“Điểm tựa” biên cương (Bài cuối): Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc
“Thế trận lòng dân” là yếu tố quan trọng, quyết định hình thành sức mạnh chính trị, quân sự, quốc phòng to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Kế thừa truyền thống của ông cha, trong bối cảnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, lực lượng biên phòng Thanh Hóa đã xây dựng được “thế trận lòng dân” nơi biên cương ngày càng vững chắc, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu giúp người dân khắc phục thiệt hại sau mưa lũ. Ảnh: P.V
“3 bám”, “4 cùng”
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta phải thường xuyên chống lại những kẻ thù lớn mạnh và hung bạo, nhưng cha ông ta vẫn chiến thắng tất cả. Có được truyền thống hào hùng ấy là bởi chúng ta luôn ý thức rất rõ vai trò to lớn, yếu tố quyết định thắng lợi cách mạng chính là sức mạnh của “lòng dân”. Ngày nay, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là giải pháp quan trọng hàng đầu, cấp thiết và lâu dài, nhằm làm cho mỗi người dân trở thành một chiến sĩ trung kiên, tuyệt đối tin tưởng và chủ động bảo vệ Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Với quan điểm đó, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa đã “3 bám” (bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách), “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) với Nhân dân, để xây dựng thế trận trong lòng dân.
Thanh Hóa có 11 huyện miền núi có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh đối ngoại. Tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hội, nhất là tuyến biên giới vẫn còn nhiều khó khăn. Số hộ gia đình được đảng viên biên phòng phụ trách chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn. Hầu hết các hộ ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên địa hình hiểm trở, điều kiện về công cụ sản xuất, hỗ trợ từ bên ngoài còn hạn chế... Những khó khăn đó luôn là những rào cản, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng viên biên phòng nói riêng, đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn nói chung. Chưa kể, dù được đảng viên biên phòng giúp đỡ về mọi mặt, nhưng không phải hộ nào cũng kiên trì và có bước chuyển vượt bậc.
Song bằng trách nhiệm cao nhất, cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn có mặt kịp thời để giúp dân bằng nhiều việc thiết thực, như phòng chống mưa lũ, sạt lở; sản xuất, thu hoạch nông sản; kết nối khám bệnh, phát thuốc miễn phí chữa bệnh; dạy cho dân biết chữ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức để người dân không bị lừa gạt, xúi giục của những phần tử xấu... Sự sát cánh và cả những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP là một trong những cách “dân vận khéo” để xây dựng “thế trận lòng dân” - yếu tố quyết định giữ bình yên nơi vùng biên viễn.
Trong những đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 ở Mường Lát đã gây ra nhiều thiệt hại cho bà con, với 90 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, hàng trăm điểm sạt lở, nhiều tuyến đường bị sạt trượt taluy, đất đá vùi lấp... Trước tình hình đó, bất chấp gian khổ, hiểm nguy, những cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh đã dầm mình trong mưa lũ, tu sửa nhà cửa, khắc phục thiệt hại, giúp dân sớm ổn định đời sống.
Những ngày cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi về các bản làm công tác dân vận đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân xã Pù Nhi. Chủ tịch Hội LHPN xã Pù Nhi Lương Thị Cúc cho biết: “Hội phối hợp với Đồn Biên phòng Pù Nhi thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực, như ngày cuối tuần tham gia dọn vệ sinh môi trường với bà con dân bản; tổ chức chương trình “Bữa sáng yêu thương” dành cho các cháu học sinh nghèo nơi biên cương; tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, mua bán người, dạy xóa mù chữ... Những hoạt động đó đã giúp hội viên, phụ nữ và người dân dần thay đổi nhận thức, tích cực xây dựng cuộc sống mới”.
Bám dân, bám bản, chia sẻ khó khăn, vui, buồn; nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên biên phòng đã chiếm trọn sự tin yêu, quý mến của bà con dân bản. Bà con quý BĐBP như người thân trong gia đình. Chính điều đó đã giúp các đơn vị đồn biên phòng xây dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc nơi biên giới và bà con dân bản có được “điểm tựa” tin cậy. Vì thế đã có những hộ gia đình đã cung cấp cho đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trong 5 năm (2018-2023) lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh đã phát hiện, điều tra, bắt giữ, xử lý 669 vụ/851 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật, thu giữ 62,67kg heroin; 22,591kg thuốc phiện; 295.755 viên ma túy tổng hợp; 9,323kg ma túy đá; 122kg quả thuốc phiện; 80,03kg thuốc nổ và nhiều tang vật khác. Xử lý vi phạm hành chính 437 vụ/590 đối tượng, phạt tiền nộp ngân sách Nhà nước 3,5 tỷ đồng, bán thanh lý tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu 3,4 tỷ đồng...
