(Baothanhhoa.vn) - Tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” chính thức đi vào hoạt động năm 2015, đây là tuyến du lịch đường thủy đầu tiên tại Thanh Hóa, được kết hợp giữa các tài nguyên tự nhiên với tài nguyên nhân văn. Đến nay, sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã thực sự trở thành “luồng gió mới” cho du lịch xứ Thanh và là sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách bởi nhiều trải nghiệm hấp dẫn, khác biệt.

Để tuyến “Ngược xuôi sông Mã” hút khách

Tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” chính thức đi vào hoạt động năm 2015, đây là tuyến du lịch đường thủy đầu tiên tại Thanh Hóa, được kết hợp giữa các tài nguyên tự nhiên với tài nguyên nhân văn. Đến nay, sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã thực sự trở thành “luồng gió mới” cho du lịch xứ Thanh và là sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách bởi nhiều trải nghiệm hấp dẫn, khác biệt.

Để tuyến “Ngược xuôi sông Mã” hút khách

Đến với du lịch “Ngược xuôi sông Mã” du khách được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Nói đến xứ Thanh là nói đến sông Mã. Dòng sông này, từ lâu đã được xem là nơi khởi phát của những huyền thoại và lịch sử của mảnh đất Thanh Hóa. Bắt nguồn từ những dãy núi cao trên dưới 1.000m, thuộc địa phận tỉnh Điện Biên, sông Mã uốn mình gần 120km qua đất nước bạn Lào, trước khi đổ về Thanh Hóa ở Cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát. Cũng bởi đặc điểm dòng sông, với diện tích lưu vực gần 9.000km2 và có tới 89 phụ lưu, sông Mã là con sông lớn nhất của Thanh Hóa và được ví như “máy phát điện”, khi nó mang đến cho con người nguồn năng lượng to lớn. Càng quý giá hơn khi dòng sông này đã góp phần bồi đắp nên vùng đồng bằng xứ Thanh rộng lớn và màu mỡ suốt hàng chục thế kỷ.

Xuất phát từ những ưu thế vượt trội đó, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ sông Mã, năm 2015, tuyến du lịch đường thủy đầu tiên “Ngược xuôi sông Mã” chính thức đi vào hoạt động, do Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã (Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa) đứng ra khai thác. Đến với tuyến du lịch này, du khách không chỉ được thỏa sức ngắm cảnh quan thiên nhiên, nghe thuyết minh viên giới thiệu về những di tích, danh thắng dọc đôi bờ sông Mã, mà trên mỗi chuyến tàu, du khách còn được thưởng thức điệu hò sông Mã và những món ăn đặc trưng của người xứ Thanh.

Hiện nay, Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã đã xây dựng và triển khai 3 chương trình cụ thể để du khách lựa chọn gồm: bến tàu Hoàng Long - chùa Sùng Nghiêm đền Nghè Yên Vực (hoặc Phủ Vàng) - đền Cô Bơ; bến tàu Hoàng Long - Tượng đài nữ sinh - Thiền viện Trúc Lâm - đền cô Bơ; chương trình sông Mã với những làn điệu dân ca và thưởng thức ẩm thực xứ Thanh. Giá tour trọn gói từ 300 - 500 nghìn đồng/người. Theo đó, hoạt động du lịch không chỉ dừng lại ở việc trải nghiệm du lịch đường sông, ăn uống đặc sản mà du khách còn được phục vụ văn nghệ, có hướng dẫn viên suốt tuyến giới thiệu điểm đến, tham quan, mua sắm đặc sản địa phương tại các điểm dừng chân... khiến cho các chương trình tham quan trở nên hấp dẫn.

Đầu tháng 4 vừa qua, đại diện đơn vị lữ hành một số tỉnh phía Bắc đã có chuyến famtrip khảo sát sản phẩm, điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, đoàn đã tham gia khảo sát tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”. Qua đó, một số đơn vị lữ hành cho rằng, mặc dù là sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác trong thời gian gần đây, song bước đầu đã chứng minh được tính chuyên nghiệp trong phục vụ, cách tiếp cận khách hàng. Điểm cộng tiếp theo đó là dịch vụ chất lượng, đồ ăn ngon, mức giá phù hợp với nhiều đối tượng khách du lịch. Tuy nhiên, với chương trình hiện có, tuyến “Ngược xuôi sông Mã” chủ yếu hướng tới thị trường khách du lịch nội tỉnh và một phần khách du lịch nội địa.

Có thể nói, du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đến nay không chỉ là sản phẩm du lịch với những trải nghiệm văn hóa đặc sắc, mà còn hút khách bởi những câu chuyện lịch sử gắn liền với những đổi thay, vận mệnh của vùng đất quê Thanh trong chiều dài lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, tuyến du lịch này vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa thực sự thu hút được các doanh nghiệp lữ hành lớn trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết. Do đó, lượng khách ngoại tỉnh mới chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng khách, chưa kết nối chặt chẽ được với các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh cũng như một số địa phương lân cận...

Theo bà Mai Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã, hiện nay, đơn vị đã đầu tư đưa vào vận hành 3 tàu phục vụ du khách (1 tàu 130 chỗ, 1 tàu 100 chỗ và 1 tàu 30 chỗ), với thiết kế hiện đại, nội thất và không gian sang trọng. Đặc biệt chú trọng đến vấn đề nguồn nhân lực phục vụ. Trong đó, đối với các bộ phận quản lý, hướng dẫn viên, điều hành đều chuẩn đầu vào và có kinh nghiệm. Với ưu thế về chương trình ngắn ngày, an toàn và hấp dẫn, trong kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5 vừa qua, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã thu hút hơn 1.300 lượt khách đến tham quan trải nghiệm.

Tuy nhiên, theo bà Mai Thị Dung, đến thời điểm hiện nay, tuyến du lịch Ngược xuôi sông Mã vẫn chưa được đông đảo du khách ngoại tỉnh biết đến. Nguyên nhân một phần do công tác quảng bá, truyền thông chưa thực sự hiệu quả, mặt khác do còn thiếu sự quan tâm, kết nối của các đơn vị lữ hành. Do đó, nhiều đơn vị lữ hành cũng như khách lẻ chưa nắm bắt được chương trình cụ thể. Để tăng cường các hoạt động kết nối, trung tâm cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cùng những chính sách ưu đãi dành cho các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh khi tham gia khảo sát, khai thác. Bên cạnh đó, trung tâm cũng rất mong muốn được đưa tuyến “Ngược xuôi sông Mã” vào các chương trình khảo sát du lịch trọng điểm của tỉnh nhằm tạo ra hiệu ứng lan tỏa.

Có thể nói rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong suốt hơn 2 năm qua khiến hoạt động du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Song, du lịch “Ngược xuôi sông Mã” được duy trì và trở lại với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại, dịch vụ đảm bảo chất lượng bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực. Hướng tới phát triển tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” trở thành sản phẩm du lịch điểm nhấn của tỉnh, được đông đảo du khách biết đến rất cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, sở, ngành trong công tác xúc tiến, quảng bá và cả sự chủ động, nỗ lực từ phía doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]