Đẩy nhanh tiến độ bố trí tái định cư xen ghép ở huyện Quan Sơn
Cho rằng mức hỗ trợ còn thấp trong khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ thiên tai trên địa bàn huyện Quan Sơn không mấy mặn mà di dời đến nơi ở mới an toàn. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án 4845 và Chỉ thị 22 trên địa bàn huyện.
Dù nền móng căn nhà bị sạt lở, nhưng hộ gia đình chị Hà Thị Nguyệt ở bản Lốc, xã Trung Tiến (Quan Sơn) chưa di dời đến nơi ở mới.
Nghịch lý xin ra khỏi danh sách hỗ trợ
Gia đình chị Hà Thị Nguyệt (SN 1986) ở bản Lốc, xã Trung Tiến thuộc diện phải di dời bố trí tái định cư xen ghép theo Quyết định 4845/QĐ-UBND ngày 1/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về Phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án 4845 - PV) và được hỗ trợ từ Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 (gọi tắt là Chỉ thị 22 - PV). Đó là căn nhà cấp 4, nằm ven Quốc lộ 217, cheo leo trên miệng vực sâu hoắm. Sau đợt mưa lớn sau bão số 4 hồi tháng 9/2024, một phần nền đất bị sạt lở để lộ phần móng bê tông, tường nhà cũng bị nứt toác. Mẹ con chị đã phải đi ở nhờ nhà người thân một thời gian ngắn.
Đến nay, dù xã Trung Tiến đã bố trí quỹ đất ở nơi an toàn để làm nhà, nhưng chị vẫn chưa di dời. Chị Nguyệt tính toán: Nếu xây nhà mới, với giá vật liệu, công xây dựng như hiện nay sẽ phải chi phí khoảng 300 triệu đồng. Trong khi căn nhà cũ ở vị trí sạt lở mới xây dựng từ năm 2016, còn chưa trả hết nợ. Gia đình lại thuộc hộ nghèo, chồng đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan cũng chỉ đủ trang trải kinh phí nuôi 2 con học đại học.
Chị Nguyệt cũng đã hỏi vay mượn, nhưng điều kiện kinh tế hai bên nội ngoại chẳng khấm khá gì. Nên dù được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, gia đình chị không thể cáng đáng làm nhà mới. Cực chẳng đã, chị đang xin xã cho rút ra khỏi danh sách phải di dời tái định cư theo Đề án 4845.
Theo ông Mạc Văn Tới, Chủ tịch UBND xã Trung Tiến, trên địa bàn xã có 18 hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà ở theo Chỉ thị 22. Riêng tại bản Lốc có 14 hộ. Đây cũng là những hộ thuộc diện di dời tái định cư xen ghép theo Đề án 4845. Theo chính sách, khi di dời đến nơi ở mới an toàn, những hộ gia đình này sẽ được nhận 80 triệu đồng gồm tiền từ ngân sách và từ Ủy ban MTTQ tỉnh đối với nhà sàn, nhà xây cấp 4. Chính quyền xã Trung Tiến cũng đã rà soát và bố trí quỹ đất ở ở khu vực an toàn cho những hộ dân này. Tuy nhiên đến nay chưa một hộ dân nào trong số này làm nhà ở. Hầu hết các hộ cho rằng, dù được hỗ trợ của Nhà nước, nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên chưa thể di dời đến nơi an toàn làm nhà ở.
Cần cả sự quyết liệt và đồng bộ
Theo báo cáo của UBND huyện Quan Sơn, thực hiện Đề án 4845 huyện có 153 hộ gia đình được hỗ trợ bố trí tái định cư xen ghép. Trong giai đoạn 2021-2024, đã có 38 hộ trong số này được tái định cư ở khu vực an toàn. Thực hiện Chỉ thị 22, huyện Quan Sơn được tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 107 hộ trong số hộ còn lại làm nhà ở, là huyện có số hộ thuộc diện bố trí tái định cư xen ghép được hỗ trợ theo Chỉ thị 22 lớn nhất trong các huyện miền núi. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 10 hộ đã và đang làm nhà. Số hộ còn lại chưa làm nhà ở phần nhiều do chưa tìm được vị trí đất ở an toàn, hoặc thiếu kinh phí xây dựng nhà...
Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Cường và lãnh đạo huyện Quan Sơn khảo sát khu vực bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ dân ở bản Lốc, xã Trung Tiến.
Thực tế tại một số khu vực có nguy cơ cao thiên tai, nhiều hộ dân thuộc diện phải di dời, bố trí tái định cư xen ghép mới xây nhà kiên cố cách đây chưa lâu. Cá biệt có hộ gia đình còn chưa trả hết nợ xây nhà, trong khi điều kiện kinh tế khó khăn, phần nhiều là hộ nghèo. Nếu làm nhà mới, số tiền bỏ ra không nhỏ, và dù được hỗ trợ thêm từ Chỉ thị 22, những hộ không mặn mà với chính sách hỗ trợ làm nhà trên nơi ở mới như gia đình chị Hà Thị Nguyệt là không phải ít. UBND huyện Quan Sơn báo cáo, trong số 107 hộ thuộc diện hỗ trợ của Chỉ thị 22 thì có 85 hộ xin không di dời đến nơi ở mới, cam kết tự khắc phục tình trạng sạt lở.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quan Sơn, dù huyện đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương trong công tác bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai, song một số xã, thị trấn còn gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất cho các hộ dân. Hiện tại, huyện đang tích cực rà soát, đưa ra khỏi danh sách những hộ ở khu vực không còn nguy cơ thiên tai.
Rõ ràng, trong thực hiện Đề án 4845, huyện Quan Sơn đã có nhiều nỗ lực, cố gắng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao. Kể cả trước khi lập danh sách các hộ để đề nghị tỉnh hỗ trợ theo Chỉ thị 22, huyện cũng đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng. Tuy nhiên, thời gian từ khi lập danh sách đề nghị hỗ trợ theo Chỉ thị 22 đến nay chưa dài. Và nếu chính quyền các xã, thị trấn đồng ý thay đổi danh sách, để toàn bộ 85 hộ dân trên tự khắc phục vị trí sạt lở, thiếu kiểm tra, giám sát thì sẽ càng khiến nguy cơ thiên tai ảnh hưởng đến tính mạng người dân thêm rõ ràng. Bởi thực tế, để khắc phục vị trí sạt lở, sẽ cần nguồn kinh phí không hề nhỏ, người dân rất khó cáng đáng.
Cũng phải nhắc lại rằng, trong điều kiện có nhiều khó khăn, song tỉnh đã ban hành và quyết tâm cao chính trị thực hiện có hiệu quả Đề án 4845 cùng Chỉ thị 22. Đó là những chính sách nhân văn của Đảng, tiếp tục khẳng định chủ trương đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết và tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án 4845 gắn với Chỉ thị 22 trên địa bàn huyện Quan Sơn ngày 22/12, Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Cường (đơn vị chủ trì Đề án 4845) đã đề nghị lãnh đạo huyện cần xác định việc bố trí tái định cư xen ghép cho người dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả trong năm 2025. Trước mắt, cần tập trung rà soát quỹ đất để bố trí nơi ở mới an toàn cho các hộ dân thuộc diện bố trí tái định cư xen ghép ở vị trí phù hợp, không làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Đồng thời huy động sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức đoàn thể, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương án chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai làm nhà ở, sớm ổn định cuộc sống...
Bài và ảnh: Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-12-23 19:34:00
Giảm lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3
-
2024-12-23 18:45:00
Gửi gạo hỗ trợ 150 lao động Việt Nam tại Nhật Bản bị nợ lương
-
2024-12-23 15:40:00
Thông báo chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1 và tháng 2/2025
Bộ trưởng Bộ GTVT đốc thúc tiến độ 8 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc-Nam
Chạy thêm nhiều tàu Bắc-Nam đưa người dân về quê đón Tết Ất Tỵ 2025
Cầu nối thông tin hữu ích ở các xã vùng “sáu Thanh”
Kéo dài thời gian tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Tập trung cao nhất, vì sự an cư của người nghèo
Hiệu quả từ việc lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời
Như Thanh: Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Mường Lát phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu
TP. Thanh Hóa rực rỡ đón mùa giáng sinh 2024