Lên vùng biên viễn nghe kể lễ hội Mường Xia

(Baothanhhoa.vn) - Lễ hội Mường Xia là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái huyện Quan Sơn. Đây là dịp để người dân tri ân, tưởng nhớ công ơn của tướng quân Tư Mã Hai Đào - người có công lớn trong việc diệt trừ quân xâm lược, trấn ải biên cương và mang lại cuộc sống thanh bình, ấm no cho người dân dọc biên giới miền Tây xứ Thanh.

Lễ hội Mường Xia là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái huyện Quan Sơn. Đây là dịp để người dân tri ân, tưởng nhớ công ơn của tướng quân Tư Mã Hai Đào - người có công lớn trong việc diệt trừ quân xâm lược, trấn ải biên cương và mang lại cuộc sống thanh bình, ấm no cho người dân dọc biên giới miền Tây xứ Thanh.

Lên vùng biên viễn nghe kể lễ hội Mường Xia

Lễ hội Mường Xia thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương tham dự.

Theo Dư Địa chí huyện Quan Sơn, Tướng quân Tư Mã Hai Đào là người họ Hà, sinh ra ở Mường Đào (xã Điền Quang, huyện Bá Thước) mồ côi cha mẹ từ rất sớm. Thuở nhỏ ông là đứa trẻ thông minh, đam mê luyện tập cung, kiếm. Lớn lên Hai Đào có vóc dáng lực lưỡng, tướng mạo phi phàm, giỏi võ nghệ. Nghe tin triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ hiền tài, phò vua diệt giặc cứu nước, ông được quan Lang cho theo đến kinh kỳ tham gia hội thi đấu võ. Võ đài năm ấy, ông liên tục thắng cuộc trước sự thán phục của nhiều người. Chính tướng mạo và sự tinh thông võ nghệ của ông đã làm rung động trái tim con gái nhà vua. Biết được chuyện con gái đem lòng yêu mến Tư Mã Hai Đào, nhà vua đã tác hợp cho hai người và yêu cầu thầy đồ dạy chữ cho con rể. Được học chữ và thường xuyên tập luyện võ, ông trở thành người văn võ song toàn.

Khi ấy giặc phương Bắc đang rình rập biên giới đất liền miền Tây xứ Thanh, ông đã xin cấp binh mã, vũ khí, lương thực để lên trấn ải vùng biên cương. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp, ông triệu tập thêm binh lính, chuẩn bị lương thực, rèn thêm vũ khí rồi đưa quân lên biên giới (xã Tén Tằn, huyện Mường Lát ngày nay) đánh đuổi giặc ngoại xâm, trấn ải biên cương. Đoàn quân đã chiến đấu anh dũng và giành chiến thắng, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân. Sau khi biên giới thanh bình, ông đã chọn Mường Xia làm thủ phủ. Từ đó, Mường Xia trở nên sầm uất, dân cư tập trung đông đúc, các hoạt động giao thương trở nên tấp nập. Khi về già, Tư Mã Hai Đào mất tại Mường Xia, người dân an táng ông tại núi Pha Dùa. Nhớ ơn người đã có công gìn giữ biên cương của Tổ quốc, mang lại ấm no cho bản làng, hàng năm cứ đến ngày mùng 9 - 10 tháng 2 (âm lịch) đồng bào lại tổ chức lễ hội Mường Xia. Song, thời cuộc thay đổi, sau lần tổ chức cuối cùng vào năm 1957, lễ hội lặng lẽ tồn tại ở bản Trung Sơn, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn bằng việc duy trì cúng tế hàng năm mỗi dịp tết đến, xuân về. Phải mất gần 6 thập kỷ, đến năm 2010, lễ hội Mường Xia mới được khôi phục. Kể từ đây, vào mùa xuân hàng năm, xã Sơn Thủy lại tổ chức lễ hội Mường Xia và cứ 5 năm huyện Quan Sơn lại tổ chức một lần với quy mô cấp huyện.

Để chuẩn bị cho lễ hội, trước ngày chính lễ, thầy mo đại diện Mường Xia chuẩn bị một mâm lễ cúng gồm thịt lợn, thịt gà, vò rượu cần, vải thổ cẩm, tiền, vòng tay, vòng cổ bằng bạc, trầu cau, hương, hoa quả đến đền thờ Tư Mã Hai Đào để xin phép ngài và các vị thần linh cho Mường Xia được tổ chức lễ hội. Sáng hôm sau, trong không khí tưng bừng, rộn ràng tiếng nhạc, rực rỡ trang phục bản địa, ban tổ chức, Nhân dân huyện Quan Sơn và du khách thập phương sẽ tập trung tại khu hòn đá vía để khai hội, cúng vía cho đất Mường Xia và rước kiệu, mâm lễ về đền thờ Tư Mã Hai Đào. Về đến đền thờ, đội cúng nhanh chóng mang đồ lễ ra chân núi Pha Dùa (nơi đồng bào an táng Tướng quân Tư Mã Hai Đào) tiếp tục làm lễ cúng. Sau lễ cúng tại hòn đá vía, chân núi Pha Dùa, đội cúng sẽ dâng lễ tại đền thờ Tư Mã Hai Đào thực hiện các nghi lễ quan trọng của lễ hội Mường Xia. Tiếp đó, đội cúng và Nhân dân sẽ tiếp tục làm lễ tại các điểm nơi giao hòa của sông Luồng, suối Xia và Piềng Phay.

Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian. Đây là dịp để người dân các bản thể hiện tài năng, trí thông minh, sự khéo léo, nhanh nhẹn và tinh thần thượng võ thông qua một số trò như: hát khặp, đánh chiêng, nhảy sạp, tung còn, tó má lẹ, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, khua luống, khặp, múa chá, cà kheo...

Ngày nay, lễ hội Mường Xia không chỉ thu hẹp ở đồng bào dân tộc Thái thuộc các xã Sơn Thủy mà còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc anh em Thái, Kinh, Mường, Mông huyện Quan Sơn và Mường Đào, huyện Bá Thước (quê hương của Tư Mã Hai Đào), Mường Bén và Mường Xôi của nước bạn Lào. Trải qua biến thiên của thời gian, những thăng trầm của lịch sử, lễ hội Mường Xia vẫn được người dân địa phương trao truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, lễ hội có sự thay đổi để phù hợp với thực tế nhưng vẫn giữ được “hồn cốt” vốn có của nó. Với những giá trị lịch sử, nhân văn và khoa học sâu sắc, vừa qua lễ hội Mường Xia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự nỗ lực cố gắng của chính quyền các cấp và Nhân dân huyện Quan Sơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện.

Ông Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quan Sơn, cho biết: Lễ hội Mường Xia là hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Thái huyện Quan Sơn. Lễ hội còn là dịp để mọi người tụ hội, gặp gỡ chúc phúc, cùng nhau cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà được bình an, hạnh phúc. Vừa qua, lễ hội Mường Xia được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của huyện nhưng đồng thời là trách nhiệm hết sức lớn lao đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân cùng chung sức để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Thời gian tới, huyện Quan Sơn tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để cho mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thấy được ý nghĩa và giá trị của lễ hội Mường Xia, góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội.

Bài và ảnh: Xuân Anh


Bài và ảnh: Xuân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

14°C - 25°C
Ít mây, không mưa
  • 18°C - 25°C
    Có mây, không mưa
  • 18°C - 24°C
    Nhiều mây, không mưa
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]