(Baothanhhoa.vn) - Những ngày này, cả nước đang hân hoan chào đón Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Song, càng gần đến ngày kỷ niệm các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị lại đăng tải những thông tin sai trái, xuyên tạc, phủ nhận giá trị, bản chất lịch sử của Chiến thắng 30/4/1975 của quân và dân ta.

Cảnh giác trước các luận điệu sai trái, xuyên tạc về Chiến thắng 30/4/1975

Những ngày này, cả nước đang hân hoan chào đón Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Song, càng gần đến ngày kỷ niệm các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị lại đăng tải những thông tin sai trái, xuyên tạc, phủ nhận giá trị, bản chất lịch sử của Chiến thắng 30/4/1975 của quân và dân ta.

Cảnh giác trước các luận điệu sai trái, xuyên tạc về Chiến thắng 30/4/1975

Người dân đề cao cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, luận điệu sai trái về Chiến thắng 30/4/1975 trên không gian mạng của các thế lực thù địch.

Chúng cho rằng Chiến thắng 30/4/1975 chỉ là “ngày kết thúc của một cuộc nội chiến tương tàn”, “ngày ghi dấu ấn trong lịch sử khi dân tộc Việt Nam chia làm hai nửa”; “ngày quốc hận”; là ngày giỗ của một chính thể phi pháp, phi nghĩa. Chúng cũng luôn đưa ra điều kiện hết sức phi lý là để “hòa hợp dân tộc” thì phải bỏ việc kỷ niệm ngày Chiến thắng 30/4/1975.

Song, sự thật, bản chất của Chiến thắng 30/4/1975 mà hầu hết Nhân dân Việt Nam và người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều hiểu và nằm lòng đó chính là ngày vui thống nhất của cả dân tộc Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, năm 1954, theo nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vĩ tuyến 17 được coi là ranh giới tạm thời chia đôi đất nước ta. Thực tế, nếu không có sự can thiệp của Mỹ, ranh giới này đã được xóa bỏ và hai miền Nam-Bắc ruột thịt có thể đã được thống nhất chỉ sau hai năm bằng một cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu (Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ ghi rõ, cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956). Song, với âm mưu muốn thế chân thực dân Pháp ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, phá hỏng cơ hội thống nhất hai miền của nước ta.

Dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã dùng vũ lực, máy chém, súng đạn, sát hại dã man hàng vạn đồng bào, đảng viên và những người bị nghi ngờ ủng hộ Đảng Cộng sản, tạo ra những cuộc vây bắt, giết hại dã man, tàn bạo. Với việc dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, Mỹ đã thi hành ở Việt Nam chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Đến khi Ngô Đình Diệm không còn phù hợp với chính sách của mình, Mỹ lại bày mưu, dàn xếp một cuộc đảo chính, tiêu diệt cả hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, dựng lên một “ tay sai bù nhìn” mới để phục vụ cho lợi ích của Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Như vậy, thực chất chính quyền Việt Nam cộng hòa hoàn toàn là tay sai của Mỹ, “quân cờ” do Mỹ dựng lên, không do nhân dân Việt Nam bầu cử mà có. Bởi vậy, đây không phải là một chính quyền hợp pháp, hợp đạo lý, hợp lòng dân. Để phủ nhận chính quyền tay sai của Mỹ và lật đổ nó, quân dân miền Nam đã lập ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để lãnh đạo Nhân dân đứng lên đấu tranh lật đổ chính quyền Việt Nam cộng hòa.

Đến năm 1973, với việc Mỹ liên tiếp thua trên chiến trường, chịu sức ép phản đối của dư luận trong nước và quốc tế bởi đã thực hiện một cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam, đế quốc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris - hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến gồm: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Paris ngày 27/1/1973. Song, Mỹ vẫn để lại một đội ngũ cố vấn hùng hậu, vẫn viện trợ quân sự để tiếp tục biến chính quyền Sài Gòn thành con rối trong tay Mỹ. Bởi vậy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không phải là một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc của Việt Nam như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, mà đây là cuộc kháng chiến của toàn thể dân tộc Việt Nam, chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ và đánh đổ bè lũ tay sai của Mỹ. Cuộc kháng chiến trường kỳ đó đã kết thúc thắng lợi vẻ vang bằng Chiến thắng 30/4/1975 lịch sử của cả dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một trong những trang sử hào hùng, chói lọi; là kết quả của cuộc kháng chiến chính nghĩa, được cả thế giới tiến bộ ủng hộ. Trong không khí thiêng liêng của những ngày cuối tháng 4 này, cũng như bao người dân Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định: Ngày 30/4/1975 mãi mãi là Ngày vui toàn thắng, Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài và ảnh: Lê Phượng


Bài và ảnh: Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]