(Baothanhhoa.vn) - Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với khối lớp 10. Nhờ chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (GV) và những điều kiện cần thiết nên các đơn vị trường đều triển khai thực hiện chương trình sau 1 tháng chính thức đi vào dạy học.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với khối lớp 10. Nhờ chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (GV) và những điều kiện cần thiết nên các đơn vị trường đều triển khai thực hiện chương trình sau 1 tháng chính thức đi vào dạy học.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10

Một giờ học của học sinh lớp 10, Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa).

Khởi đầu suôn sẻ

Khác với quan điểm tích hợp ở bậc học tiểu học và THCS, Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT được xây dựng theo hướng phân hóa và gắn với định hướng nghề nghiệp của học sinh (HS). Theo đó, chương trình lớp 10 có các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, đó là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Giáo dục của địa phương và Lịch sử. Ngoài ra, HS được tự chọn 4 môn trong tổng số 9 môn thuộc 3 nhóm: Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Như vậy, ở chương trình mới, HS được lựa chọn môn học và không bắt buộc phải học hết tất cả các môn trong nhóm môn tự chọn. Cũng theo chương trình mới, ngoài sách giáo khoa, mỗi môn học: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật sẽ có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp HS tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Tại Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa), sau 1 tháng triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 10, mọi hoạt động diễn ra tương đối tốt. Về phía HS, nhiều em đều có chung nhận định, nội dung các môn học có nhiều điểm mới, việc tiếp cận nội dung qua bài giảng của GV tốt, dễ hiểu, đặc biệt là HS được lựa chọn môn học đã tạo cơ hội thuận lợi cho bản thân phát huy năng lực, sở trường. Em Nguyễn Đức Anh, HS lớp 10, Trường THPT Đào Duy Từ, chia sẻ: “So với các anh, chị khóa trước, chúng em có nhiều thuận lợi hơn. Em ấn tượng trong chương trình có các môn học, chuyên đề để em lựa chọn. Việc này giúp chúng em có thêm kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về các môn học mà mình yêu thích. Em đam mê môn Vật lý nên em đã lựa chọn Khoa học Tự nhiên vì đây là thế mạnh của mình”.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ - Chu Hồng Văn, mục tiêu của nhà trường là đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của HS. Chính vì vậy, trước khi bước vào giảng dạy chương trình mới, nhà trường đã xây dựng nhóm các môn học lựa chọn; đồng thời thành lập ban tư vấn, hướng dẫn HS lựa chọn nhóm môn học phù hợp năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp.

Qua thống kê, trong tổng số hơn 550 HS lớp 10 có khoảng 55% HS chọn các môn học theo nhóm Khoa học Tự nhiên, 45% lựa chọn các môn học theo nhóm Khoa học Xã hội. Đến nay sau 1 tháng thực hiện mọi hoạt động diễn ra bình thường; nhà trường, các thầy cô đã, đang thực hiện đồng bộ, nghiêm túc và hiệu quả nội dung chương trình theo hướng dẫn, chỉ đạo của ngành.

Tại Trường THPT Ngọc Lặc, để thực hiện tốt chương trình, nhà trường cũng đã chủ động xây dựng tổ hợp lựa chọn môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập để HS lựa chọn theo học suốt 3 năm, bảo đảm vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa phù hợp với điều kiện về đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Theo thầy giáo Vũ Ngọc Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc, trước yêu cầu của chương trình mới, không chỉ nhà trường mà bản thân mỗi GV cũng đã có sự chủ động trong việc lập kế hoạch làm việc, đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của HS. Vì vậy, sau 1 tháng thực hiện nhà trường đã bắt nhịp với nội dung chương trình mới; mọi hoạt động diễn ra đồng bộ, hiệu quả theo đúng kế hoạch.

Về nội dung chương trình, nhiều GV cho rằng, Chương trình GDPT mới đối với lớp 10 có sự đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức học. Mặc dù kiến thức ở một số bộ môn tương đối nặng. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới sẽ khiến HS cảm thấy hào hứng hơn, các em sẽ chú tâm nhiều hơn với việc học và cảm thấy việc học sẽ không còn nặng nề nữa.

Vẫn còn những khó khăn, bất cập

Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội, song Chương trình GDPT mới đối với lớp 10 cũng đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các cơ sở giáo dục. Điển hình là việc sắp xếp đội ngũ GV giảng dạy, đặc biệt đối với các môn học mới, vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị... Theo thầy giáo Chu Hồng Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, việc cho phép HS được chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp là một bước tiến của chương trình mới, phân hóa dần ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho các trường “bài toán” khó trong khâu tổ chức, sắp xếp giáo viên giảng dạy. Sự lựa chọn không cân đối giữa các nhóm môn học đã đến dẫn tình trạng GV môn này quá tải về số tiết, còn GV môn khác không bảo đảm số tiết theo quy định. Về lâu dài nguy cơ thừa - thiếu cục bộ GV là không thể tránh khỏi.

Không ít cán bộ quản lý cho rằng, trước việc HS được quyền lựa chọn 4 môn học từ 9 môn tự chọn, nhiều trường không thể đáp ứng 100% nguyện vọng của người học dù đã có sự tính toán, cân nhắc giữa nhu cầu của người học và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường cũng như đội ngũ GV. Thầy giáo Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn cho biết: Cái khó của nhà trường không chỉ là thiếu GV giảng dạy môn học mới như Mỹ thuật, Âm nhạc mà cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế chưa thể đáp ứng theo yêu cầu chương trình mới. Hiện nhà trường vẫn chưa có nhà đa năng, khu nhà phòng học bộ môn...

Liên quan đến GV giảng dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc, thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 2 (Quảng Xương) chia sẻ: Đây là 2 môn học mới trong Chương trình GDPT, hiện nhà trường cơ bản đủ chỉ tiêu GV ở các môn học, nhưng không có GV dạy các môn học này. Lâu nay ở các trường THPT không xác định vị trí việc làm đối với GV Âm nhạc và Mỹ thuật nên không thể thực hiện hợp đồng GV. Nếu có hợp đồng, nhà trường cũng không có nguồn để chi trả lương. Chưa kể, trường cũng không có kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng phòng học cho các môn học trên. Vì không có GV, cơ sở vật chất cũng chưa được đầu tư nên năm học này nhà trường chưa có chủ trương xây dựng, mở tổ hợp có môn Mỹ thuật và Âm nhạc để HS lựa chọn học.

Thầy giáo Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học chương trình mới.

Trong năm học mới 2022-2023 tỉnh sẽ trang cấp gói thiết bị dạy học cho khối lớp 10, dự kiến khoảng 80 tỷ đồng. Riêng về đội ngũ GV 2 môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh tuyển dụng thêm GV, trước mắt đối với những trường tổ chức dạy học những môn này có thể tính đến phương án điều động GV dạy liên cấp, liên trường...

Có thể thấy Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 được xây dựng một cách bài bản, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, trong giáo dục không phải lúc nào cũng diễn ra một cách dễ dàng, nhất là việc chuyển từ chương trình giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức, sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; lại tác động tới nhiều đối tượng khác nhau, từ người dạy, người học đến cả cha mẹ HS. Vậy nên rất cần sự đồng thuận và sự kiên trì mục tiêu đổi mới. Cho dù vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định, song với sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía, sự nỗ lực của các nhà trường, đội ngũ cán bộ, GV, HS, việc triển khai chương trình sẽ đạt mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho việc triển khai chương trình ở những năm học tiếp theo.

Bài và ảnh: Lê Phong


Bài và ảnh: Lê Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]