(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) được xem là bước đi tất yếu nhằm minh bạch hóa chuỗi cung ứng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm địa phương.

“Chìa khóa” giúp nâng tầm thương hiệu địa phương

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) được xem là bước đi tất yếu nhằm minh bạch hóa chuỗi cung ứng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm địa phương.

“Chìa khóa” giúp nâng tầm thương hiệu địa phương

Sản phẩm nước mắm truyền thống Thành Hiệp - Ba Làng được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 900 sản phẩm tại 650 cơ sở đã được dán tem điện tử TXNG, cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý sản phẩm. Đặc biệt, trên hệ thống quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thanh Hóa đã có 355 cơ sở với 750 sản phẩm nông nghiệp được phê duyệt cập nhật thông tin. Đây là những con số đáng ghi nhận, cho thấy mức độ chủ động và nghiêm túc của địa phương trong việc tích hợp dữ liệu, minh bạch hóa thông tin. Những con số này càng có ý nghĩa hơn khi phần lớn chủ thể là các hợp tác xã, cơ sở nhỏ, nay đã tiếp cận với công nghệ số để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm truyền thống.

Để đạt được kết quả trên, trên cơ sở Kế hoạch số 227/KH-UBND và Quyết định số 1221/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc “Phê duyệt Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý TXNG sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” các sở, ngành, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ cùng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp triển khai các bước hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, các địa phương cũng kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể và tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện việc dán tem truy xuất, tích hợp thông tin sản phẩm lên hệ thống dữ liệu. Nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, một mạng lưới TXNG đang từng bước được hình thành, vận hành theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và có chiều sâu.

Có thể nói, TXNG không chỉ là công cụ quản lý mà còn trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đơn cử như cơ sở sản xuất nước mắm gia truyền Thành Hiệp - Ba Làng, thuộc phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn). Với truyền thống lâu đời, nước mắm Ba Làng nổi tiếng bởi hương vị đậm đà, lên men tự nhiên từ cá cơm và muối sạch trong thời gian dài, không sử dụng phụ gia hay chất bảo quản. Để giữ vững thương hiệu truyền thống trong thời đại công nghệ số, cơ sở đã chủ động áp dụng tem điện tử QR code trên từng sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng và quy trình chế biến.

Tại các hội chợ, triển lãm nông sản, gian hàng nước mắm Thành Hiệp luôn thu hút đông đảo người tiêu dùng nhờ vào sự đa dạng sản phẩm và cách trưng bày chuyên nghiệp. Các sản phẩm như nước mắm cốt, nước mắm nhĩ, mắm cá mực... đều được đóng chai theo quy chuẩn, có dán tem TXNG rõ ràng. Điều này không chỉ tạo niềm tin cho khách hàng trong nước mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu...

Hay như Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) không thể thành công nếu thiếu sự hỗ trợ của công cụ TXNG. Các địa phương đã lồng ghép nội dung TXNG vào quy trình xây dựng và đánh giá sản phẩm OCOP, giúp việc minh bạch hóa sản phẩm trở thành một tiêu chí quan trọng trong xếp hạng. Điều này vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa khuyến khích các cơ sở sản xuất thay đổi tư duy quản trị theo hướng hiện đại. Cụ thể, các huyện như Như Xuân, Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc... đã hỗ trợ tem QR code và hướng dẫn các chủ thể OCOP ghi chép, cập nhật thông tin lên hệ thống. Qua đó, sản phẩm không chỉ đẹp về hình thức, chuẩn về nội dung, mà còn dễ dàng tiếp cận thị trường điện tử, từng bước khẳng định thương hiệu nông sản địa phương.

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trên thực tế, hoạt động TXNG vẫn gặp một số rào cản. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn xem nhẹ việc ghi chép, cập nhật dữ liệu, hoặc chỉ dán tem để đối phó với cơ quan chức năng. Hơn nữa, việc đầu tư thiết bị, phần mềm, nhân lực để vận hành hệ thống TXNG vẫn là gánh nặng với các cơ sở nhỏ lẻ, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Một số địa phương còn thiếu cán bộ chuyên trách để hướng dẫn kỹ thuật...

Để hoạt động TXNG thật sự phát huy hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cần xác định rõ đây là nhiệm vụ lâu dài, mang tính “gốc rễ” trong nâng cao năng lực sản phẩm. Trước mắt, cần tăng cường truyền thông, kết hợp tập huấn tại cơ sở để nâng cao nhận thức, kỹ năng vận hành hệ thống TXNG. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện hệ thống phần mềm tích hợp, thống nhất một đầu mối quản lý cơ sở dữ liệu, bảo đảm thông tin được cập nhật đồng bộ, xuyên suốt giữa các ngành và địa phương. Đồng thời, nên có cơ chế hỗ trợ về tài chính như tài trợ tem điện tử, phần mềm hoặc thuê chuyên gia hướng dẫn cho các cơ sở OCOP, doanh nghiệp nhỏ. Việc tăng cường giám sát định kỳ và có chế tài xử lý khi phát hiện sai lệch dữ liệu cũng là điều cần tính đến để đảm bảo tính thực chất của hoạt động TXNG.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]