Đầu tư nguồn vốn tín dụng phát triển kinh tế
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngành ngân hàng Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, kịp thời nhằm giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Nhiều hộ dân xã Minh Sơn được vay vốn tín dụng phát triển kinh tế hiệu quả.
NHNN khu vực 7 thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng đã cập nhật khó khăn của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong quan hệ tín dụng với ngân hàng để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Sơn Lâm ở xã Thường Xuân được Agribank Nam Thanh Hóa cấp hạn mức tín dụng lên tới 10 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất. Cùng với đó, ngân hàng cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức còn khoảng 5%/năm, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đến trung tuần tháng 7/2025, dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt gần 250.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, như: chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt gần 68.000 tỷ đồng, vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 24.800 tỷ đồng; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ...
Các tổ chức tín dụng đã thực hiện công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và cho vay, các gói tín dụng trên website của từng đơn vị, giúp khách hàng có thêm thông tin tham khảo trước khi tiếp cận vốn vay; đẩy mạnh cho vay tiêu dùng bằng phương thức điện tử. Các ngân hàng còn đẩy mạnh số hóa quy trình cho vay nhằm rút gọn thủ tục vay vốn, mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế; tăng cường tính tự động và ứng dụng thêm các công nghệ trong quy trình cấp tín dụng; đồng thời đang nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong công tác thẩm định tín dụng... Mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng ở mức hợp lý và có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn so với đầu năm nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 5,5% - 7%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa VND đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến ở mức 6,5% - 8,5%/năm.
Cùng với đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ngành ngân hàng Thanh Hóa cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Các tổ chức tín dụng đã tổ chức hàng chục cuộc gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Tính đến cuối tháng 7/2025, các ngân hàng đã cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với số tiền hơn 25.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng gần 20.000 tỷ đồng với hơn 760 khách hàng còn dư nợ... Đáng chú ý, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã không ngừng cải thiện chất lượng công tác tín dụng, nhiều khoản nợ được cơ cấu lại, nhiều khách hàng vay được miễn giảm lãi, nhiều khoản vay có nguy cơ chuyển thành nợ xấu đã được ngăn chặn kịp thời, các khoản nợ xấu hiện hữu được khoanh vùng và có biện pháp xử lý thích hợp.
Song song với mở rộng tín dụng, NHNN khu vực 7 cũng đang triển khai các biện pháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn kiểm soát rủi ro và bảo đảm an toàn hệ thống, như: rà soát, phát hiện và xử lý tài khoản ngân hàng “rác” - ngăn chặn tình trạng lợi dụng tài khoản giả để rửa tiền và gian lận tài chính. Tăng cường bảo mật trong hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, giám sát chặt chẽ giao dịch điện tử nhằm bảo vệ khách hàng khỏi các hình thức lừa đảo trực tuyến. Với nền tảng tín dụng rộng mở, công nghệ số hóa mạnh mẽ và chính sách quản lý chặt chẽ, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang tạo tiền đề vững chắc cho sự tăng trưởng bứt phá trong năm 2025. Các doanh nghiệp và người dân cần tận dụng tối đa cơ hội này để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển bền vững nền kinh tế của tỉnh.
Bài và ảnh: Hồng Linh
{name} - {time}
-
2025-07-25 20:25:00
Giải pháp kép bảo vệ thương hiệu Việt
-
2025-07-25 10:23:00
Khi làng nghề “hòa sóng du lịch”
-
2025-07-25 08:31:00
Vẫn “nóng” ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi
Tạo đà phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới
Doanh nhân trẻ Thanh Hóa: Từ tiên phong khởi nghiệp đến hoạt động vì cộng đồng
Đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây dựng, đảm bảo nguồn cung cho thị trường
Các doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới
“Nền móng mềm” của năng lực cạnh tranh
Tạo động lực đổi mới, sáng tạo cho doanh nghiệp tư nhân
3+ mẫu hộp rút cao cấp, thiết kế đẹp, hot 2025