(Baothanhhoa.vn) - Bước vào mùa cao điểm du lịch hè, du lịch xứ Thanh tiếp tục là điểm đến yêu thích của đông đảo du khách. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm hoạt động lừa đảo dịch vụ, combo du lịch giá rẻ “lên ngôi”. Nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã lên tiếng cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo, từ đặt phòng lưu trú ảo đến các “tour du lịch ma”.

Cẩn trọng trước các chiêu trò lừa đảo du lịch trong những tháng cao điểm hè

Bước vào mùa cao điểm du lịch hè, du lịch xứ Thanh tiếp tục là điểm đến yêu thích của đông đảo du khách. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm hoạt động lừa đảo dịch vụ, combo du lịch giá rẻ “lên ngôi”. Nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã lên tiếng cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo, từ đặt phòng lưu trú ảo đến các “tour du lịch ma”.

Cẩn trọng trước các chiêu trò lừa đảo du lịch trong những tháng cao điểm hè

Đại diện khách sạn Dragon Sea (TP Sầm Sơn) trao đổi với phóng viên về các trang facebook mạo danh khách sạn để lừa đảo khách hàng.

Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh phản ánh tình trạng khách hàng bị lừa đảo bằng hình thức đặt phòng khách sạn qua mạng xã hội. Dù đã được cảnh báo nhưng các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi cách thức, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Không ít khách hàng sau khi chuyển tiền đặt cọc, đến nơi mới “ngã ngửa” khi biết cơ sở lưu trú không tồn tại hoặc đã kín phòng từ lâu.

Ông Hoàng Thành Vượng, Giám đốc điều hành chuỗi khách sạn 4 sao Dragon Sea tại khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) cho biết: “Từ đầu tháng 3 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 20 trường hợp khách hàng gọi đến số điện thoại hotline của khách sạn phản ánh bị lừa đảo tiền đặt cọc dịch vụ phòng lưu trú. Hầu hết các trường hợp đều đặt phòng qua các fanpage facebook ảo và đã chuyển tiền đặt cọc từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Khi đối chiếu kiểm tra lại với chúng tôi thì không hề có bất cứ thông tin đặt phòng nào như vậy. Điều đáng lo ngại, một vài trang facebook ảo có tới hàng nghìn lượt theo dõi, thậm chí có cả tích xanh dẫn đến khách hàng dễ bị lừa đảo”.

Cũng theo ông Vượng, trước tình trạng này, trên trang fanpage facebook chính thức của khách sạn “Dragon Sea Hotel” hiện có 18K lượt thích và 18K người theo dõi đã thường xuyên đăng tải các nội dung cảnh báo, đồng thời chỉ ra một số trang facebook giả mạo để khách hàng nắm bắt. Việc lợi dụng tên tuổi các khách sạn lớn, uy tín như Dragon Sea để lừa đảo không chỉ gây thiệt hại cho du khách, mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu của doanh nghiệp và điểm đến.

Qua nắm bắt thông tin từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, để tạo lòng tin đối với du khách, các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến mục tiêu là các cơ sở lưu trú, nhà hàng chất lượng từ 3 - 5 sao. Trong đó, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn cũng không phải ngoại lệ. Đơn vị này đã đăng tải những cảnh báo tương tự trên fanpage,

facebook. Chị Đỗ Thị Thủy (phòng Sale & Marketing FLC Sầm Sơn) cho biết: “Từ khoảng trung tuần tháng 3 đến nay, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp du khách bị lừa đảo khi đặt phòng thông qua các tài khoản facebook hoặc zalo giả mạo nhân viên tư vấn, đại lý cung cấp dịch vụ. Một số đối tượng thậm chí sử dụng logo của FLC, hình ảnh phòng lưu trú và tiện ích tại khu nghỉ dưỡng đăng trên các trang mạng xã hội để tạo sự tin tưởng đối với du khách. Tuy nhiên, phần lớn du khách khi đã chuyển khoản đặt cọc xong thì mới liên hệ lại chúng tôi để xác nhận, khi đó đã quá muộn”.

