Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2024): Tấm gương mẫu mực về chí khí chiến đấu của người cộng sản kiên trung
Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú đã trở thành tấm gương mẫu mực, ngời sáng của người cộng sản kiên trung, bất khuất, đúng như câu nói nổi tiếng của chính ông: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”!.
Cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh: tapchimattran.vn
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên (nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), trong một gia đình nhà nho yêu nước. Mồ côi cha mẹ khi còn thơ ấu, tuổi thơ Trần Phú đã tận mắt chứng kiến những nỗi thống khổ, bất công của các tầng lớp Nhân dân lao động dưới ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến. Điều đó đã góp phần bồi đắp cho người thanh niên lòng yêu quê hương, đất nước, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai, hun đúc ý chí và tinh thần học hỏi, vươn lên tìm con đường cứu nước.
Từ năm 1918 - 1922, Trần Phú theo học Trường Quốc học Huế. Thời gian này, Trần Phú đã kết thân với nhiều bạn bè đồng hương, có cùng chí hướng như Hà Huy Tập, Hà Huy Lương, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn... và lập ra nhóm “Thanh niên tu tiến hội” để cùng nhau đọc sách, trao đổi giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, với mục đích góp phần đào tạo lớp người có chí hướng, làm lợi cho dân, cho nước, Trần Phú chọn nghề dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (TP Vinh, Nghệ An).
Đồng chí Trần Phú bước vào con đường cách mạng vào thời điểm khi những hoạt động cách mạng sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc tại Paris đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trong nước. Đặc biệt, ảnh hưởng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ngày càng mạnh, thu hút nhiều phần tử tiên tiến của Hội Phục Việt, trong đó có Trần Phú. Đồng chí quyết định bỏ nghề dạy học để dấn thân vào con đường cách mạng chuyên nghiệp. Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là vào cuối năm 1926, đồng chí được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại khóa huấn luyện đã trang bị cho Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản, về lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, để từ một thanh niên có tư tưởng cách mạng yêu nước, đồng chí đã chuyển sang lập trường cách mạng vô sản.
Đầu tháng 1/1927, đồng chí trở lại Quảng Châu và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông. Đầu tháng 11/1929, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, đồng chí nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, bí mật lên tàu đi Lêningrát (nay là Xanh Pêtécbua) bắt đầu hành trình về nước hoạt động. Ngày 8/2/1930, đồng chí về đến Sài Gòn. Ít ngày sau, đồng chí sang Hồng Kông và gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người đã giới thiệu đồng chí Trần Phú về tham gia hoạt động trong Ban Chấp ủy lâm thời (Ban Chấp hành Trung ương lâm thời).
Tháng 7/1930, đồng chí được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương chính trị. Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng là sản phẩm trí tuệ của tập thể Ban Chấp hành Trung ương, nhưng in đậm dấu ấn cá nhân đồng chí Trần Phú trong vai trò là người trực tiếp soạn thảo. Luận cương được hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là “Luận cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa” của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (năm 1928) và các văn kiện trong hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đầu năm 1930. Đồng thời, được tổng kết từ thực tiễn nhiều vùng công nghiệp, nông nghiệp ở miền Bắc; nghiên cứu tình hình công nhân, nông dân và phong trào quần chúng ở một số địa phương như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai... Nội dung chủ yếu của Luận cương chính trị trình bày những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, gồm 3 phần lớn: tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương; những đặc điểm về tình hình ở Đông Dương; tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương.
Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, đặc điểm xã hội và mâu thuẫn giai cấp ở Đông Dương, dự thảo Luận cương chính trị nêu rõ, tính chất cuộc cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền. “Cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, không qua thời kỳ phát triển tư bản”. Nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là “đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc, đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân. Hai nhiệm vụ ấy khăng khít với nhau không thể tách rời”. Trong cách mạng tư sản dân quyền, công nhân và nông dân là hai lực lượng chính, nhưng “giai cấp công nhân phải nắm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thành công được”.
Luận cương cũng chỉ rõ, Đảng phải có phương pháp cách mạng trong lúc bình thường và lúc có tình thế cách mạng. “Khi có tình thế trực tiếp cách mạng thì Đảng phải lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền”. Về vai trò lãnh đạo của Đảng, dự thảo Luận cương chính trị nhấn mạnh: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành”. Đảng là đội tiền phong của giai cấp vô sản ở Đông Dương và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản...".
Tháng 10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Dưới sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương Đảng thời kỳ 1930 - 1931, khí thế phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ. Bộ Tham mưu tối cao của Đảng, do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu, đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, dấy lên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Quốc tế Cộng sản đánh giá cao hoạt động của Đảng ta, tháng 4/1931, đã quyết định công nhận Đảng ta là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản. Sự công nhận đó có phần đóng góp to lớn và là thành công của đồng chí Trần Phú trên cương vị là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Cũng trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã trực tiếp chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 12/1930, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 1/1931 và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn tháng 3/1931. Dưới sự chủ trì của đồng chí, các quyết nghị của Trung ương giai đoạn này đã góp phần đưa phong trào cách mạng Đông Dương phát triển lên tầm cao mới.
Đặc biệt, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có đóng góp to lớn trong công tác xây dựng Đảng. Đánh giá đóng góp to lớn của đồng chí, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định: “Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh, hữu khuynh trong Đảng. Đồng chí dành nhiều công sức để xây dựng và củng cố tổ chức, kiện toàn các cơ quan từ Trung ương đến các xứ ủy và các đảng bộ, nhất là ở những vùng quan trọng, bị địch đàn áp”.
Ngày 18/4/1931, đồng chí bị địch bắt tại số nhà 66, đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng, TP Hồ Chí Minh) và đưa về giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, đồng chí đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường trước kẻ thù. Ngày 6/9/1931, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn. Trước lúc hy sinh, đồng chí vẫn nhắn gửi đồng chí, đồng bào: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Ngày 12/1/1999, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Trần Phú tại TP Hồ Chí Minh và di dời hài cốt của đồng chí về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: “Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến hết sức to lớn của đồng chí Trần Phú là di sản quý báu, dệt kết nên pho sử vàng vinh quang của Đảng. Tấm gương đạo đức cách mạng, khí phách người chiến sĩ cộng sản cao đẹp, kiên trung, bất khuất của đồng chí mãi tỏa sáng, để lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ta học tập, noi theo”. Có thể khẳng định, phẩm chất cộng sản kiên trung và khí tiết lẫm liệt của Trần Phú trước kẻ thù, đã, đang và mãi cổ vũ các thế hệ người Việt Nam hôm nay “giữ vững chí khí chiến đấu”, để chung sức đồng lòng xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Khôi Nguyên
{name} - {time}
-
2024-12-12 16:21:00
Thống nhất phương án cưỡng chế đối với Công ty TNHH Tây Đô
-
2024-12-12 15:31:00
Những kết quả nổi bật của tỉnh Thanh Hóa năm 2024
-
2024-05-01 06:00:00
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 1/5
Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh
Hoằng Châu đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao
Quảng Trị: Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 30/4/2024
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 30/4
Lịch sử vẻ vang là động lực để xây dựng đất nước hưng thịnh
Những người “tay cày tay súng” canh bầu trời Đò Lèn