(Baothanhhoa.vn) - Từ cái bắt tay đầu tiên với trưởng bản Na Hàm và Chủ tịch cụm Nặm Nga, đến nay tình nghĩa như anh em Hiền Kiệt - Nặm Nga đã mười tám năm ăn tết chung”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thắm tình biên giới Việt – Lào

Thắm tình biên giới Việt – Lào

Ấm áp tết chung Hiền Kiệt – Na Hàm. Ảnh: N.H

Từ cái bắt tay đầu tiên với trưởng bản Na Hàm và Chủ tịch cụm Nặm Nga, đến nay tình nghĩa như anh em Hiền Kiệt - Nặm Nga đã mười tám năm ăn tết chung”.

Ông Hà Văn Ngư, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hiền Kiệt, người có công đặt viên gạch đầu tiên cho mối quan hệ hữu nghị giữa Hiền Kiệt và Nặm Nga. Và ngay trong năm 2002, năm đầu tiên thiết lập bang giao, những người bạn từ phía bên kia biên giới đã nhận lời mời sang ăn tết với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hiền Kiệt, kể từ đó cụm từ “tết chung” ra đời.

“Khoảng trung tuần tháng chạp chúng tôi sẽ gửi giấy mời sang bên Na Hàm, gửi sớm như vậy để họ còn có thời gian chuẩn bị. Chả phải chuẩn bị quà cáp gì cho mình đâu chỉ là vài tiết mục văn nghệ chung vui thôi”. Câu chuyện của ông Ngư cứ trải đều theo chất giọng của người Thái, câu chuyện về ngày đầu vượt rừng, vượt suối chủ động sang đặt vấn đề với bạn, mới thế mà đã mười tám năm, một hành trình chưa phải dài nhưng bằng từng ấy thời gian người ta có thể kiểm nghiệm và hiểu ra được nhiều điều. Bên bạn không có cấp xã, cụm bản Nặm Nga tương đương với xã, bản đã đổi tên mới là Na Hàm. Ông Văn Xi, trưởng cụm bản Nặm Nga xưa, bây giờ là trưởng bản Na Hàm, chủ tịch cụm Thoong Chăn xưa bây giờ vẫn là Thoong Chăn chủ tịch bản Na Hàm. Vẫn đến với nhau bằng cái tình cái nghĩa của người Thái, cái tình cái nghĩa của Hiền Kiệt với Na Hàm.

“Cũng không tốn kém gì đâu, thêm bát thêm đũa thôi, xã có con lợn, thôn có con gà, dân có bánh chưng, bánh dày góp mỗi người mỗi ít là có tết rồi. Năm nào sớm thì 28 tháng chạp, năm nào muộn thì mùng 4 tháng giêng, vui trọn một ngày, nói một cách đơn giản là mỗi năm anh em ngồi lại ăn chung với nhau bữa cơm sum vầy vậy thôi!” - ông Ngư cứ hồn nhiên và vui sướng kể truyện “tết chung” cho tôi nghe. Sau màn chào hỏi tay bắt mặt mừng, lãnh đạo Hiền Kiệt sẽ đưa đoàn cán bộ của Na Hàm đi tham quan một lượt kết quả một năm làm ăn, kiến thiết, phát triển được những gì rồi ngồi lại với nhau buổi sáng hôm ấy để trao đổi, hỏi han một vài vấn đề công việc, chủ yếu là thông tin cho nhau biết về tình hình hai bên các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, buổi chiều sẽ cùng đi thăm một số nhà có người lấy vợ, lấy chồng bên Na Hàm, gặp gỡ với các hội đoàn thể của địa phương, chiều và tối sẽ dành thời gian cho ăn uống và sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Khi mình sang ăn tết với bạn, bên ấy người ta cũng chu đáo như thế.

Bản Na Hàm của bạn có chung đường biên với các xã Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn của huyện Mường Lát, các xã Na Mèo, Sơn Thủy của huyện Quan Sơn và xã Hiền Kiệt của huyện Quan Hóa. Với điều kiện địa lý giáp ranh và xuất phát từ yêu cầu thực tế trong công tác đảm bảo trật tự an ninh biên giới, trao đổi phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã tạo nên mối quan hệ qua lại thân thuộc với nhiều hoạt động có ý nghĩa gắn kết, một trong số đó là giao ban cụm hằng năm. Mỗi năm các xã trong cụm sẽ luân phiên tổ chức giao ban tại trụ sở các xã, và bao giờ cũng vậy, khi đến lượt mình, Hiền Kiệt luôn tổ chức sự kiện đặc biệt này vào cùng với thời gian tổ chức tết chung với Na Hàm. Thứ nhất một công đôi việc, thứ nữa tiện cho bạn đỡ vất vả đi lại nhiều lần và đặc biệt không khí buổi giao ban thêm phần ý nghĩa, vui tươi, phấn khởi trước thềm năm mới với không khí tết ấm áp, thân tình. Ông Ngư bảo “bên bạn cũng giống mình là tổ chức vào dịp tết của bạn, cứ mười lăm tháng tư hàng năm là Hiền Kiệt lại sang Na Hàm ăn tết, năm nào Na Hàm đăng cai giao ban cụm thì các xã trong cụm cùng đến, nhưng khi ra về thì Hiền Kiệt sẽ được giữ lại về sau vì họ còn muốn giao lưu riêng một hôm nữa. Chúng tôi chỉ cách nhau về mặt địa lý thôi chứ về mặt tình cảm đã hòa làm một từ lâu rồi...”.

