Hoàng Sa trong tâm tưởng
Tôi đã may mắn đặt chân lên khắp 63 tỉnh, thành phố của đất nước mình. Tôi đã làm việc tại rất nhiều huyện, thị xã, nhưng chắc chắn không có địa danh nào, buổi làm việc khiến tôi ấn tượng đậm sâu, day dứt khôn nguôi như buổi đến công tác tại UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - Bằng chứng sống động về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
1. Tháng 1 mở đầu năm mới với bao dự định cùng những niềm hy vọng, ước mong mới mẻ, đẹp đẽ. Đây cũng là tháng mà mỗi khi bước đến, người dân Việt Nam lại thêm sự tưởng nhớ sâu sắc, day dứt khôn nguôi về sự kiện Hoàng Sa (hay còn gọi là Ngày Hoàng Sa, hải chiến Hoàng Sa). Đó là ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực, xua quân cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng hòa, vi phạm luật pháp quốc tế. Trong hoàn cảnh gặp nhiều bất lợi, các quân nhân Việt Nam kiên gan nổ súng chống lại kẻ xâm lược nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Nhưng sự chênh lệch quá lớn về tương quan lực lượng, cuộc vệ quốc thất bại, Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc.
Tròn 50 năm sau hải chiến Hoàng Sa, ngày 19/1 đã trở thành Ngày Hoàng Sa, là dịp người dân cả nước hướng về Hoàng Sa máu thịt thân yêu của Tổ quốc. Là dịp ôn lại đậm sâu hơn, ý nghĩa hơn, thiết thực hơn về những hy sinh, mất mát của chúng ta trong trận hải chiến Hoàng Sa không cân sức. Và có một điều chắc chắn rằng, không chỉ trong những ngày tháng 1 hằng năm, không chỉ trong dịp tưởng nhớ 50 năm ngày hải chiến, mà mãi về sau, Hoàng Sa vẫn luôn là phần lãnh thổ thiêng liêng không bao giờ tách rời của Việt Nam.
Tuy Hoàng Sa tạm xa bất khả kháng, chúng ta luôn đau đáu nhớ về phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, luôn đấu tranh trên nhiều mặt trận để chứng minh chủ quyền của Việt Nam. Rất nhiều công trình nghiên cứu lịch sử đầy đủ căn cứ pháp lý xác đáng, thuyết phục, khoa học đã được xuất bản ở trong và ngoài nước. Rất nhiều thông tin trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội thường xuyên đăng tải, cập nhật về vùng biển đảo chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam, về trận hải chiến, về sự hy sinh anh dũng, về các cuộc vận động sưu tầm, đóng góp hiện vật; về những trăn trở khôn nguôi của người dân đất Việt ở trong nước và trên thế giới với một vùng biển đảo tạm rời xa đất mẹ. Có thể nói rằng, 50 năm qua, chúng ta đã có những bước đi vững chắc trong quá trình thực thi quản lý hành chính huyện đảo Hoàng Sa. Bằng nhiều cách thức, nhiều nguồn tham góp tin cậy khác nhau, kho tư liệu về Hoàng Sa ngày càng dày dặn, đầy đặn hơn, thêm những công cụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.
Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã là tác giả nổi tiếng với nhiều tác phẩm đặc khảo về Trường Sa, Hoàng Sa và những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Một trong số đó là cuốn “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2013 - một công trình nghiên cứu khoa học trong suốt 40 năm của tác giả. Ông cũng đi dự nhiều hội thảo, tọa đàm, thỉnh giảng ở nhiều nơi trên thế giới, luôn đau đáu về Hoàng Sa máu thịt cùng những câu chuyện truyền cảm hứng, đẫm nước mắt, nhói đau... Trước đó, vào đầu năm 2003, ông đã bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài: “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
2. Tôi đã may mắn đặt chân lên khắp 63 tỉnh, thành phố của đất nước mình. Tôi đã làm việc tại rất nhiều huyện, thị xã, nhưng chắc chắn không có địa danh nào, buổi làm việc khiến tôi ấn tượng đậm sâu, day dứt khôn nguôi như buổi đến công tác tại Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Huyện đảo được thành lập ngày 4/2/1982, thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đến ngày 1/1/1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Huyện Hoàng Sa có diện tích 305km2, chiếm 23,76% diện tích thành phố Đà Nẵng, bao gồm quần đảo Hoàng Sa với các đảo san hô nằm cách đất liền khoảng 170 hải lý (315km). Chủ tịch huyện đều là kiêm nhiệm. Và ngày 30-6/2021, ông Lê Phú Nguyện - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa - được bổ nhiệm vào làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là lần đầu tiên huyện đảo Hoàng Sa có phó chủ tịch, kể từ khi thành lập huyện. Việc tổ chức bố trí sắp xếp đầy đủ bộ máy hoạt động rõ ràng có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý nhà nước và đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Thi thoảng, tôi có truy cập vào trang thông tin điện tử Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa. Những thông tin mới được cập nhật, tất nhiên còn khá khiêm tốn, khá cách xa nhau và... khá cũ. Lượng thông tin cũng không nhiều, giao diện không thật bắt mắt. Lượng người truy cập cũng không nhiều, đến ngày 9/1/2024 chỉ là 11.351.495 lượt. Cũng chợt thấy lòng chùng xuống. Và mong những địa chỉ như vậy cần được đầu tư hơn nữa về nội dung và hình thức, nhất là chuyên mục “Toàn cảnh Hoàng Sa”, chuyên trang “Nhà trưng bày Hoàng Sa”... Từ những gốc rễ, mạch ngầm lan tỏa như vậy, Hoàng Sa sẽ thấm đẫm vào trong tâm tưởng, nghĩ suy của mỗi người dân đất Việt, để từ đó có những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực giữ mãi, giữ trọn một Hoàng Sa máu thịt của Tổ quốc, không chỉ trong tâm tưởng mỗi người...
Nhân tưởng nhớ trận hải chiến Hoàng Sa 19/1, xin được mượn câu chuyện của Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã để khép lại bài viết này, như một nén tâm nhang dâng lên các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến không cân sức 50 năm về trước. Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã kể rằng, tại buổi nói chuyện tại Trường Đại học Ngoại Thương tại Hà Nội năm 2011, “khi tôi nói bất cứ ai làm cho đất nước suy hèn đều có tội với tổ tông và dân tộc thì một nữ sinh viên đã phát biểu rằng “vậy thì bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa, Trường Sa đều có tội với tổ tông và dân tộc”.
Nguyễn Tri Thức
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-01-20 07:41:00
Chương trình “Xuân biên giới 2024” tại xã Trung Lý (Mường Lát)
Đào cổ thụ rục rịch xuống phố
Tăng cường quản lý các điểm du lịch tâm linh dịp cuối năm
Nhiều nông sản hội tụ tại Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa
Sẽ lắp đặt cân tự động để “xoá sổ” xe quá tải trên các tuyến Cao tốc Bắc-Nam
Chăm lo hộ nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau
Bay trên cánh đồng 18 tỷ
Ấm áp “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” năm 2024 cho đoàn viên, người lao động ngành giao thông - vận tải
Không còn nỗi lo biển "nuốt đất, nuốt làng”
Tăng cường biện pháp an ninh và số lượng các phương tiện phục vụ chuyến bay dịp Tết