Chợ đặc biệt nơi Cổng Trời
Đường lên “Cổng Trời” Trung Lý (Mường Lát), du khách sẽ bắt gặp “chợ cóc” nho nhỏ của những người phụ nữ dân tộc Mông nằm chênh vênh nơi góc núi, bán “đặc sản” núi rừng, từ bó rau cải mèo, cái hoa chuối rừng... đến con gà, con ốc... Điều mà cách đây chừng mươi năm trước chưa bao giờ có ở huyện vùng cao này.
"Chợ cóc” của những người phụ nữ dân tộc Mông dưới chân Cổng Trời, xã Trung Lý (Mường Lát). Ảnh: Tăng Thúy
Vắt vẻo lưng đèo
Gọi là chợ nhưng thực chất chỉ là cái chòi được dựng tạm bằng bốn thanh nhôm rộng chừng vài mét, phía trên lợp bằng tấm vải dù, bên dưới lót tấm chiếu, mảnh nilon hay đơn giản là bao đựng lúa. Người ta bày hàng tràn ra ngoài cái chòi, hàng của người nọ xếp san sát bên cạnh hàng của người kia dọc theo Quốc lộ 15C, đoạn qua địa phận bản Khằm 1, Khằm 2, xã Trung Lý.
Không nằm giữa khu dân cư, đông đúc người qua lại để thuận tiện cho việc mua bán, chợ này dựng nơi vắng vẻ, ngay dưới chân Cổng Trời và cách khu dân cư gần nhất gần 1km nên nhiều người vẫn gọi với cái tên “chợ Cổng Trời”. Đồng bào quan niệm, “Cổng Trời” mang ý nghĩa kết nối, là sợi dây gắn kết giữa hiện tại và tương lai. Cái tên thể hiện tình cảm thiêng liêng mà người dân nơi đây dành cho tổ tiên, những người đã khai thiên lập địa, tạo nên vùng đất Trung Lý ngày nay. Đồng thời, hàm chứa ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc văn hóa cội nguồn, tiếp nối truyền thống cha ông, làm nền tảng cho sự phát triển của Trung Lý hôm nay và mai sau. Người dân và khách thập phương thường dừng chân tại đây tận hưởng không khí trong lành, đứng trên độ cao mà chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ xung quanh và chụp hình lưu niệm. Những bức ảnh đã lan tỏa vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng Mường Lát đến nhiều người. Từ đó, Cổng Trời trở thành điểm du lịch được yêu thích.
Thấy phương tiện qua lại đông đúc nên một vài hộ dân bản Khằm 1, Khằm 2 mang sản vật của gia đình lên đó bán. Lúc đầu chỉ có vài người ra bán, giờ thì đến cả chục người, toàn bộ là chị em đồng bào dân tộc Mông. “Chị mua rau về ăn không, rau mới hái tươi lắm”, một người phụ nữ gọi mời. Dù khách giơ máy ảnh lên, người phụ nữ cũng không chút ngại ngùng, nhoẻn miệng cười rất tươi. Chúng tôi có đôi chút bất ngờ, bởi trong quá khứ, những người phụ nữ dân tộc Mông luôn giấu mình trong vỏ bọc của phong tục. Cuộc đời của họ quẩn quanh với trỉa bắp, trồng ngô, địu con lên rẫy... Tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, cuộc sống chủ yếu tự cung, tự cấp, nếu có trao đổi mua bán chỉ diễn ra giữa những người dân trong bản. Nhưng giờ, phụ nữ dân tộc Mông tự lập nên một cái chợ để trao đổi, buôn bán với thế giới bên ngoài, nó thể hiện bước chuyển quan trọng trong tư duy, ý thức phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo. "Thời gian đầu lên đây bán hàng, mình ngại lắm. Nhưng thấy mọi người bán được, mình cũng bán. Giờ thì đông vui và hàng hóa cũng phong phú hơn” - chị Sung Thị Hoa, 32 tuổi, người bản Khằm 1 nói.
Chị Hoa trông già hơn so với cái tuổi của mình, hai bên gò má đen sạm, những nếp nhăn đã xếp đầy trên khóe mắt. Chị bảo rằng mình có 5 đứa con, đứa lớn năm nay 16 tuổi, nhưng đã nghỉ học hơn 3 năm nay; 4 đứa còn lại đứa đi học, đứa ở nhà bế em. Chị Hoa tâm sự: “Con đông nên đói cái ăn lắm. Nhà mình trồng vài ha sắn, nhưng mỗi năm chỉ thu được một vụ. Bởi thế, mình trồng thêm cải mèo và lên nương hái rau rừng đem ra chợ bán, kiếm thêm tiền mua gạo và mua quần áo cho con”.
