Giảng viên về quê gây dựng trang trại chăn nuôi hiện đại
Sau 9 năm giảng dạy xa gia đình, thanh niên Nguyễn Hải Thành đã quyết tâm trở về để tiếp quản cơ ngơi và xây dựng trang trại lợn hiện đại ở thôn Đồng Đang, xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc). Khu đất đồi thoai thoải trồng mía kém hiệu quả đã được cải tạo một phần thành khu nuôi lợn hướng nạc cho doanh thu trên dưới 10 tỷ đồng mỗi năm.
Chủ trang trại Nguyễn Hải Thành giới thiệu hệ thống điều hòa không khí hiện đại trong trang trại lợn.
Sau đợt mưa nhỏ, khu đồi đất nhão ở thôn Đồng Đang càng thêm níu chặt chân người. Theo con đường bê tông quanh co, chủ trang trại Nguyễn Hải Thành dẫn chúng tôi về khu trang trại mà anh và gia đình đã dành nhiều tâm sức gây dựng. Để phòng tránh dịch bệnh nghiêm ngặt, chúng tôi được dẫn tham quan bên ngoài và qua hệ thống camera lắp đặt phía trong chuồng nuôi. Cảm nhận là so với đa phần các khu trại chăn nuôi khác là ở đây, vấn đề môi trường được bảo đảm. Đi quanh khu trại đang nuôi 500 con lợn, nhưng hầu như không có mùi hôi.
Để lý giải về những nỗ lực bảo vệ môi trường, chủ trang trại sinh năm 1987 dẫn chúng tôi đi về cuối khu đất. Nơi đây có 2 bể biogas nổi để xử lý chất thải với dung tích mỗi bể 800m3. Theo giới thiệu, bể có chất liệu là loại bạt cao su đặc biệt nhập khẩu từ Hoa Kỳ, chịu được nắng mưa trong nhiều năm. Nguồn khí biogas sinh ra được tái sử dụng cho hệ thống quạt gió trong trang trại cũng như sinh hoạt. Phần nước dư thừa sau khi xử lý được dẫn chứa và lắng lọc ở 2 ao cuối khu trang trại. Không còn ô nhiễm nên đây chính là nguồn nước tưới cho cây ăn quả và những luống cỏ voi để gia đình nuôi 10 con bò cho thêm thu nhập.
Cùng với phát triển hệ thống chuồng trại, anh đầu tư hệ thống dẫn nước thải bài bản, trồng cây ăn quả quanh trang trại để hạn chế phát tán mùi. Trong quá trình nuôi, các chế phẩm sinh học được sử dụng thường xuyên. Cũng theo anh Thành, do môi trường xung quanh sạch sẽ và công tác phòng dịch tốt, nên gần 7 năm qua, trang trại chưa hề xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn, tuy nhiều năm trong vùng có dịch.
Tuy sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo ở miền núi, nhưng anh Nguyễn Hải Thành đã nỗ lực học tập, thi đậu và theo học Trường Đại học Thể dục - Thể thao Hà Nội. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp, anh về giảng dạy tại Trường Đại học Dự bị dân tộc Sầm Sơn. Theo anh, tuy công việc vẫn ổn định nhưng thấy tiềm năng đất đai quê nhà lớn mà người dân vẫn nghèo, chưa phát huy hết. Từ năm 2017, anh đã về xây chuồng trại để bố mẹ nuôi 50 con lợn nái. Sau khi đi học tập kinh nghiệm một số nơi, anh quyết tâm “làm lớn”, đầu tư chăn nuôi hiện đại để tạo bước đột phá về hiệu quả kinh tế mà ít ảnh hưởng đến môi trường. Đến năm 2020, anh đã quyết tâm xa rời bục giảng quay về cùng gia đình phát huy quỹ đất vườn đồi. 2 khu chuồng trại hiện đại được xây dựng, có hệ thống quạt gió, điều hòa không khí, chuồng nuôi mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Đàn lợn mỗi lứa dần tăng lên, anh lấy lợi nhuận tiếp tục tái đầu tư chuồng nuôi, xây dựng nhà điều hành, nhà ở cho công nhân và hệ thống thiết bị liên quan.
Đến nay, trang trại đang duy trì nuôi 500 con lợn thịt mỗi lứa. Mỗi năm 3 lứa nên trung bình có 1.500 con lợn thịt xuất chuồng, tương đương 172,5 tấn/năm. Cùng với đó, anh duy trì nuôi một số lợn nái để chủ động nguồn giống, giảm đáng kể chi phí đầu vào. Toàn bộ thức ăn và thuốc phòng trừ bệnh cho đàn lợn được anh hợp tác ký hợp đồng để một doanh nghiệp ở tỉnh Hà Nam định kỳ chở đến tận trang trại. Nguồn lợn thịt xuất chuồng được các thương lái phía Bắc đưa đi Trung Quốc và nhiều thị trường trong nước như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh...
Theo hạch toán từ chủ trang trại, năm 2022 vừa qua, tổng doanh thu từ trang trại đạt 10,35 tỷ đồng, trừ thức ăn, thuê nhân công và các chi phí khác, vẫn còn lợi nhuận gần 4 tỷ đồng. Năm 2023 này giá lợn thấp hơn nên doanh thu đạt gần 9 tỷ đồng, nhiều năm giá lợn cao, có thể cho doanh thu gần 15 tỷ đồng. Hiện nay, cơ sở chăn nuôi này đang giải quyết việc làm cho 7 lao động địa phương với thu nhập trung bình 6,7 triệu đồng/người/tháng; góp phần thay đổi tư duy và cách thức chăn nuôi ở địa phương.
Bài và ảnh: Lê Đồng
{name} - {time}
-
2024-12-13 09:37:00
Nữ “thủ lĩnh” công đoàn tận tâm
-
2024-12-07 10:39:00
Thầy giáo gương mẫu, tận tâm với nghề
-
2023-12-24 08:45:00
Y sĩ đông y Hoàng Thị Chon tận tâm với nghề
Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS&MN
Những cựu TNXP nêu gương sáng sản xuất, kinh doanh giỏi
Trưởng thôn Hoàng Thanh Nam gương mẫu, tận tụy với công việc
Người có uy tín nêu gương sáng ở thị trấn Mường Lát
Khắc tinh của tội phạm ma túy ở vùng biên
Chuyện “gã gàn” trên giao lộ!
Nông dân Lê Văn Bình làm giàu trên đồng đất trũng
Khởi nghiệp ở người “có tuổi”: Gừng càng già càng cay
Gương sáng người cao tuổi làm kinh tế giỏi