Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình nuôi gà
Vượt lên những khó khăn, thử thách, với ý chí kiên định, nghị lực bền bỉ của người lính được rèn luyện trong quân đội, cựu chiến binh (CCB) Hoàng Văn Thiết đã thành công với mô hình nuôi gà quy mô lớn, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào nêu gương sáng làm theo lời Bác.
CCB Hoàng Văn Thiết thu gom trứng gà.
Ông Hoàng Văn Thiết sinh ra và lớn lên ở xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa). Năm 1976, ông Thiết nhập ngũ vào Vùng 5 Hải Quân. Sau một thời gian huấn luyện, ông cùng đơn vị được lệnh tăng cường sang giúp nước bạn Campuchia chiến đấu, đánh đuổi quân Pôl Pốt Iêng Xary. Sau 8 làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước bạn, ông Thiết phục viên, trở về địa phương sinh sống và gắn bó cuộc đời mình với quê hương.
Thời gian đầu xuất ngũ trở về địa phương, cũng như nhiều người khác trong xã, ông Thiết làm ruộng và buôn bán tự do. Mặc dù đã bỏ nhiều công sức nhưng hiệu quả mang lại không cao, thu nhập không ổn định, cuộc sống gia đình chẳng mấy dư dả. Trên mảnh đất thuần nông cha ông để lại, làm gì để tạo ra sản phẩm cho thu nhập cao luôn là điều ông trăn trở. Sau nhiều năm lăn lộn, bươn chải kiếm sống, ông nhận thấy những người thành công trong phát triển kinh tế nông nghiệp đều phải nắm vững kỹ thuật và có kinh nghiệm thực tế. Qua một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và đi tham quan mô hình ở nhiều nơi, ông Thiết quyết định khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi gà công nghiệp.
Năm 2000, CCB Hoàng Văn Thiết thuê 1.500m2 đất nông nghiệp của xã để xây dựng 1 chuồng nuôi 2 tầng, quy mô 8.000 con gà. Nếu như phương pháp chăn nuôi truyền thống là bỏ vốn mua con giống về nuôi, sau đó phải tìm kiếm thị trường xuất bán, thì CCB Hoàng Văn Thiết lại chọn hướng đi khác là chỉ đầu tư chuồng trại và ký hợp đồng với Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam để chăn nuôi gia công. Công ty sẽ đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi..., còn gia đình ông chỉ bỏ công chăm sóc. Khi gà đủ tháng, đủ trọng lượng, công ty sẽ về thu mua. CCB Hoàng Văn Thiết cho biết: “Buổi đầu vốn ít, kinh nghiệm chưa có nên tôi chọn cách nuôi cho công ty để lấy công làm lãi, tránh bị rủi ro khi thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả xuống thấp. Nếu không may gà bị dịch bệnh phải tiêu hủy cả đàn thì mình cũng không bị cụt vốn làm ăn”.
Sau 9 năm chăn nuôi, CCB Hoàng Văn Thiết quyết định mở rộng diện tích và thuê đất 30 năm của địa phương ở xa khu dân cư để mở rộng quy mô. Với 4.000m2 đất đồng ruộng, ông thuê máy móc về san lấp, xây dựng chuồng trại và xây dựng căn nhà nhỏ để ở. Ở khu đất mới, ông xây dựng 2 chuồng nuôi, mỗi chuồng 2 tầng nên thời kỳ cao điểm, ông nhận nuôi lên tới 20.000 con gà thịt.
Bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi của CCB Hoàng Văn Thiết là khi ông quyết định chấm dứt hợp đồng nuôi gà thịt với Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam và chuyển sang nuôi gà siêu trứng. Chia sẻ về quyết định này, CCB Hoàng Văn Thiết cho biết: “Sau 14 năm vừa làm vừa học hỏi, tôi đã có kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi và chăm sóc. Cùng với nguồn lực kinh tế bảo đảm hơn nên tôi chọn hướng đi mới để tăng thu nhập cho gia đình. Chuyển sang nuôi gà siêu trứng, tôi cải tạo lại chuồng nuôi và tìm đầu ra cho sản phẩm. Không còn được công ty hỗ trợ, mọi rủi ro mình phải chịu nên tôi phải tính toán rất chi tiết, kỹ lưỡng”.
Để gà đẻ đều, khâu chọn giống được CCB Hoàng Văn Thiết đặc biệt quan tâm. Nhiều năm qua, ông đặt mua gà giống chuyên trứng của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Gà giống được ông mua khi 1 ngày tuổi, sau 6 tháng nuôi thì gà bắt đầu đẻ trứng. Muốn gà giữ được thể trạng và đẻ nhiều phải cho ăn đủ theo khẩu phần và đúng giờ, phải tiêm phòng các loại dịch bệnh theo định kỳ, xung quanh chuồng và trong chuồng nuôi phải tiêu độc, khử trùng và thường xuyên thu gom, xử lý chất thải. Bình quân mỗi năm, ông Thiết nuôi từ 10.000 đến 11.000 con gà đẻ, mỗi ngày thu hơn 8.000 quả trứng. Toàn bộ trứng của gia đình ông được các đại lý và tiểu thương ở các chợ thu mua. Với giá bán dao động từ 2.000 đến 2.500 đồng/quả, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng. Ngoài ra, sau 12 đến 14 tháng đẻ trứng, ông sẽ thay lứa mới và bán gà thải đàn cũng cho nguồn thu tương đối cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình nuôi gà đẻ trứng của gia đình CCB Hoàng Văn Thiết còn tạo việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/tháng và 20 lao động thời vụ.
23 năm gắn bó, với niềm đam mê và tâm huyết với công việc, CCB Hoàng Văn Thiết đã thành công với lựa chọn của mình. Ông chia sẻ: “Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác “Phải không ngừng học hỏi, lao động, sáng tạo”. Vì thế còn sức lực thì tôi vẫn sẽ lao động để xây dựng đời sống no đủ và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương”.
Ông Lê Ngọc Chinh, Chủ tịch Hội CCB xã Hoằng Thịnh nhận xét: “CCB Hoàng Văn Thiết là hội viên rất năng động, sáng tạo, tiên phong trong phát triển kinh tế ở địa phương. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, CCB Hoàng Văn Thiết đã có của ăn của để, trở thành tấm gương sáng trong phong trào CCB làm kinh tế giỏi. Ông cũng là hội viên tích cực tham gia đóng góp các hoạt động từ thiện ở địa phương, nhất là quỹ “Nghĩa tình đồng đội” để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn”.
Bài và ảnh: Tố Phương
{name} - {time}
-
2024-11-20 14:29:00
Học Bác để trở thành người giáo viên mẫu mực
-
2024-11-19 15:04:00
Dấu ấn cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới
-
2024-01-19 10:26:00
Bí thư chi bộ gương mẫu, tận tâm với công việc
Chàng trai 9X nặng lòng với nghề rèn truyền thống
Người gieo những ước mơ
Cựu chiến binh Hoàng Đức Hiền: “Không có việc gì khó”
Làm giàu từ đồng đất quê hương
Người nâng tầm cây dược liệu bản địa
Gặp chàng trai của “Việc tử tế”
Những nữ thủ lĩnh “trọn việc nước, tròn việc dân”
Bí thư chi bộ, trưởng bản mẫu mực bảo vệ đường biên, cột mốc
Nữ đảng viên 24 năm làm bí thư chi bộ