Đặc sản núi rừng
Những mặt hàng ở chợ Cổng Trời khá phong phú. Tất cả đều là đặc sản núi rừng, là những sản vật đồng bào dân tộc Mông gần đó trồng được hoặc hái lượm, như: măng, rau dớn, ớt sim, gà Mông, chuột rừng... Nhưng nhiều nhất vẫn là rau cải mèo. Mỗi bó cải ở đây được bán với giá 10.000 đồng.
"Chợ cóc” của những người phụ nữ dân tộc Mông dưới chân Cổng Trời, xã Trung Lý (Mường Lát).
“Trồng rau trên này đơn giản lắm, không phải chăm sóc kỹ càng rồi phun thuốc như dưới xuôi đâu. Ở đây chỉ cần mang hạt giống lên nương rồi vãi ra, cứ thế nó tự lớn cho đến khi thu hoạch thôi. Có thể do đất và khí hậu tốt nên nó sinh trưởng nhanh lắm”, chị Hoa nói thêm.
Để có được vài chục bó cải mang lên chợ bán, chị Hoa đã phải thức dậy từ lúc hơn 3h sáng. Do nương ở xa, chị phải mất hơn một giờ đi bộ mới tới được. Sau khi tất bật hái rau, chị gùi trên lưng đi bộ ngược lên chợ cũng là lúc trời vừa sáng. Chị Hoa nói: “Chợ này không có giờ họp cũng chẳng có giờ tan. Ai có gì thì mang ra bán, lúc nào cũng được. Bán hết thì về, ế thì bán khi nào trời tối rồi thôi. Nhưng thường sẽ đông hơn vào buổi trưa. Bởi lúc đó, bà con đi nương mang đồ ra bán. Khách cũng đi chợ chuẩn bị bữa cơm”.
Được biết, chị Hoa bán ở chợ Cổng Trời quanh năm. Hết mùa rau cải, chị lại bán khoai sọ, rồi dưa Lào... Hôm ấy, ngoài rau cải mèo, gian hàng của chị Hoa còn khoai lang, được rao bán với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Chị Hoa tiết lộ, mỗi buổi chợ chị thu nhập từ 50 - 70.000 đồng. Số tiền này giúp chị trang trải cuộc sống hằng ngày. Cuối tuần, nghỉ hè, các con chị và những đứa trẻ khác sẽ lên nương hái rau, hoặc xuống suối bắt ốc mang lên chợ bán để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.
Ngoài các vị khách phương xa mua đặc sản vùng cao về làm quà. Chợ cóc cũng trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân địa phương. Họ tạt qua mua bó rau, con ốc cho bữa ăn mà không phải canh đợi những “siêu thị di động” không biết lúc nào xuất hiện. Chị Hà Thị Mai, người bản Táo, xã Trung Lý - khách hàng quen thuộc ở chợ, chia sẻ: “Trên đường đi làm về mình ghé mua vài thứ, như: ớt sim, bó rau cải hoặc túi ốc đá... về nhà ăn vừa rẻ, vừa sạch lại ngon”.
Theo ông Giàng A Lâu, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý: "Hiện tại, lượng người giao dịch ở chợ này đang còn ít nên vẫn chưa tạo được sinh kế cho người dân. Chợ mới chỉ phần nào cải thiện được sinh hoạt hàng ngày cho bà con và ít nhiều giới thiệu được đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, xã Trung Lý đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Và chợ Cổng Trời sẽ là điểm đến đầu tiên và rất quan trọng trong chuỗi hành trình của du khách khi đến với vùng đất này. Vì thế, chúng tôi đang lên kế hoạch mở rộng chợ, cũng như khuyến khích người dân đa dạng hóa các loại mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng truyền thống, như: thổ cẩm, rượu men lá...".
Tăng Thúy
- 2024-11-02 19:11:00
Thức dậy dòng sông để thêm thương nhớ hồn làng
- 2024-11-02 15:28:00
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tỉnh Thanh Hoá và Bắc Ninh 2024
- 2024-04-16 09:46:00
Xin ý kiến về Đề án đặt tên đường, phố trên địa bàn thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn)
Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết
Phát động vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc năm 2024
Triển khai mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình
Đại hội thành lập Hội Cựu Công an Nhân dân TP Thanh Hóa nhiệm kỳ 2023- 2028
Nhiều sản phẩm OCOP hội tụ tại Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa - du lịch - ẩm thực Thọ Xuân năm 2024
Thúc đẩy an cư
Hội thao công nhân, viên chức, lao động huyện Mường Lát năm 2024
Nỗ lực số hóa hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Đơn vị 4212-P37 Thanh niên xung phong Thanh Hóa “thăm lại tuyến đường xưa” và tặng quà tri ân