Cũng theo chị Thủy, "việc trang bị thông tin cho du khách là cách hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại để giảm thiểu rủi ro trong mùa du lịch cao điểm. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ du khách kiểm tra thông tin đặt phòng qua tổng đài hoặc kênh facebook chính thức. Bên cạnh đó, việc cập nhật thường xuyên các cảnh báo và chia sẻ kinh nghiệm du lịch an toàn trên trang facebook “FLC Sầm Sơn” (hiện có 31K lượt thích, 34K người theo dõi) trong mùa cao điểm cũng là một phần không thể thiếu trong công tác truyền thông, chăm sóc khách hàng của chúng tôi".

Lý giải về việc phần lớn du khách thường chuyển khoản xong mới liên hệ cơ sở cung cấp dịch vụ để xác nhận, đại diện một số doanh nghiệp du lịch cho biết, các đối tượng lừa đảo đều đưa ra mức giá dịch vụ vô cùng hấp dẫn, kèm theo đó là những chương trình ưu đãi “chớp nhoáng”. Đây được xem là “đòn” tâm lý, đánh vào “lòng tham” du khách. Bởi những tháng hè là mùa du lịch cao điểm, rất dễ “cháy dịch vụ”, hoặc các chương trình ưu đãi nhanh kết thúc.

Không chỉ dừng lại ở dịch vụ phòng lưu trú, các đối tượng lừa đảo còn nhắm đến một số dịch vụ như tour trọn gói, ăn uống, vé tham quan hoặc vui chơi, giải trí... Các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội để rao bán “combo du lịch giá rẻ”, kèm theo đó là những lời mời gọi hấp dẫn.

Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden (Bá Thước) Đỗ Đức Mạnh cho biết: “Mới đây, đối tượng lừa đảo đã lập fanpage giả mạo khu nghỉ dưỡng của chúng tôi để cung cấp combo “Pleasant Season” chỉ 990 nghìn đồng/khách/2 ngày 1 đêm, với rất nhiều ưu đãi từ phòng nghỉ cho đến ăn uống và nhiều tiện ích khác. Bên cạnh đó, đối tượng còn lập tài khoản ngân hàng có tên “Cong ty TNHH Resort Servicers” để củng cố niềm tin với khách hàng. Đáng lo ngại, đối tượng lừa đảo còn tìm hiểu rất kỹ các thông tin, cách tư vấn khách hàng và quy trình đặt dịch vụ của chúng tôi một cách rất bài bản. Vì vậy, kể cả một số khách hàng đã từng đặt dịch vụ trước đó cũng có thể bị lừa”.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng lừa đảo trong mùa cao điểm du lịch, một trong những giải pháp được các doanh nghiệp đề xuất là trên trang thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch “svhttdl.thanhhoa.gov.vn”, website du lịch của tỉnh “dulichthanhhoa.org” và trang fanpage facebook “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc 4 mùa” cần nghiên cứu tập hợp thông tin xác thực, dẫn đường link về hệ thống khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành... trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ chủ động cập nhật thường xuyên các chương trình ưu đãi, combo du lịch; công khai quy trình đặt dịch vụ... để du khách nắm bắt, kiểm chứng thông tin trước khi đưa ra quyết định.

Có thể thấy, tình trạng lừa đảo trong mùa cao điểm du lịch thực sự là “phép thử” đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trong việc linh hoạt xử lý vấn đề, nâng cao mức nhận diện thương hiệu. Đồng thời đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng trong việc thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh. Và hơn hết, đây cũng là lời nhắc nhở rằng, dù công nghệ ngày càng phát triển, hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi, song yếu tố con người - sự trung thực của người bán và sự tỉnh táo, nhạy bén của khách hàng vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng môi trường du lịch lành mạnh.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]