Đẩy mạnh cho vay trực tuyến, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp
Để nhiều người dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, gia tăng ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào việc cho vay trực tuyến trên nền tảng điện tử. Với hình thức cho vay này vừa tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng vừa tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
Nhân viên Ngân hàng Vietcombank Bắc Thanh Hóa hướng dẫn người dân các hình thức vay vốn trực tuyến.
Hiện nay, tại các ngân hàng thương mại, việc ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay được thực hiện thường xuyên. Phần lớn các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã ứng dụng phương tiện điện tử vào thực hiện các quy trình cấp tín dụng, ứng dụng công nghệ trong quản lý khách hàng, số hóa hồ sơ, nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong công tác thẩm định tín dụng. Đồng thời, đẩy mạnh cho vay theo hình thức trực tuyến, gia tăng tiện ích, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tính đến đầu tháng 7/2024, đã có 100% tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác thẩm định, đánh giá khách hàng để cho vay dựa trên thông tin của công dân trên ứng dụng VNeID, qua website dichvucong.gov.vn, quét mã QR trên căn cước công dân, ứng dụng công nghệ vào việc cho vay, thực hiện cho vay trực tuyến qua ứng dụng của các ngân hàng với hơn 10.000 khách hàng đã được vay vốn với dư nợ đạt gần 3.000 tỷ đồng. Các khoản vay tập trung phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như tiêu dùng, xây sửa nhà, mua ô tô, vay kinh doanh... Đây là một tiện ích giúp khách hàng tiết kiệm tối đa về thủ tục, thời gian đi lại và giao dịch thuận tiện 24/7, giải ngân nhanh chỉ trong 1 - 3 giờ hoặc chậm nhất là 1 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hoàn thiện của khách hàng.
Cụ thể, tại hệ thống các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay, giải pháp không dùng tiền mặt trong hoạt động tín dụng, triển khai thu nợ tự động; đẩy nhanh tiến trình áp dụng công nghệ và phương thức tự động hóa trong quy trình khởi tạo khoản vay, quản lý nợ, quản lý tài sản bảo đảm. Các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đang hướng tới thay thế 50% món vay nhỏ lẻ được vay qua hình thức trực tuyến. Các ngân hàng triển khai cho vay trực tuyến thông qua thẻ thấu chi Lộc Việt, Kiosk Ngân hàng số - Agribank Digital đáp ứng nhu cầu của khách hàng muốn vay vốn tại bất kỳ đâu, thời điểm nào. Còn tại hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) trên địa bàn tỉnh, hiện nay cũng triển khai hỗ trợ khách hàng vay vốn trực tuyến qua ứng dụng BIDV SmartBanking với hình thức vay cầm sổ tiết kiệm online. Cụ thể, khách hàng có thể đăng ký vay trực tuyến bằng tài khoản tiết kiệm online với hạn mức giải ngân tối đa lên đến 100 triệu đồng trong vòng 1 - 2 phút. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa cũng có sản phẩm “Thấu chi online” dành cho tất cả các khách hàng sử dụng VietinBank iPay có tài khoản thanh toán và tài khoản tiền gửi tiết kiệm trên VietinBank iPay. Mức cho vay tối đa lên tới 90% giá trị tài sản bảo đảm không vượt quá 300 triệu đồng/tài khoản thấu chi...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, cho vay trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lạm dụng, biến tướng, lừa đảo tín dụng đen. Nhiều khách hàng chưa tiếp cận được với hình thức vay trực tuyến từ các tổ chức tín dụng chính thống bởi dữ liệu hồ sơ cá nhân còn chưa được cập nhật đầy đủ, chính xác dẫn tới chưa xác thực được khách hàng... Với xu hướng phát triển nhanh của các hệ sinh thái ngân hàng số, hoạt động cạnh tranh trong mảng tín dụng tiêu dùng trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống, đáng tin cậy, giảm thiểu rủi ro vay lãi ngoài, gặp “tín dụng đen” gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân và xã hội, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang tiếp tục tập trung phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính tín dụng tiện lợi theo hướng giao dịch trực tuyến, cho vay thấu chi, cho vay không cần tài sản bảo đảm; tăng cường đầu tư hệ thống công nghệ nhằm bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật trong quá trình giao dịch. Từ đó, đánh giá được lịch sử tín dụng, khả năng chi tiêu, thanh toán, hay hiệu quả sản xuất, kinh doanh của người vay để quyết định hạn mức giải ngân. Đồng thời, tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay, bố trí nguồn vốn phát triển các gói sản phẩm đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Bên cạnh đó, khách hàng khi có nhu cầu vay vốn cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website, như tên và mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay.
Bài và ảnh: Lương Khánh
{name} - {time}
-
2024-12-22 15:40:00
EU nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam lên 20%
-
2024-12-22 07:51:00
Điều kiện cấp giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô
-
2024-07-06 14:47:00
Kỳ vọng thu hút dòng vốn “ngoại”
Khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp - trăn trở để phát triển bền vững
Tiếp tục đẩy mạnh CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Bản tin Tài chính (6/7): Vàng bất ngờ tăng mạnh cao nhất trong 1 tháng qua
Quán triệt công tác điều hành để giá cả không “nhảy múa” theo lương
Cần bảo tồn chè Shan tuyết cổ thụ ở Bá Thước
Hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả
Nhiều ngân hàng mở cửa cả thứ 7, chủ nhật để trợ giúp khách hàng thu thập sinh trắc học
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt khá cả về tiến độ và tốc độ
Bản tin Tài chính ngày 5/7: Giá vàng nhẫn tăng nhẹ; tỷ giá USD đồng loạt giảm