(Baothanhhoa.vn) - Trên địa bàn huyện Hà Trung có nhiều con sông, như sông Lèn, sông Hoạt, sông Tống, sông Tam Điệp chảy qua. Từ xa xưa người dân đã sinh sống ven các con sông này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ trong thực hiện Quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn huyện Hà Trung

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ trong thực hiện Quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn huyện Hà Trung

Khu đất của hộ gia đình anh Đỗ Mạnh Hùng không được cấp phép xây dựng vì vị trí xây dựng nằm trong lòng sông Tống.

Trên địa bàn huyện Hà Trung có nhiều con sông, như sông Lèn, sông Hoạt, sông Tống, sông Tam Điệp chảy qua. Từ xa xưa người dân đã sinh sống ven các con sông này.

Nhiều khu dân cư (KDC), cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những khu vực đất bãi ven sông đã tồn tại hàng trăm năm qua nhưng không được chấp thuận đầu tư, xây dựng mới khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đây là những bất cập cần sớm có hướng giải quyết khi triển khai thực hiện Quy hoạch phòng chống lũ trên các tuyến sông có đê theo Nghị quyết số 84/NQ-HĐND (gọi tắt là Nghị quyết 84) ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh.

Theo anh Đỗ Mạnh Hùng, có hộ khẩu thường trú tại phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, năm 2018, gia đình anh có mua đất của một số hộ dân trên địa bàn xã Hà Dương và đã được UBND huyện Hà Trung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong tất cả các giấy chứng nhận đất đều không ghi sơ đồ thửa đất đã được quy hoạch phòng, chống lũ, toàn bộ diện tích đất đều là đất ở. Tuy nhiên, đến tháng 11-2018, gia đình anh phá nhà cũ, thực hiện san nền và viết đơn xin cấp phép xây dựng thì UBND huyện Hà Trung từ chối cấp phép vì vị trí xây dựng nằm trong lòng sông Tống, không đủ điều kiện để được cấp phép xây dựng. Vì vậy, gia đình anh Hùng đã nhiều lần viết đơn khiếu nại yêu cầu được thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Đồng chí Đỗ Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Hà Dương, cho chúng tôi biết: Theo nguyên tắc, đã nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, sát bờ sông có nguy cơ sạt lở nguy hiểm thì phải di dời, giải tỏa để đảm bảo khả năng thoát lũ. Tuy nhiên, do một số hộ dân đã sinh sống rất lâu đời tại khu vực này và đã được cấp GCNQSDĐ nên địa phương rất khó xử lý. Trong khi đó, để chuyển những KDC trên ra khỏi khu vực đê điều, gần bãi sông cần nguồn kinh phí rất lớn và rất khó tìm được quỹ đất tái định cư. Những bất cập này không sớm được giải quyết sẽ là trở ngại rất lớn đối với việc ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất của người dân cũng như các địa phương có khu vực dân cư tập trung nằm ngoài đê. Do vậy, rất mong các ban, ngành liên quan xem xét đưa ra phương án tái định cư cho những hộ dân trong diện bị ảnh hưởng để họ được xây nhà, sớm ổn định cuộc sống.

Bác Lê Văn Tính, ở thôn Yên Phú, xã Hà Tiến chia sẻ: Gia đình tôi lập nghiệp trên mảnh đất 200m2 này từ những năm 80 của thế kỷ trước. Hiện gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống, nhà cửa chật chội, xuống cấp, tuy nhiên, khi chúng tôi muốn tách hộ, sửa chữa và xây mới nhà cho vợ chồng con trai ra ở riêng lại không được giải quyết, vì đất nhà tôi không thuộc các KDC được xác định tồn tại, bảo vệ và cải tạo, xây dựng mới công trình. Hay như hộ bà Mai Thị Giai, ở thôn Đồng Ô, đã sinh sống ở đây ngót nghét 60 năm, thế nhưng, khi gia đình có nhu cầu chuyển đổi gần 400m2 đất vườn thành đất ở để xây dựng nhà cho con trai cũng không được giải quyết vì khu đất nhà bà là đất ngoại đê không thuộc các KDC được xác định tồn tại, bảo vệ và cải tạo, xây dựng mới công trình theo Nghị quyết 84.

