(Baothanhhoa.vn) - Đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng là yêu cầu cần thiết để các doanh nghiệp, HTX tồn tại, phát triển. Do đó, hiện nay, không ít HTX trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển đổi hoạt động theo hướng đa dạng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và các hoạt động dịch vụ nhằm nâng chất lượng hoạt động.

Đa dạng hóa dịch vụ để phát triển hợp tác xã

Đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng là yêu cầu cần thiết để các doanh nghiệp, HTX tồn tại, phát triển. Do đó, hiện nay, không ít HTX trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển đổi hoạt động theo hướng đa dạng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và các hoạt động dịch vụ nhằm nâng chất lượng hoạt động.

Đa dạng hóa dịch vụ để phát triển hợp tác xãHTX Dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh (Thường Xuân) phát triển sản xuất và cung ứng dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh (Thường Xuân) Lê Văn Thượng luôn trăn trở để “làm mới”, nâng sức cạnh tranh cho HTX của mình. Ông Thượng cho biết: "Đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động là điều cần thiết đối với mỗi đơn vị kinh tế. Nếu HTX chúng tôi chỉ đơn thuần cung cấp những khâu dịch vụ công vốn có thì sẽ khó phát triển, không thể duy trì thu nhập cho các hộ thành viên”.

Với những trăn trở đó, từ năm 2019, khi chính quyền địa phương tuyên truyền, động viên, tạo cơ chế cho các thành phần kinh tế thực hiện dồn đổi ruộng đất, tích tụ tập trung đất để phát triển quy mô lớn, HTX Dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh đã mạnh dạn tập hợp một số hộ thành viên đấu mối liên doanh liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn tìm hướng phát triển nông nghiệp hiện đại. Theo đó, HTX đã cử lao động đi học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ nhà màng, cây giống, kỹ thuật trồng chăm sóc rau, củ quả an toàn. Trong đó, sản phẩm chính là dưa kim hoàng hậu. Những vụ dưa đầu tiên của HTX đã mang lại lợi nhuận vượt trội, khoảng 300 triệu đồng/1.000m2/năm, cao hơn nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Nhận thấy đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thị trường và người tiêu dùng, ngày càng có nhiều nông dân địa phương tham gia vào HTX và có hàng chục thành viên đã bắt tay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ 2.000m2 nhà màng (năm 2019), đến nay HTX đã có khoảng 33.000m2 nhà màng sản xuất các sản phẩm như dưa kim hoàng hậu, dưa lê, cà chua, rau, quả... được người tiêu dùng đánh giá cao.

Bên cạnh phát triển các dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, HTX Dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh còn tham gia chuyển giao công nghệ sản xuất nhà màng, nhà lưới, phát triển dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ (mạ khay, máy cấy) và phát triển mạnh liên kết sản xuất lúa, mía... Ông Lê Văn Thượng khẳng định: "Việc đa dạng hóa dịch vụ sản xuất không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX mà còn từng bước thay đổi tư duy sản xuất cho các thành viên HTX nói riêng và nông dân địa phương nói chung. Nhờ đó, doanh thu trung bình năm của HTX đạt từ 3,5 đến 4 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 30%, tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động và thu nhập ổn định cho gần 100 thành viên".

Xuất phát điểm là HTX đơn thuần chỉ dạy nghề và thu mua sản phẩm cho người dân, HTX Tiểu thủ công nghiệp Trung Kiên (Hoằng Hóa) đã và đang tiến mạnh vào lĩnh vực mới, đòi hỏi kỹ thuật cao, tính nhạy bén trong thị trường. Giám đốc HTX Nguyễn Thị Ngân cho biết: "Nguồn lao động lúc nông nhàn tại địa phương khá nhiều, hơn nữa nguồn nguyên liệu mây tre, bèo tây... của địa phương vô cùng lớn, song chưa nhiều đơn vị tận dụng được. Với sự nhạy bén và sáng tạo, HTX đã làm nhiều sản phẩm mẫu từ những vật liệu nói trên để đi chào hàng với một số đơn vị xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ".

Được đối tác đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, HTX đã nhập nhiều máy móc, nguyên liệu để phát triển sản phẩm. Đến nay, HTX Tiểu thủ công nghiệp Trung Kiên đã có hàng chục sản phẩm được liên kết, xuất khẩu ra nước ngoài như túi nilon, giỏ, làn từ mây tre đan, sợi tổng hợp... tạo việc làm cho gần 150 lao động thường xuyên và nông nhàn tại địa phương, trở thành một trong những đơn vị HTX phi nông nghiệp điển hình của tỉnh.

Theo thống kê, trong số 1.339 HTX của tỉnh, có hơn 60% HTX hoạt động khá, giỏi. Hầu hết các HTX này đều chủ động trong việc đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các HTX ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ, để mỗi thành viên không chỉ hợp tác mà còn có đủ khả năng chủ động phát triển kinh tế theo hướng riêng. Thông qua cung ứng dịch vụ, việc làm, hỗ trợ tín dụng, nhiều HTX đã làm tốt vai trò là "bà đỡ” của bà con xã viên.

Trưởng phòng Chính sách và Phong trào (Liên minh HTX tỉnh) Hà Thị Thuý cho biết: Liên minh HTX tỉnh đã làm tốt vai trò hỗ trợ, khuyến khích các HTX phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các HTX nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, sản xuất theo hướng sản xuất sạch, theo chuỗi và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; các HTX phi nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên. Để giữ vững vai trò là nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ cho lao động, hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật để HTX đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động... góp phần làm tốt các khâu dịch vụ, tăng thu nhập, giải quyết được nhiều việc làm cho các thành viên và Nhân dân trên địa bàn.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]