Mở Đường (Bài 2): Một vòng xứ Thanh qua những tuyến đường động lực, kết nối
Đầu tư xây dựng những con đường động lực, kết nối là cách mà tỉnh Thanh Hóa khai phá tiềm năng, lợi thế, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới, phát triển bền vững, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhà thầu gấp rút thi công DA tuyến đường nối cao tốc Bắc - Nam, QL 1A đi Cảng Nghi Sơn. Ảnh: Thảo Linh
Từ “trái tim Nghi Sơn” kết nối muôn phương...
Đã bao lần về với Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) nhưng mỗi lần đến và đi là một lần cảm thán trước sự phát triển mạnh mẽ, thay da đổi thịt từng ngày. Không khí khẩn trương, sôi động trên các công trình, dự án (DA) trọng điểm luôn là hình ảnh lưu lại dấu ấn đậm sâu trong tâm trí của chúng tôi. Là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước với vị trí địa lý chiến lược vô cùng quan trọng cả về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh, KKTNS luôn nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, gia tăng lực hấp dẫn, thu hút “đại bàng” về làm tổ.
Anh Nguyễn Viết Khôi, Trưởng Phòng kỹ thuật - thẩm định, Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng khu vực KKTNS và các Khu công nghiệp (sau đây gọi tắt là Ban khu vực) cho biết: “Với việc KKTNS được các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông có một ý nghĩa rất to lớn, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch nhằm nâng cao năng lực vận tải, lưu thông hàng hóa; tạo điểm nhấn về cảnh quan môi trường nhằm nâng cao tính cạnh tranh, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào KKTNS. Đây là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hàng đầu để đưa Nghi Sơn trở thành trung tâm kinh tế đầu tàu của tỉnh, từng bước đưa Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chúng tôi đến thăm công trường thi công DA tuyến đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ (QL) 1A đi Cảng Nghi Sơn vào thời điểm năm 2024 sắp khép lại. Có lẽ bởi vậy mà sức nóng ở công trường như càng được tăng thêm từ tinh thần, khí thế thi đua lao động hăng say, trách nhiệm. DA đường nối cao tốc Bắc - Nam, QL 1A đi Cảng Nghi Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 4430/QĐ-UBND ngày 13/12/2022 với tổng mức đầu tư là 1.345 tỷ đồng. DA gồm 2 tuyến đường, trong đó tuyến số 1 là đường tỉnh 512, đoạn từ QL1 đến đường Thọ Xuân - Nghi Sơn có chiều dài 10,3km, đi qua các phường, xã: Tân Dân, Hải An, Ngọc Lĩnh, Anh Sơn, Các Sơn thuộc địa phận thị xã Nghi Sơn và xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống. Tuyến số 2 là đường Nghi Sơn - Bãi Trành đoạn từ cầu Hổ đến nút giao vào đường cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 3km thuộc địa phận xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn. DA có 1 gói thầu xây lắp do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Công ty CP Xây dựng cầu Thanh Hóa, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung, Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Huy Hoàn và Công ty TNHH Việt Nam ASEAN đảm nhiệm thi công.
Vừa đi thực địa tại công trường, anh Khôi vừa chia sẻ thông tin chung, mục đích, ý nghĩa của DA: “Đây là 1 trong 5 DA về hạ tầng giao thông mà Ban khu vực được giao quản lý, thời gian thực hiện từ năm 2022-2025. DA được đầu tư xây dựng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối liên vùng trong khu vực, hình thành tuyến giao thông đối ngoại kết nối trực tiếp với QL1 và cao tốc Bắc – Nam. DA sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các huyện phía Tây của tỉnh với KKTNS, đảm bảo phục vụ lưu thông vận chuyển hàng hóa, hành khách, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn kết nối đường cao tốc Bắc - Nam, đường Nghi Sơn - Thọ Xuân và các tuyến đường khu vực với Cảng Hàng không Thọ Xuân, Cảng Nghi Sơn. Đồng thời, tạo giao thông thuận lợi cho các khu công nghiệp dọc tuyến, tăng tính kết nối du lịch ven biển”.
Trên công trường thi công tuyến 1 ầm ào tiếng máy xúc, xe lu hoạt động, các cán bộ Ban khu vực cùng chỉ huy trưởng của các nhà thầu, tư vấn giám sát trưởng hội ý nhanh công việc. Từ sáng sớm, các cán bộ ban quản lý, tư vấn giám sát tỏa ra công trường để đôn đốc, chỉ đạo thi công với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, mục tiêu cao nhất là đảm bảo tiến độ, chất lượng của DA. Trên phạm vi mặt bằng được bàn giao, các nhà thầu đã khẩn trương huy động, tập trung nhân lực, vật tư, máy móc, triển khai các mũi thi công.
Anh Trần Quang Tốp, Trưởng Phòng điều hành DA 2, Tư vấn giám sát trưởng tuyến 1 (Ban khu vực) chia sẻ: “Quá trình thi công còn gặp khó khăn, thách thức như công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); tính chất kỹ thuật của DA tương đối phức tạp, một số đoạn tuyến phải xử lý nền yếu... Tuy nhiên, sau gần 1 năm triển khai, tuyến đường đã dần được hình thành, tiến độ của DA vẫn đang được đảm bảo theo đúng kế hoạch đề ra. Điều đó thể hiện sự quan tâm, sát sao của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ của Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp, chính quyền địa phương nơi có tuyến đường đi qua cùng với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả của Ban khu vực, các nhà thầu...”. Thời gian tới, Ban khu vực sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương nơi có DA đi qua để giải phóng toàn bộ mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu tổ chức thi công. Cùng với đó, ban sẽ đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đảm bảo đáp ứng đúng tiến độ, kịp thời giải ngân vốn đầu tư theo đúng kế hoạch.