Tôi hỏi Đại úy Cao Ngọc Bốn, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Hiền Kiệt “Khi xã Hiền Kiệt tổ chức tết chung các anh có tham gia không?” - “tham gia nhiệt tình, từ đầu đến cuối”, đúng chất lính với câu trả lời gọn, lẹ và pha chút khôi hài. “Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hiền Kiệt xem đồn là nhà, biên giới là quê hương và bà con dân bản nơi đây là anh em ruột thịt. Vậy nên việc to, việc nhỏ, chuyện vui, chuyện buồn đều có mặt vừa chia sẻ, vừa động viên, giúp đỡ từ đó làm giàu thêm tình cảm quân dân luôn gắn kết bền chặt. Không chỉ tết mà các ngày lễ của địa phương như ra mắt bản văn hóa, bản về đích nông thôn mới, hay các ngày lễ của đất nước như Tết Độc lập, Ngày Nhà giáo Việt Nam... cán bộ, chiến sĩ của đồn cũng chủ động, chung tay cùng địa phương tổ chức chúc mừng, tạo không khí vui tươi, đoàn kết...”. Ở phòng truyền thống của đơn vị và cả trong điện thoại cá nhân của anh vẫn còn lưu giữ những hình ảnh vui tươi, đoàn kết, đặc biệt là bức ảnh bộ đội, nhân dân và cán bộ hai bên Hiền Kiệt - Na Hàm nắm tay nhau quây quần bên đống lửa trại xua tan đi cái giá rét vùng cao, cùng hát múa những bài ca thắm tình hữu nghị. Và điệu xòe, điệu khặp kết hợp với điệu múa lăm vông thêm vị rượu cần thắm đầu môi khiến mọi người cứ muốn đêm vui ấy dài thêm, lâu thêm. Bên cạnh tham gia các buổi gặp mặt giao ban cụm của các xã có chung đường biên giới thì bộ đội biên phòng hai bên cũng có những hoạt động chuyên môn thường xuyên trong đó phải kể đến giao ban giữa Đồn Biên phòng Hiền Kiệt và Trạm Hin Đăm thuộc Đại đội 215 Bộ đội Biên phòng Lào. Mỗi quý một lần và Hiền Kiệt luôn là chủ nhà của những lần giao ban đó. Ngoài nội dung công việc cần trao đổi, hai bên vẫn giao lưu thể dục thể thao bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, văn hóa văn nghệ... cũng nhờ làm tốt công tác đối ngoại mà những năm vừa qua việc đấu tranh phòng chống tội phạm đặc biệt là tội phạm ma túy hiệu quả hơn, trong các mặt công tác khác cũng có nhiều thuận lợi như hạn chế tối đa nạn xâm canh xâm cư, khai thác lâm sản trái phép, cháy rừng, vượt biên, di dân tự do, bảo vệ vững chắc cột mốc phân định chủ quyền, trao đổi thông tin tội phạm, tuần tra kiểm soát chung các cột mốc biên giới... “Đồn Hiền Kiệt với Trạm Hin Đăm bảo thân như ruột thịt thì hơi quá, nhưng chắc chắn như anh em kết nghĩa hay bạn bè thâm giao chứ không chỉ là quan hệ lính tráng bình thường đâu...”.

“Lần này chú lên hơi sớm, nếu lên đúng dịp tôi sẽ giới thiệu người anh em của tôi với chú, chính ông ấy đã đưa tôi đến gặp ông Thoong Chăn, Chủ tịch Cụm Nặm Nga và bây giờ là Chủ tịch bản Na Hàm để đặt vấn đề kết giao đấy. Ông ấy là Văn Xi, cũng trạc tuổi tôi, là trưởng bản Na Hàm, vui tính lắm, cũng thích uống chè tán ma giống tôi, tôi và ông ấy cũng như Hiền Kiệt và Na Hàm đều nói được tiếng Thái nên cũng dễ gần. Tết này tôi bảo ông ấy đưa cả nhà sang đây ăn tết, bận mấy thì bận cũng phải thu xếp, ông ấy nhận lời rồi...” - ánh mắt phấn khởi, giọng kể vui tươi, đằm chất người thái của ông Ngư, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hiền Kiệt mỗi khi nói về người bạn già, người anh em, người đồng chí Văn Xi của ông khiến tôi không muốn dừng câu chuyện...

Cây đào ở sân nhà văn hóa xã Hiền Kiệt đã rụng gần hết lá, cành nào cũng chi chít nụ, thi thoảng đã thấy lấp ló sắc hồng chớm nở, báo hiệu một mùa xuân nữa đang về. Cây đào này được Na Hàm trồng tặng nhân dịp khánh thành nhà văn hóa xã Hiền Kiệt, nhìn cây đào tôi liên tưởng đến tình cảm của Hiền Kiệt và Na Hàm, mùa xuân kết hoa đâm chồi nảy lộc, mùa hạ đậu quả xum xuê cành lá, mùa thu thay lá tích nhựa, mùa đông kết cườm và mùa xuân lại nối tiếp với xum xuê hoa lá, ấm áp thâm tình bang giao.

Nguyễn Hải


Nguyễn Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]