Còn lỏng lẻo trong liên kết sản xuất nông nghiệp
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp vẫn còn tình trạng phát triển với quy mô nhỏ lẻ, manh mún thì việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò vô cùng quan trọng và là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Thế nhưng thực tế cho thấy, sự liên kết này vẫn khá lỏng lẻo, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, giữa doanh nghiệp và người dân chưa thực sự có niềm tin vào nhau.
Diện tích sản xuất ngô tại xã Định Hòa (Yên Định).
Trong chăn nuôi gia cầm, hình thức nuôi gia công không còn xa lạ đối với người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Với các ưu điểm như đầu ra ổn định, được doanh nghiệp cung ứng con giống có chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc con nuôi..., các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Nga Sơn, Triệu Sơn, Ngọc Lặc... đã hình thành và phát triển liên kết chăn nuôi gà theo hình thức gia công gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp với Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Phúc Vinh, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty C.P Việt Nam...
Tại xã Xuân Du (Như Thanh), ông Lê Sỹ Quyền, một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi gia cầm cho biết: “Trước kia, gia đình tôi liên kết chăn nuôi, bao tiêu gia cầm với doanh nghiệp. Không thể phủ nhận những ưu điểm của hình thức chăn nuôi này mang lại, nhất là khi thời điểm giá gia cầm bị ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều hạn chế trong quá trình liên kết”. Cũng theo ông Quyền, điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp khá khắt khe, thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, người chăn nuôi khó có thể đạt được yêu cầu về chất lượng, số lượng sản phẩm đã ký kết trong hợp đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, ngoài chăm sóc con nuôi theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y thì người chăn nuôi còn phải có vốn đầu tư lớn để chủ động đầu tư máy phát điện dự phòng, nâng cấp đường dây điện, xây dựng chuồng trại, chi phí thuê nhân công vệ sinh chuồng trại sau mỗi lần xuất bán...
Trong trồng trọt, một trong những “nút thắt” lớn nhất hiện nay trong liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chính là sự “bội tín”. Sự việc này diễn ra từ cả 2 phía, có khi là từ phía người dân, lại có trường hợp xảy ra từ phía doanh nghiệp, nhất là việc thanh toán chậm tiền thu mua sản phẩm. Đối với người dân, đó là không tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc khiến sản phẩm không đạt chất lượng, số lượng như hợp đồng đã ký kết hoặc tự ý phá vỡ hợp đồng để bán sản phẩm ra ngoài nếu giá thị trường cao... Bên cạnh đó, nhiều HTX chưa phát huy được nhiệm vụ là “cầu nối” để quản lý, can thiệp giải quyết các khó khăn của người dân trong quá trình thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp. Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có diện tích sản xuất ớt lớn như Yên Định, Thiệu Hóa... đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp chậm chi trả tiền thu mua ớt nên người dân không còn mặn mà với việc sản xuất ớt theo hợp đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, cây trồng thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, dịch bệnh; song, những rủi ro này đa phần do người dân gánh chịu mà ít có sự chia sẻ của doanh nghiệp hay đơn vị đầu tư thực hiện liên kết.
Không thể phủ nhận việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía. Việc hình thành các chuỗi sản xuất không những góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà doanh nghiệp cũng chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, diện tích cây trồng được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm mỗi năm còn hạn chế, khoảng 80.000ha và tính bền vững của hợp đồng giữa người dân và doanh nghiệp chưa cao. Vì vậy, để tránh sự liên kết “đứt gánh giữa đường”, cần sự chủ động, tích cực của cả người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương cần tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và cần tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng; phối hợp với các đơn vị có liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; cách thức tổ chức sản xuất cho người dân; thường xuyên đánh giá, dự báo thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, giữa doanh nghiệp, HTX và người dân cần phải bảo đảm lợi ích hài hòa, tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng; cùng nhau chia sẻ những rủi ro, khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cho các HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kết nối thị trường để làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp...
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2025-01-15 11:20:00
Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu
-
2025-01-15 10:01:00
Prudential khai trương Văn phòng Tổng đại lý theo mô hình mới tại huyện Thiệu Hóa
-
2024-01-27 14:48:00
Khi làng nghề bắt nhịp kinh tế thị trường
Thu hút các doanh nghiệp chế biến lâm sản
Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng mới
Bản tin tài chính sáng 27/1: Giá vàng tăng, dầu và USD đi xuống
Liên minh HTX tỉnh tặng quà cho thành viên có hoàn cảnh khó khăn
Thanh Hoá có thêm 17 xã được công nhận NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu
Nguồn vốn Quỹ TDND Thống Nhất tăng hơn 49 tỷ đồng sau một nhiệm kỳ
Thực hiện các biện pháp phòng chống rét trong nuôi trồng thủy sản
Đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp tết
Sản xuất công nghiệp nỗ lực vượt khó