Dọc tuyến đường ven biển...
DA đường giao thông từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 5/2/2021, quy mô chiều dài tuyến đường 16,442km, đi qua 3 địa phương, gồm: Thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung và huyện Nga Sơn. DA có tính chất, vai trò quan trọng trong việc kết nối các tuyến giao thông lớn và mở ra không gian phát triển mới cho thị xã Bỉm Sơn, các huyện Hà Trung, Nga Sơn. Theo tiến độ, DA được thực hiện trong thời gian từ năm 2022 đến năm 2024. Tuy nhiên, ngay từ khi khởi công, DA gặp nhiều khó khăn do tác động lớn từ đại dịch COVID-19; vướng mắc trong công tác GPMB dẫn đến tiến độ thi công DA còn chậm so với kế hoạch.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ DA, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo sát sao với nhiều chuyến thăm, làm việc. Sở GTVT, Ban Quản lý DA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi có DA đi qua để khẩn trương hoàn thành công tác GPMB; tuyên truyền, vận động người dân hiểu, nhận thức toàn diện về mục đích, ý nghĩa, từ đó đồng thuận bàn giao mặt bằng thực hiện DA. Các nhà thầu tập trung cao độ, chuẩn bị tốt các điều kiện nhân lực, vật lực, máy móc để sẵn sàng triển khai thi công ngay khi được bàn giao mặt bằng. Đến nay, thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung đã hoàn thành xong công tác GPMB; huyện Nga Sơn hoàn thành 12,037/12,765km, đạt 94,3%.
Về tiến độ thi công, DA có 1 gói thầu xây lắp (gói thầu số 5) với giá trị hợp đồng 564,82 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP Xây dựng Hoàng Hải (nay là Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng Trường Phúc) - Công ty CP Xây dựng cầu Thanh Hóa - Công ty CP Tân Thành - Công ty CP Xây dựng và Thương mại Xuân Hưng thực hiện.
Đến nay, tổng giá trị xây lắp đạt khoảng 334 tỷ đồng/532,356 tỷ đồng, đạt 63%. Anh Lê Văn Kết, Phó Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng Trường Phúc chia sẻ: “Đơn vị đảm nhận thi công 7,12km/16,4km, khởi công từ tháng 1/2022. Thời điểm thi công chịu ảnh hưởng của dịch COVID–19, sau đó là thời gian dài khan hiếm vật liệu (thời điểm DA cao tốc Bắc – Nam qua địa phận tỉnh Thanh Hóa và các DA trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu cao về nguồn vật liệu) nên có thời điểm thi công chậm tiến độ. Được sự hỗ trợ của ban quản lý, phối hợp của chính quyền các địa phương, đơn vị đã huy động tối đa nguồn lực tài chính, bố trí máy móc, nhân lực, vật tư triển khai đồng loạt các mũi thi công, có lúc tổ chức làm 3 ca/ngày. Dự kiến đến 31/12, đơn vị cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ cam kết”.
“Với tiến độ thi công của các nhà thầu như hiện tại, khả năng các nhà thầu có thể thi công bù được phần tiến độ đã chậm để hoàn thành đúng tiến độ đã được ban quản lý chấp thuận trong năm 2024 (trừ phạm vi 0,728km huyện Nga Sơn đến nay chưa bàn giao mặt bằng và phạm vi xử lý nền đất yếu phải chờ lún)” - anh Văn Đình Dương, Phó Phòng Tư vấn hoạt động xây dựng, Ban Quản lý DA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa nhận định. Nhằm đáp ứng tiến độ thi công theo hợp đồng và giải ngân của DA, Ban quản lý đề nghị huyện Nga Sơn đẩy nhanh tiến độ GPMB, trước mắt ưu tiên giải quyết sớm nhất các tồn tại trong đoạn xử lý nền đất yếu... để nhà thầu hoàn thiện các đoạn tuyến còn thi công dở dang và triển khai thi công trên các đoạn tuyến còn lại. Ban quản lý yêu cầu các nhà thầu thi công phần đường tập trung hơn nữa nguồn lực tài chính, vật tư, máy móc thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công; thi công bù phần tiến độ đã chậm và đảm bảo tiến độ đã được ban quản lý chấp thuận.
Những ngày cuối cùng của năm 2024, trên công trường thi công các DA giao thông trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tấp nập, rộn ràng... Những cán bộ, kỹ sư, công nhân nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, đóng góp trí lực để có thêm nhiều con đường kết nối, đại lộ thênh thang sớm được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội, mở ra kỷ nguyên vươn mình của tỉnh, đất nước.
Thùy Dương - Hương Thảo
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-12-20 15:53:00
Hành trình của một người lính
Mở Đường (Bài 1): Thênh thang đường về quê Thanh...
Những cựu chiến binh xông pha trong thời chiến, cống hiến giữa thời bình
Dáng vóc đô thị “tựa núi, bên sông, hướng biển”
Ông Hoàng Trọng Cường, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa: “Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị văn minh trên nền tảng của sự đổi mới, sáng tạo, đi vào chiều sâu, hướng đến giá trị bền vững”
Chiến tranh và nỗi ám ảnh
Những người giữ hồn di sản
Xây dựng những tuyến đường mở hướng tương lai
Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu, giải pháp hiện đại để khơi thông tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực”