Đón làn sóng khách du lịch từ thị trường mới
Với nhiều điều kiện thuận lợi về hệ thống giao thông, cơ sở vật chất phát triển, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, thu hút nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển du lịch hiện đại, đẳng cấp, mang đậm bản sắc.
Khách quốc tế đến Khu nghỉ dưỡng Puluong Bocbandi Retreat (Bá Thước) ngày càng nhiều.
Với kết quả đạt được trong năm 2023 và quý I năm 2024, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội lớn để đón “làn sóng” khách du lịch từ các thị trường mới. Trong đó, thị trường khách phía Nam và khách quốc tế được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng tích cực, góp phần thay đổi cơ cấu khách du lịch của tỉnh Thanh Hóa ngay trong năm 2024.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quý I/2024, toàn tỉnh đón hơn 2,5 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu du lịch đạt hơn 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 33,7 nghìn lượt, tổng thu đạt 14,8 triệu USD. Đáng ghi nhận, lượng khách quốc tế đến từ các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức... có chiều hướng tăng mạnh ngay trong những tháng đầu năm. Sự thay đổi tích cực về lượng khách cho thấy hiệu quả từ việc thực hiện chính sách thị thực mới và quá trình đổi mới cách tiếp cận thị trường, thu hút du khách từ những trọng điểm du lịch đầy tiềm năng của tỉnh.
Thực tế, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, một số điểm đến trên địa bàn tỉnh như: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân); Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước); suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy); Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (TP Sầm Sơn); các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại thị xã Nghi Sơn... đã đón một lượng lớn khách du lịch từ các tỉnh miền Trung, riêng thị trường khách các tỉnh, thành phố phía Nam chiếm khoảng 10 - 15% tổng lượng khách.
Vốn là điểm đến yêu thích của khách quốc tế và một số tỉnh, thành phố phía Bắc, song thời gian gần đây, các khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông tiếp tục thu hút được nguồn khách đến từ một số thị trường mới. Theo Phó Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Puluong Bocbandi Retreat Lê Minh Trình: “Thời gian gần đây, lượng khách quốc tế từ một số nước như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan... đến các khu nghỉ dưỡng tại Pù Luông có chiều hướng tăng trưởng tích cực. Trong đó, các yếu tố về điểm đến xanh, an toàn, hấp dẫn được khách quốc tế đặc biệt chú trọng. Đứng trước cơ hội lớn, các khu nghỉ dưỡng đã, đang chú trọng triển khai các giải pháp nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách và thôi thúc họ trở lại nhiều hơn. Đối với Puluong Bocbandi Retreat, ngay từ cuối năm 2023 đã khẩn trương chỉnh trang, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực và cập nhật các xu hướng du lịch mới nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Theo nhận định của một số đơn vị lữ hành, trong mùa cao điểm du lịch hè năm nay, lượng khách từ thị trường miền Trung, miền Nam và khách quốc tế đến Thanh Hóa có thể chiếm tới 30 - 35% tổng lượng khách. Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Hương Việt Travel Gold (TP Thanh Hóa) Lê Thị Hương đánh giá: “Với việc đưa vào khai thác nhiều điểm đến, khu vui chơi, giải trí lớn tại các trọng điểm du lịch của tỉnh, dòng khách miền Nam và khách quốc tế đến các khu du lịch biển chắc chắn sẽ tăng mạnh trong năm nay. Đây là dòng khách có chi tiêu cao, vì thế hầu hết các đơn vị dịch vụ du lịch đã có kế hoạch đón đầu dòng khách này ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, cần có chiến lược hợp lý trong việc tiếp cận thị trường mục tiêu, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đến các trọng điểm du lịch ở cả 3 miền. Mặt khác, cần gắn các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng với trải nghiệm sản phẩm mới và các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh nhằm giữ chân du khách, đồng thời thu hút sự quay trở lại của nguồn khách từ các thị trường này trong thời gian tới”.
Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) ngày càng thu hút đông đảo khách quốc tế. Ảnh: Hoài Anh
Để tiếp tục đẩy mạnh khai thác khách từ các thị trường mới, tỉnh Thanh Hóa còn tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch lớn. Trong đó, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2024 (gọi tắt là: VITM 2024) với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững” (từ ngày 11 - 14/4) là “sân chơi” lớn, có sự tham gia của hơn 3.000 doanh nghiệp đến từ 51 tỉnh, thành phố trong cả nước và 16 quốc gia trên thế giới. Tỉnh Thanh Hóa xác định đây là cơ hội để tiếp tục quảng bá sâu rộng hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, đồng thời tiếp cận nguồn khách từ các thị trường du lịch trọng điểm trong nước và quốc tế. Đến với VITM 2024, gian hàng du lịch Thanh Hóa đã trưng bày đa dạng các ấn phẩm như: Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; giới thiệu tổng quan du lịch Thanh Hóa; du lịch cộng đồng xứ Thanh; du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; ấn phẩm giới thiệu sản phẩm của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch... Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề, Chi hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch tỉnh) đã tổ chức chương trình tọa đàm “Kết nối du lịch Thanh Hóa với các đơn vị lữ hành toàn quốc và giới thiệu sản phẩm du lịch tiêu biểu Thanh Hóa hè 2024”. Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch của tỉnh đã tung ra hàng loạt combo khuyến mãi, sản phẩm mới, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và các xu hướng du lịch mới.
Phát triển du lịch trong tình hình mới, không chỉ riêng Thanh Hóa mà nhiều địa phương trong cả nước đã, đang đứng trước cơ hội đón khách từ các thị trường mới. Với nhiều điều kiện thuận lợi về hệ thống giao thông, cơ sở vật chất phát triển, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, thu hút nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển du lịch hiện đại, đẳng cấp, mang đậm bản sắc. Cùng với đó, để đón đầu “làn sóng” khách du lịch từ các thị trường mới, việc thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch cũng sẽ được tỉnh triển khai, thực hiện ở một số trọng điểm du lịch. Qua đó không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế mà còn góp phần định vị thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2024-11-21 13:56:00
COP29: Hơn 50 quốc gia cam kết phát triển du lịch thân thiện với môi trường
-
2024-11-21 09:16:00
Top khách sạn, resort hàng đầu ở Cát Bà được yêu thích trên Traveloka
-
2024-04-11 13:05:00
Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch
Quảng bá “Du lịch Thanh Hoá - Hương sắc bốn mùa” tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2024
Kết nối du lịch Thanh Hóa với các đơn vị lữ hành trong nước và giới thiệu sản phẩm du lịch tiêu biểu năm 2024
“Hi_KING LAKE” - Từ vẻ đẹp lung linh đến siêu thực
Khơi dậy tiềm năng du lịch ở Nga Sơn
Xây dựng sản phẩm du lịch mới để hút khách
Hè 2024, du lịch xứ Thanh có gì mới?
Gần 34 nghìn lượt khách quốc tế đến Thanh Hóa trong quý I năm 2024
Hải Tiến sẵn sàng cho mùa du lịch hè 2024
Tín hiệu tích cực trong phát triển du lịch ở Quan Sơn