Cũng theo thống kê của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, sau gần 7 năm thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU, các đồn biên phòng đã phân công 513 đảng viên phụ trách giúp đỡ 2.501 hộ với 10.708 nhân khẩu. Việc phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đã góp phần thực hiện chỉ thị đạt nhiều kết quả, vừa mang tính nhân văn, kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Xây dựng mạng lưới “chân rết” ở cơ sở
Giàng Seo Lềnh là người đầu tiên trong dòng họ Giàng dân tộc Mông ở xã Trung Lý (Mường Lát) được học hết lớp 12. Tốt nghiệp xong, Lềnh ở nhà 1 năm làm Bí thư Chi đoàn bản Khằm. Phát huy tính tiền phong, gương mẫu, Lềnh đã vận động đoàn viên làm sân chơi thể thao rồi tập hợp thanh niên bản tham gia hoạt động đoàn, văn hóa - thể thao, hỗ trợ nhau làm kinh tế... Nhận thấy cậu thanh niên có tố chất nhanh nhẹn, thông minh, đảng ủy, chính quyền xã và đồng chí Nguyễn Văn Cảnh BĐBP tăng cường về bản làm phó bí thư chi bộ đã trực tiếp dìu dắt, cầm tay chỉ việc và vận động Lềnh học trung cấp Luật rồi tiếp tục học lên đại học. Năm 2013 chia tách chi bộ Khằm thành 3 chi bộ Khằm 1, Khằm 2 và Khằm 3, Lềnh về sinh hoạt tại Chi bộ Khằm 1, sau đó làm bí thư đoàn xã. Đến năm 2024 Lềnh được tín nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trung Lý. Trong quá trình công tác, Lềnh đã đề xuất nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con mình dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ; chia sẻ mô hình làm kinh tế; giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Mông; xây dựng khối đại đoàn kết...
Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới, anh Giàng A Chống ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) bày tỏ niềm vui và sự biết ơn đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và bộ đội biên phòng. Anh là người đầu tiên của bản xung phong đi bộ đội. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Chống được đảng ủy, chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Tam Chung giúp đỡ, cử cán bộ quan tâm, dìu dắt. Năm 2010, anh Chống được kết nạp Đảng. Từ năm 2014 đến nay anh được bầu làm bí thư chi bộ, rồi trưởng bản Ón. Anh đã vận động đồng bào mình chuyển đến nơi tái định cư ở để tránh thiệt hại do sạt lở; phối hợp với chính quyền, đồn biên phòng tuyên truyền, vận động người dân phòng chống tệ nạn xã hội; vận động người dân chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế...
Lềnh và Chống là hai trong số nhiều người dân tộc thiểu số được đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn và cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm, dìu dắt, định hướng trở thành cán bộ cơ sở. Sự trưởng thành của những người dân tộc Mông, dân tộc thiểu số như Lềnh, Chống và nhiều người khác đã góp phần lan tỏa sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào dân tộc thiểu số trong cuộc sống, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Các anh cũng chính là cầu nối ý Đảng - lòng dân.
Trao đổi với chúng tôi về triển khai thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU của đơn vị, Thiếu tá Nguyễn Quang Huy, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quang Chiểu cho biết: Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên địa bàn 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh với 22 bản, 2.022 hộ/9.409 nhân khẩu sinh sống. Đơn vị đã phân công 32 đồng chí đảng viên phụ trách 128 hộ gia đình; 2 đồng chí tham gia làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Các đảng viên phụ trách địa bàn đã tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp, quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Thực tế cho thấy, các đảng viên đồn biên phòng được phân công về địa bàn đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, đưa ra các giải pháp phù hợp không chỉ giúp các gia đình phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, mà còn giúp nhiều nhân tố phát huy được vai trò, trí tuệ, năng lực đóng góp cho xã hội, cộng đồng mình.
Trao đổi về những định hướng sắp tới, Đại tá Hoàng Văn Hùng, Chính ủy BĐBP tỉnh, cho biết: Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cho cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cơ sở phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục khảo sát, thống nhất trong triển khai việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, nắm tình hình, tham mưu đề xuất nhiệm vụ có liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, vùng biển. Trong đó, tập trung nắm chắc về mối quan hệ phức tạp, dễ bị lợi dụng, quan hệ giữa các hộ gia đình, các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, gia đình theo tôn giáo... xây dựng kế hoạch để theo dõi, giúp đỡ từng hộ gia đình. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tỉnh, đồn biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng đứng chân trên địa bàn trong việc phân công đảng viên phụ trách các hộ gia đình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Nhóm phóng viên
{name} - {time}
-
2024-12-15 13:39:00
“Đòn bẩy” khơi thông nguồn lực cho phát triển
-
2024-12-15 13:14:00
Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị
-
2024-10-18 17:27:00
Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau
“Điểm tựa” biên cương (Bài 2): Hồi sinh nhiều bản làng, thắp sáng những ước mơ
“Điểm tựa” biên cương (Bài 1): Khi “nhà” có đảng viên
Khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hậu Lộc, nhiệm kỳ 2025-2030
Công tác phát triển đảng viên trong học sinh THPT sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp đi vào chiều sâu, thực chất
Quan Sơn xây dựng chính quyền số
Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ở Đảng bộ huyện Hoằng Hóa
Như Xuân quan tâm đa dạng nguồn nhân lực
Quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