Để di sản văn hóa phi vật thể được giữ gìn, lan tỏa
Với 7 dân tộc cùng sinh sống gồm Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú đã làm nên một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) xứ Thanh đa dạng và phong phú từ tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, đến các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... Bằng nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả của các cấp, ngành, các địa phương, nhiều giá trị DSVHPVT ngày càng được gìn giữ, lan tỏa và thấm sâu vào đời sống cộng đồng.
Trò Xuân Phả được trình diễn trong đêm khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa.
Trong Lễ khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa tối 19/1 tại Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa), du khách được thưởng thức trò Xuân Phả - một trong những di sản văn hóa quý báu của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trên sân khấu, những điệu múa, điệu nhảy của các nhân vật tham gia trong từng trò diễn đã mang lại cho người xem cảm giác rộn ràng, vui tươi.
Là người trực tiếp tham gia biểu diễn trò Xuân Phả trong đêm khai mạc, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng ở xã Xuân Trường (Thọ Xuân) cho biết: Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi trò Xuân Phả được lựa chọn biểu diễn tại Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa. Bởi thông qua đây trò diễn Xuân Phả của địa phương lại có thêm cơ hội được quảng bá đến đông đảo bạn bè, du khách.
Để tham gia sự kiện lần này, chúng tôi đã huy động 25 người là những nghệ nhân ưu tú và người am hiểu về trò Xuân Phả của địa phương. Trong số 5 trò diễn của Xuân Phả, chúng tôi đã lựa chọn 3 trò diễn độc đáo và đặc sắc nhất, mà người diễn phải dùng mặt nạ, đó là trò Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần) để trình diễn trong đêm khai mạc. Mỗi trò diễn đều mang một sắc thái riêng, không chỉ là nghệ thuật dân gian, mà còn là trí tuệ của dân gian đã lắng đọng trong bản hòa tấu của thanh âm, vần điệu, ca từ, của các động tác lúc mềm mại, uyển chuyển, khi mạnh mẽ, phóng khoáng... Bởi vậy, trò Xuân Phả có một vị thế và diện mạo khác biệt, độc đáo và sức hấp dẫn riêng cuốn hút người xem. Từ đó, làm cho không khí của đêm khai mạc thêm phần vui tươi, nhộn nhịp.
Cùng với trò Xuân Phả, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của Thanh Hóa cũng được biểu diễn tại Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa như các trò chơi, trò diễn dân gian, múa cá sa - trống chiêng - trò diễn sết boóc mạy, hát chầu văn, hát ca trù, hát xẩm; trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Thanh Hóa... Từ các hoạt động đó, không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giúp du khách tham dự có cơ hội tìm hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của xứ Thanh, góp phần gìn giữ, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương.
Những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp hiệu quả khuyến khích các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT, như quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân, tập thể, cộng đồng tham gia nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê các DSVHPVT. Đồng thời, tích cực huy động sự vào cuộc của cộng đồng người dân trong việc bảo tồn, phát huy các DSVHPVT. Nhờ đó, tính trong giai đoạn 2021-2023 đã có 7 DSVHPVT được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia, nâng tổng số DSVHPVT quốc gia toàn tỉnh lên 18 di sản. Cũng nhờ đó, mà nhiều loại hình DSVHPVT đặc sắc đã dần tìm lại vị thế và sức sống trong cộng đồng, tiêu biểu có thể kể đến như xường giao duyên (Ngọc Lặc), diễn trò Xuân Phả (Thọ Xuân), lễ hội trò chiềng (Yên Định), lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành (Nông Cống)... Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án và kế hoạch triển khai Đề án “Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa”, trở thành căn cứ quan trọng để các địa phương, đơn vị làm tốt công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
DSVHPVT cũng chính là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa. Đồng thời, thông qua du lịch cũng sẽ góp phần quảng bá di sản, làm cho di sản sống trong cộng đồng. Bởi vậy, ngành văn hóa, thể thao và du lịch, các địa phương trong tỉnh đã tập trung khai thác, phát huy giá trị các DSVHPVT để hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng phục vụ du khách đến tham quan. Xây dựng nhiều DSVHPVT thành sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ khách du lịch như, khặp Thái, khua luống, biểu diễn cồng chiêng, các trò chơi dân gian ném còn, đánh đu... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tích cực phối hợp với các địa phương như Thạch Thành, Thường Xuân, Bá Thước... mở các lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn phát huy giá trị DSVHPVT gắn với phát triển du lịch. Tại các lớp tập huấn học viên sẽ được truyền dạy lại các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình. Đồng thời, được hướng dẫn cách thức tổ chức, thực hành các chương trình văn nghệ để phục vụ khách du lịch...
Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo của các cấp, ngành và các địa phương cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng, các DSVHPVT trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy và ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-11-21 21:16:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những “báu vật sống”
-
2024-11-21 16:11:00
Thị trấn tại Mỹ hai tháng không nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời
-
2024-01-26 09:30:00
Hoằng Hóa quan tâm xây dựng câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ
“Xuân Trường Sa” 2024: Cầu nối yêu thương từ đất liền đến biển đảo xa xôi
[Podcast] - Tản văn: Theo dấu mùa xuân ngàn dặm
Thành Nhà Hồ: Sẵn sàng đón khách trong dịp Tết Nguyên đán 2024
Show diễn do Pháp dàn dựng tại Phú Quốc đã sẵn sàng ra mắt ngày 26/1
Khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong thanh, thiếu nhi
Thanh Hóa tổ chức 2 điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa Tết Giáp Thìn 2024
Ấn tượng đêm giao lưu văn hóa, nghệ thuật Điện Biên - Thanh Hóa
[Podcast] Truyện ngắn: Quà tết cho mẹ
Lên Yên Nhân nghe khặp Thái