(Baothanhhoa.vn) - Trước những biến động bất lợi của kinh tế toàn cầu, khi xuất khẩu liên tục đối mặt với đơn hàng sụt giảm, thanh toán chậm và tồn kho gia tăng, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Thanh Hóa buộc phải chuyển hướng để duy trì sản xuất. Trong bối cảnh đó, kích cầu tiêu dùng trong nước không còn là giải pháp tình thế mà đã trở thành chiến lược trọng tâm, giúp DN giữ nhịp sản xuất và tạo sức bật mới cho thị trường nội địa.

Kích cầu thị trường trong nước khi xuất khẩu gặp khó

Trước những biến động bất lợi của kinh tế toàn cầu, khi xuất khẩu liên tục đối mặt với đơn hàng sụt giảm, thanh toán chậm và tồn kho gia tăng, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Thanh Hóa buộc phải chuyển hướng để duy trì sản xuất. Trong bối cảnh đó, kích cầu tiêu dùng trong nước không còn là giải pháp tình thế mà đã trở thành chiến lược trọng tâm, giúp DN giữ nhịp sản xuất và tạo sức bật mới cho thị trường nội địa.

Kích cầu thị trường trong nước khi xuất khẩu gặp khó

Công nhân Công ty Tâm Phú Hưng đóng gói gạo sạch chuẩn bị phân phối cho các hệ thống thực phẩm sạch tại thị trường nội địa.

Theo thống kê của Sở Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm 2024 ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 4,1% so với năm trước. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản, sản phẩm gỗ đều ghi nhận mức giảm đáng kể, từ 7 đến 12%. Tình trạng cắt giảm đơn hàng tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản không chỉ khiến DN gặp khó về dòng tiền mà còn gây áp lực lớn trong duy trì việc làm cho người lao động. Trước tình thế đó, nhiều DN đã chủ động chuyển hướng, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa nhằm duy trì sản xuất, giữ chân nhân lực và tìm kiếm cơ hội phục hồi.

Đơn cử như Công ty TNHH may Thiên Nam chi nhánh Thanh Hóa trước đây chuyên sản xuất đơn hàng FOB xuất đi châu Âu với sản lượng trung bình 50.000 sản phẩm/tháng, nay đã linh hoạt chuyển sang làm hàng nội địa theo đặt hàng của các thương hiệu thời trang trong nước như Owen, Novelty... Công ty đã cắt giảm bớt hai phân xưởng gia công xuất khẩu, chuyển sang tổ chức sản xuất linh hoạt với nhóm sản phẩm nhỏ hơn, đồng thời tăng đầu tư vào khâu thiết kế, may mẫu để phù hợp thị hiếu nội địa. Nhờ tận dụng tốt mối quan hệ sẵn có và chủ động đàm phán điều khoản thanh toán linh hoạt, đến hết quý I/2025, doanh thu thị trường trong nước của công ty đã chiếm 30% tổng doanh thu – mức cao nhất từ trước đến nay.

Không riêng gì các DN sản xuất nông sản, nhiều đơn vị công nghiệp xuất khẩu tại Thanh Hóa cũng đang phải chủ động chuyển hướng để thích ứng với thị trường trong nước. Là DN xuất khẩu ván ép lớn của huyện Triệu Sơn, Công ty TNHH Triệu Thái Sơn (xã Dân Lực) trung bình mỗi tháng xuất khẩu hơn 200 container ván ép đi các thị trường Mỹ, EU. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023 đến nay, lượng đơn hàng giảm mạnh do các đối tác cắt giảm nhập khẩu, yêu cầu kéo giãn tiến độ thanh toán và áp dụng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Trước nguy cơ hàng tồn kho lớn, ảnh hưởng đến dòng tiền và việc làm của gần 500 lao động, DN buộc phải tìm đầu ra mới trong nước. Công ty đã điều chỉnh chiến lược sản xuất, cho ra mắt dòng sản phẩm ván ép nội thất tiêu chuẩn vừa và nhỏ, phù hợp với nhu cầu xây dựng dân dụng và trang trí nội thất. Đồng thời, DN đầu tư mở showroom giới thiệu sản phẩm tại TP Thanh Hóa, ký kết hợp tác phân phối với một số đại lý vật liệu xây dựng và xưởng mộc trong tỉnh. Bên cạnh đó, công ty cũng thử nghiệm bán hàng online thông qua các nền tảng thương mại điện tử B2B, kết nối với các xưởng nội thất nhỏ lẻ tại Hà Nội và Nghệ An. Nhờ những điều chỉnh linh hoạt, tính đến hết quý I/2025, lượng tiêu thụ ván ép trong nước của Triệu Thái Sơn tăng gần 40% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng – một tỷ lệ chưa từng có trước đây khi DN chỉ chú trọng xuất khẩu.

