỷ đồng, bằng 102,9% kế hoạch và tăng 4,5% so với cùng kỳ...
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 37 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh: Năm 2025 có vai trò đặc biệt quan trọng, là năm về đích, có ý nghĩa then chốt, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh; là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025 xác định mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.200 USD trở lên; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750 nghìn tỷ đồng trở lên...
Mục tiêu càng lớn đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm càng cao, giải pháp mang tính chiến lược, thiết thực, hiệu quả. Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, ngành giao thông tiếp tục nỗ lực, để thực hiện sứ mệnh của mình. Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết: “Trong thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực, cố gắng, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần hoàn thành khâu đột phá về hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.
Theo kế hoạch, tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng quốc lộ, đường tỉnh và xây mới các tuyến đường lớn, quan trọng với tổng chiều dài 282km, ưu tiên bố trí vốn triển khai một số DA trọng điểm để tăng cường liên kết vùng. Hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn đảm bảo về quy mô, kết cấu, tiêu chuẩn, đáp ứng Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM; phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 100% đường xã được cứng hóa. Hoàn thành DA nạo vét luồng tàu vào Cảng Nghi Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn; kêu gọi đầu tư xây dựng mới cảng Quảng Châu, cảng Quảng Nham - Hải Châu; phấn đấu lượng hàng thông qua cảng biển Thanh Hóa khoảng 69 triệu tấn/năm. Tích cực kêu gọi đầu tư, xây dựng Cảng Hàng không Thọ Xuân theo hình thức PPP, mục tiêu đến trước năm 2030 đưa Cảng Hàng không Thọ Xuân đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách. Tiếp tục kêu gọi thực hiện đầu tư xây dựng trung tâm logistics cấp vùng tại Nghi Sơn; các trung tâm logistics cấp tỉnh tại khu vực phía Tây TP Thanh Hóa và Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng. Ông Nguyễn Đức Trung cho biết thêm: “Tỉnh đã giao cho Sở GTVT nghiên cứu tiền khả thi một số DA, trong đó có tuyến đường vành đai 3 nối Hoằng Hóa – Quảng Xương. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, ngành nỗ lực hoàn thiện nghiên cứu, khảo sát, báo cáo bộ, ngành Trung ương sớm đầu tư tuyến đường tránh vành đai 3 nối Hoằng Hóa – Quảng Xương, giảm áp lực cho khu vực nội đô của TP Thanh Hóa, tạo không gian phát triển cho các địa phương có tuyến đường đi qua”.
Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực, bố trí vốn để đầu tư hoàn thành các DA lớn, trọng điểm, kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, kết nối các vùng, các trung tâm kinh tế động lực, trọng tâm là các tuyến đường kết nối các nút giao của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam với các trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh, các khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, cảng biển, cảng hàng không. Đồng thời đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống GTVT theo quy hoạch, kế hoạch đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất danh mục các DA có khả năng thu hút đầu tư theo phương thức PPP, nhằm kết hợp và huy động có hiệu quả nguồn lực từ khối tư nhân theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, vận dụng sáng tạo mô hình “đầu tư tư - sử dụng công”, “lãnh đạo công - quản trị tư” trong đầu tư, quản lý, khai thác các công trình hạ tầng GTVT; tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các DA công trình đầu mối, có tính chất kết nối liên vùng, liên tỉnh, trọng tâm là đầu tư hạ tầng hàng không và cảng biển.
Đẩy mạnh khuyến khích, thu hút các nguồn vốn tư nhân đầu tư trực tiếp theo hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các DA mà doanh nghiệp có thể làm được và làm tốt hơn theo quy định của pháp luật, thay vì sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, như: Các DA đầu tư bến cảng tại khu vực Cảng Nghi Sơn; đầu tư xây dựng các trung tâm logistics, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên cao tốc, quốc lộ; đầu tư hạ tầng giao thông trong các khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị mới... Cùng với đó, tiếp tục quan tâm huy động có hiệu quả các nguồn vốn và ngày công đóng góp của Nhân dân, để cùng với các nguồn vốn của Nhà nước đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn.
Tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công đối với các DA hạ tầng GTVT, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, triển khai đầu tư và khai thác, vận hành các DA hạ tầng GTVT. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình, thủ tục đầu tư các DA sử dụng vốn đầu tư công; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kịp thời các nguồn vốn, quản lý chặt chẽ vốn tạm ứng theo đúng quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng GTVT. Phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA.
Xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án vay vốn trong nước tỉnh Thanh Hóa để huy động thêm các nguồn vốn từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính và các tổ chức khác trong nước, từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho tỉnh vay lại. Ưu tiên sử dụng vốn vay để đầu tư các tuyến giao thông để tăng cường kết nối theo trục Đông - Tây của tỉnh, gồm: DA tuyến đường nối TP Thanh Hóa với các huyện phía Tây của tỉnh; đường từ TP Thanh Hóa với huyện Thiệu Hóa và huyện Yên Định (bao gồm cầu Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa)...
Thùy Dương - Hương Thảo
{name} - {time}
-
2025-01-22 10:54:00
Đưa Di sản thế giới vào trong học đường
-
2025-01-22 10:43:00
Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa thăm, tặng quà thành viên có hoàn cảnh khó khăn
-
2024-12-22 07:49:00
Vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng: Bác sỹ tâm lý nói gì về hung thủ?
Cần hơn 181.000 tỷ đồng đầu tư nút giao, tuyến đường kết nối với cao tốc
Không phải cứ nhịn, rồi sẽ lành
Cần hơn 181.000 tỷ đồng đầu tư nút giao, tuyến đường kết nối với cao tốc
Công bố 10 sự kiện của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2024
Trao tặng công trình đèn năng lượng mặt trời và con giống cho Khu phố Đoàn Kết
Thủ tướng: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác tổng kiểm kê tài sản công
Công ty Điện lực Thanh Hóa tổ chức hiến máu tình nguyện, hưởng ứng Tuần lễ hồng EVN lần thứ X
Thủ tướng Chính phủ đôn đốc Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý
Trình tự 8 bước đăng ký xe nhập khẩu qua ứng dụng VNeID như thế nào?