Kiểm soát an toàn thực phẩm
Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn được toàn xã hội quan tâm bởi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, đời sống của người dân mà còn tác động lớn tới sự phát triển kinh tế, thương mại và an sinh xã hội. Trong công tác phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP) luôn đứng hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vi phạm VSATTP dưới nhiều hình thức, tạo ra “khe hở” trong việc kiểm soát ATTP.
Toàn tỉnh có 27 siêu thị, trung tâm thương mại, 386 chợ và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi đang hoạt động.
Dạo một vòng tại các con phố sầm uất của TP Thanh Hóa, có thể thấy con đường nào cũng xuất hiện vài ba quán ăn vỉa hè, xe hàng ăn với đủ các món ăn vặt hấp dẫn. Dọc đại lộ Lê Lợi, hàng chục quán đồ nướng san sát nhau, hàng nào cũng nổi bật với các biển quảng cáo đồ nướng buffet thịt bò thật với giá dao động chỉ từ 129.000 đồng/suất. Tại đây, theo lời quảng cáo của các chủ quán, khách hàng sẽ được thưởng thức tất cả các món như bắp bò, ba chỉ bò, nầm lợn, hàu nướng... chỉ với một mức giá nhất định. Chính vì mức giá hấp dẫn ấy, quán nào cũng đông khách, đa số đều là thanh niên, học sinh, sinh viên.
Còn đối với các sản phẩm nhà làm, tự sản xuất hiện nay thu hút được khá nhiều người quan tâm và thường được khách hàng mua thông qua lời giới thiệu của bạn bè, người thân tuy nhiên cũng chưa được bất kỳ cơ quan nào kiểm định về chất lượng. Có những sản phẩm được người sản xuất đầu tư và dành toàn bộ tâm huyết với mong muốn đem lại sản phẩm chất lượng nhất cho khách hàng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều người chưa thật sự có trách nhiệm trong vấn đề VSATTP như nhập nguyên liệu có nguồn gốc trôi nổi, khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh hay sử dụng tay không trong chế biến sản phẩm... Thực tế, các sản phẩm nhà làm, tự sản xuất chỉ chế biến với quy mô nhỏ lẻ, thủ công, không có giấy phép cũng không đăng ký với cơ quan chức năng và chủ yếu các sản phẩm này đều được bán qua mạng nên rất khó trong việc quản lý về chất lượng. Theo quy định, các sản phẩm nhà làm hay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình cũng cần có quy định về quy trình quản lý VSATTP để người sản xuất tuân thủ theo. Nhưng việc kiểm soát và tổ chức ký cam kết VSATTP đối với những cơ sở này chưa được triển khai đồng bộ.
Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh, các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm có đến hơn 80% chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư thiết bị, nhà xưởng sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, tại các vùng nông thôn, có đến hơn 65% nông dân vẫn còn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề VSATTP. Ngoài ra, việc kinh doanh thực phẩm trên nền tảng số ngày một đa dạng, khó quản lý. Tình trạng buôn bán thực phẩm giả, quảng cáo sai sự thật vẫn diễn biến vô cùng phức tạp; thực phẩm tại một số khu công nghiệp, trường học chưa thật sự đảm bảo, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm đã lợi dụng các cơ chế thị trường để lén lút buôn bán những sản phẩm kém chất lượng cho khách hàng.
Để chủ động đảm bảo VSATTP, ngay từ đầu năm, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về ATTP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành gần 60 văn bản triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo ATTP trong phạm vi ngành quản lý. Sở Công Thương ban hành kế hoạch xây dựng và duy trì chợ kinh doanh thực phẩm, triển khai thí điểm “Phiên chợ thực phẩm an toàn”; thông tin tuyên truyền và đào tạo tập huấn về ATTP trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm ban hành gần 40 văn bản triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP năm 2024. Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh đã triển khai công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024, triển khai Tháng hành động vì ATTP, kế hoạch thông tin tuyên truyền về ATTP theo lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách...
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp mà 7 tháng năm 2024 các chỉ tiêu về ATTP đã đạt được một số kết quả khả quan. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành 349.615 tấn thực phẩm tiêu dùng chủ yếu thông qua các chuỗi (đạt 56,4% kế hoạch), 17 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (đạt 15,2% kế hoạch), 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng quy định về ATTP (đạt 58,8% kế hoạch), 2 chợ kinh doanh thực phẩm (đạt 18,2% kế hoạch), 4 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn (đạt 36,4% kế hoạch), 1 xã đạt tiêu chí ATTP (đạt 4,3% kế hoạch) và đang chỉ đạo triển khai xây dựng 67 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP nâng cao.
Bài và ảnh: Chi Phạm
{name} - {time}
-
2025-01-12 11:26:00
Ninh Khang xây dựng xã an toàn thực phẩm nâng cao
-
2025-01-10 16:55:00
Hợp tác xã rau sạch Nhuận Thạch vào vụ tết
-
2024-06-11 10:04:00
Chợ thực phẩm an toàn - cơ hội kết nối sản phẩm uy tín
Phát triển rau màu theo hướng hàng hóa
Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp
Nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024: Cần sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội
Những gian hàng giới thiệu nông sản an toàn
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
TP Thanh Hóa bảo đảm công tác vệ sinh môi trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Năm 2024, xây dựng thí điểm tuyến phố bảo đảm ATTP trên địa bàn TP Thanh Hoá
Xử lý nghiêm vi phạm đối với sản phẩm không đảm bảo chất lượng VSATTP
Khoảng 11 tỷ mở rộng kho bảo quản, xưởng sơ chế đóng gói nông sản Xuân Minh