Kích cầu thị trường trong nước khi xuất khẩu gặp khó

Công ty TNHH Fuwa Biotech đầu tư máy móc phục vụ thị trường nội địa.

Tại thị trấn Thiệu Hóa, Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng – đơn vị chuyên sản xuất và chế biến gạo sạch xác định rõ thị trường nội địa là trọng tâm phát triển trong giai đoạn hiện nay. Trước bối cảnh giá gạo xuất khẩu biến động, tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe, công ty chuyển hướng đầu tư mạnh cho chuỗi phân phối trong nước. Gạo của Tâm Phú Hưng được đóng gói chỉn chu, dán mã QR truy xuất nguồn gốc, đưa lên các sàn thương mại điện tử, tham gia hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Thanh Hóa và một số địa phương lân cận. Công ty cũng đều đặn góp mặt tại các hội chợ nông sản, phiên chợ OCOP để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu từ niềm tin. Nhờ kiên trì theo đuổi hướng đi này, sản lượng tiêu thụ nội địa hiện chiếm khoảng 80% tổng đầu ra của công ty, tạo dòng tiền ổn định cho sản xuất. Song song với đó, Tâm Phú Hưng vẫn duy trì kết nối với một số đơn vị trung gian để đưa sản phẩm tham gia các đơn hàng xuất khẩu quy mô nhỏ sang EU. Dù chưa phải là kênh chủ lực, nhưng theo đại diện công ty, xuất khẩu vẫn là hướng dài hạn, song sẽ đi sau và đi chắc, trên nền tảng thị trường trong nước vững vàng.

Những nỗ lực của DN được hỗ trợ tích cực từ chính quyền tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội chợ thương mại cùng phiên chợ hàng Việt về nông thôn và tuần lễ quảng bá sản phẩm OCOP, giúp hàng trăm doanh nghiệp, HTX có cơ hội gặp gỡ người tiêu dùng trong tỉnh và các địa phương lân cận. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ kết nối với các hệ thống bán lẻ lớn như Go!, Co.opmart để đưa hơn 80 sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, đồ thủ công mỹ nghệ vào kênh siêu thị. Đây là cú hích quan trọng để DN định vị sản phẩm và duy trì đầu ra bền vững trong nước.

Từ thực tiễn các mô hình trên có thể thấy, thị trường nội địa không còn là “sân sau” của xuất khẩu, mà đã trở thành một “mặt trận” quan trọng mà DN cần đầu tư nghiêm túc. Thay vì chỉ sản xuất theo năng lực, DN phải chuyển sang sản xuất theo nhu cầu và hành vi tiêu dùng trong nước. Việc hiểu khách hàng, đầu tư hình ảnh, xây dựng thương hiệu và bán hàng chủ động qua các kênh số đang tạo ra những cơ hội mới, giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu và nâng cao năng lực ứng phó trước biến động toàn cầu. Với sự chủ động từ DN, sự hỗ trợ từ chính quyền và sự đồng hành của người tiêu dùng, Thanh Hóa đang dần chuyển hóa khó khăn thành cơ hội, thúc đẩy tiêu dùng nội địa trở thành trụ cột vững chắc để giữ ổn định sản xuất và tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]