Hộ bác Tính, bà Giai là 2 trong số 72 hộ dân xã Hà Tiến hiện đang sinh sống ở vùng ngoại đê từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong đó mới có 5 hộ được cấp GCNQSDĐ; 67 hộ còn lại được xã giao đất từ năm 1990, đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp GCNQSDĐ thì Nghị quyết 84 ra đời nên phải tạm dừng. Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hà Tiến, Tạ Thị Làn thì tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, đại đa số người dân hiện sống ở vùng ngoại đê đều có nguyện vọng tiếp tục được sinh sống trên khu đất hiện có, được thực hiện các quyền của người sử dụng đất, được xây dựng nhà ở nơi đã gắn bó với họ mấy chục năm trời. Chưa kể, để di dời 72 hộ vào nội đê sẽ rất khó khăn cho địa phương vì hiện xã không còn quỹ đất dành cho tái định cư. Bên cạnh đó, đa số các hộ dân vùng ngoại đê đều có hoàn cảnh khó khăn, nếu không được sự hỗ trợ kịp thời về kinh phí thì sẽ rất vất vả trong việc xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Theo số liệu của Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Hà Trung, trên địa bàn huyện có 33 KDC gồm 2.343 hộ dân đang sinh sống ở vùng ngoại đê của 19/25 xã, thị trấn. Theo quy định quản lý, sử dụng bãi sông của Nghị quyết 84, huyện Hà Trung chỉ có 4 KDC dọc sông Lèn tại các xã: Hà Sơn, Hà Lâm, Hà Phú, thị trấn/tổng số 33 KDC tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ và cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. 29 KDC hiện có còn lại có tới 1.495 hộ dân đang sinh sống, tập trung nhiều ở các xã: Hà Tiến, Hà Dương, Hà Yên... Trong đó, có 1.045 hộ được chính quyền cấp GCNQSDĐ từ năm 1980 đến năm 2014. Hàng trăm năm nay, nhiều thế hệ người dân tại những vùng này vẫn sinh ra, lớn lên, trưởng thành, sản xuất, sinh sống ổn định trên chính mảnh đất cha ông để lại. Theo Nghị quyết 84, những hộ dân này lại không nằm trong quy hoạch KDC tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ và cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất và buộc phải di dời.

Tuy nhiên, việc thực hiện phương án di dời các hộ dân này vào nội đê là việc hết sức khó khăn, đòi hỏi địa phương phải có quỹ đất, thời gian chuẩn bị và nguồn kinh phí rất lớn. Bên cạnh đó, việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn sang đất ở của người dân nằm trong khu vực này đều bị dừng lại. Nhiều hộ dân sinh sống 3 - 4 thế hệ trong một nhà, nay con cái trưởng thành, muốn tách hộ làm nhà riêng nhưng không được. Nhiều nhà ở dân cư tuy đã hư hỏng, cấp thiết phải xây dựng lại, nhưng chỉ được cấp giấy phép có thời hạn và việc xây dựng lại nhà ở phải dựa trên cơ sở nguyên trạng. Một số hộ đầu tư phát triển sản xuất, muốn tiếp cận các tổ chức tín dụng phải có xác nhận bất động sản không tranh chấp, không trong diện giải tỏa và không trong quy hoạch mới được vay vốn. Tuy nhiên vì nằm trong quy hoạch hành lang thoát lũ, nếu xã xác định đúng thực trạng bất động sản thì người dân không thể vay vốn ngân hàng, còn nếu muốn tạo điều kiện xác nhận cho bà con là không nằm trong quy hoạch thì địa phương lại làm sai. Điều này khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội phục vụ đời sống người dân. Việc phần lớn các hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định của Luật Đất đai nhưng lại không được thực hiện các quyền của người sử dụng đất, không được xây dựng các công trình nhà ở dẫn đến đơn, thư kiến nghị, khiếu kiện kéo dài làm ảnh hưởng đến ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Để giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người dân, UBND huyện Hà Trung đã có văn bản báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, nghiên cứu chỉ đạo, tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong thực hiện Quy hoạch phòng chống lũ trên các tuyến sông có đê trên địa bàn để người dân các vùng ngoại đê yên tâm sản xuất và sinh hoạt.

Phan Nga


Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]