(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, vì nguồn lực hạn chế, các thủ tục tiếp cận rườm rà, phức tạp khiến nhiều HTX khó “với” được các chính sách này, nhất là chính sách về tiếp cận đất đai và vốn sản xuất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều chính sách trong lĩnh vực HTX nông nghiệp khó thực thi

Những năm qua, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, vì nguồn lực hạn chế, các thủ tục tiếp cận rườm rà, phức tạp khiến nhiều HTX khó “với” được các chính sách này, nhất là chính sách về tiếp cận đất đai và vốn sản xuất.

Nhiều chính sách trong lĩnh vực HTX nông nghiệp khó thực thi

Mô hình chăn nuôi gà của HTX chăn nuôi gà Hán – Sơn – Dương, xã Quang Hiến (Lang Chánh).

Hiện nay, có tới 11 chính sách hỗ trợ phát triển HTX, phần lớn các chính sách này hướng tới đối tượng các HTX nông nghiệp. Ngoài một số ít chính sách chung đã phát huy được hiệu quả, điển hình như chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chính sách hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp; xây dựng các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị... thì rất nhiều chính sách khác được nhận định sẽ tạo được bước đột phá trong hoạt động của các HTX nông nghiệp nhưng lại không dễ tiếp cận.

Theo Nghị định 46/2014/NĐ-CP và Nghị định 135/2016/NĐ-CP của Chính phủ, các HTX, liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời gian thuê đối với HTX nông nghiệp dùng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở, nhà kho và các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và làm muối. Đồng thời, miễn tiền thuê đất đến hết năm 2020 cho diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức đối với thành viên HTX nông nghiệp nhận giao khoán của doanh nghiệp; giảm 50% tiền thuê đất cho HTX thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh... Hiện nay, để tạo quỹ đất quy mô lớn cho các HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, các địa phương đã tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 67 dự án với diện tích 31,2 ha thuộc lĩnh vực kinh tế tập thể được tiếp cận với nguồn lực đất đai, trong đó có 4 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất với diện tích 0,4 ha và 63 dự án cho thuê đất, diện tích gần 31 ha.

Chính sách về vốn cũng đang là vấn đề nan giải. HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thọ Lâm (Thọ Xuân) được thành lập tháng 9-2018 trên cơ sở liên kết, phát triển vùng mía thâm canh với diện tích 113 ha trên địa bàn. Ngoài ra, HTX còn xây dựng định hướng mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đồng chí Mai Công Nam, phó giám đốc HTX, cho biết: HTX hiện đang thiếu vốn để đầu tư, mở rộng mô hình trồng dưa trong nhà lưới; đồng thời, ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, sản lượng vùng mía thâm canh. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng khá khó khăn do HTX chưa có tài sản bảo đảm.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, mới chỉ có 42/993 (4,2%) HTX tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Nguyên nhân là do các HTX không có tài sản thế chấp bảo đảm các khoản vay. Do đó, nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang thực sự “khát vốn” đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Để nới lỏng và tạo cơ hội cho các HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn sản xuất, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9-6-2015. Theo đó, các HTX có thể được vay từ 1 đến 2 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có HTX nào tiếp cận được chính sách này. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn quỹ phát triển HTX quy mô còn khá nhỏ bé. 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 12 HTX tiếp cận được nguồn vốn này với dư nợ 5 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, mặc dù hiện nay các chính sách được xây dựng trong lĩnh vực HTX khá nhiều; tuy nhiên, số lượng HTX tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất còn thấp. Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm trong việc chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX. Bên cạnh đó, mặc dù các chính sách của Nhà nước được ban hành, nhưng việc bố trí nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Nhiều HTX sau chuyển đổi nhưng vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”, chưa đổi mới, chuyển biến tích cực trong hoạt động, thiếu tính chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dẫn đến chất lượng hoạt động chưa được cải thiện nhiều, việc xây dựng phương án sản xuất chưa có tính thuyết phục nên khó làm cơ sở để được thụ hưởng các chính sách.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]