Giải pháp gì để chống buôn lậu khi kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường?
Dù quản lý thị trường được tổ chức theo mô hình nào, lực lượng vẫn luôn duy trì vai trò chủ công, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác kiểm soát thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra một điểm livestream bán hàng trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại buổi họp báo chiều 7/1, đại diện Bộ Công Thương đã giải đáp việc quản lý, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái sau khi kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường.
Bà Nguyễn Minh Phương, Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Bộ Công Thương đã quyết định kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển giao Cục Quản lý thị trường tại các địa phương về ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quản lý, đồng thời, kiến nghị thành lập các Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
“Đây là một quyết định không hề đơn giản, đầy thách thức, nhưng thực sự cần thiết và không thể trì hoãn trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội hiện nay,” bà Nguyễn Minh Phương nói.
Theo bà Nguyễn Minh Phương, trong nhiều năm hoạt động theo mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng này đã đạt được những kết quả ấn tượng. Cụ thể, cả nước đã phát hiện và xử lý nghiêm hàng nghìn vụ vi phạm lớn trên thị trường, từ gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, phân bón, đường cát, thực phẩm chức năng, cho đến các vụ sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra gần 68.300 vụ, xử lý 47.135 vụ vi phạm, đồng thời chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm, tăng 2% so với năm trước. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước đã đạt hơn 541 tỷ đồng, tăng 8%; trị giá hàng hóa vi phạm là 425 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng mặc dù mô hình tổ chức có sự thay đổi, nhưng lực lượng quản lý thị trường vẫn sẽ giữ vững vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Song song đó, khi lực lượng quản lý thị trường được chuyển về địa phương, bà Phương cho hay Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ để duy trì và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, cùng với một số nhiệm vụ trọng tâm, như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như công an, hải quan, thanh tra để đảm bảo sự đồng bộ trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, lực lượng quản lý thị trường sẽ có đủ công cụ và nguồn lực để xử lý các hành vi vi phạm triệt để và hiệu quả.
“Bộ Công Thương sẽ phối hợp với địa phương tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao hơn nữa năng lực của lực lượng quản lý thị trường trong việc kiểm tra giám sát thị trường, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn quản lý,” bà Phương nói.
Bà Nguyễn Minh Phương, Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường giải đáp thông tin tại họp báo do Bộ Công Thương tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Cũng theo bà Phương, Bộ Công Thương sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cụ thể là triển khai các hệ thống công nghệ hiện đại để giám sát và theo dõi thị trường, giúp phát hiện và xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm, nhất là trong việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tăng cường giám sát và kiểm tra những mặt hàng, lĩnh vực có nguy cơ cao về hàng giả, để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh và giảm thiểu vi phạm. Điều này góp phần phát hiện và xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
“Dù lực lượng quản lý thị trường được tổ chức theo mô hình nào, chúng tôi cũng sẽ luôn duy trì vai trò chủ công, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp,” bà Nguyễn Minh Phương khẳng định./.
Theo Vietnam+
{name} - {time}
-
2025-01-08 16:51:00
Đổi mới, sáng tạo làm nên chất “vàng” cho thương hiệu Vinamilk
-
2025-01-08 15:42:00
Chủ động, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo thực hiện dự án Hồ chứa nước bản Mồng giai đoạn 1
-
2025-01-07 13:36:00
Khu vườn mẫu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng
6 chính sách trong cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn
Kiên định sứ mệnh “tam nông”
Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất
Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại top 3 của Hàn Quốc
Bản tin Tài chính 7/1: Giá vàng trong nước và thế giới ngược chiều
Phối hợp, cung ứng phân bón hữu cơ sinh học cho thành viên HTX
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu dịp tết
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ngoạn mục, mức cao nhất trong 4 năm
Thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng