(Baothanhhoa.vn) - Tôi thường dẫn những đường link nhặt được trên mạng gửi vào nhóm gia đình, để những đứa con tôi đọc. Làm thế bởi tôi thấy thú vị.

Cầm sách lên...

Tôi thường dẫn những đường link nhặt được trên mạng gửi vào nhóm gia đình, để những đứa con tôi đọc. Làm thế bởi tôi thấy thú vị.

Cầm sách lên...

Những đứa con tôi, đứa đã học đại học, đứa còn học trung học. Chúng hỏi vì sao bố làm thế? Tôi trả lời: Bố thấy hay. Chúng hỏi tiếp: Thế bố đọc chưa? Tôi ấp úng rằng: Thì bố thấy cái tít hay.

Chỉ có thế. Tôi trở nên mất điểm trước những đứa con mình.

Thú thật công việc dường như lúc nào cũng cuốn tôi đi, nên đọc sách, dù là sách điện tử đi chăng nữa cũng rất hiếm hoi. Tôi thường dành thời gian nghỉ ít ỏi của mình trong ngày để lướt mạng xã hội với mục tiêu phục tráng tâm hồn. Những đường link tôi nhặt được trên không gian ấy tưởng hay, nhưng nội dung thường bị đánh lừa. Tôi vội vàng gửi cho những đứa con của mình xem, thành ra đôi lúc trở nên khá vô duyên. Chúng có hỏi tôi bố đã đọc chưa cũng chỉ là câu trách nhẹ, chứ lẽ ra chúng hoàn toàn có thể nói thẳng ra rằng, cách tiếp cận văn hóa đọc của tôi có vấn đề.

Mà không chỉ có tôi. Đồng nghiệp, bạn bè và những người tôi biết. Rất nhiều người trong số họ cũng đang gắp những sợi “mì ăn liền” cho con mình thông qua những đường link chưa được kiểm chứng và ép chúng đọc. Những cuốn sách được xem như “mì ăn liền” ấy hấp dẫn, nhưng đầy mê hoặc, dụ dỗ, khiêu khích và cả kích động. Cái gì cũng có cả. Nó xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội như một thứ mồi câu, mà không kỹ lưỡng, ta sẽ đẩy những đứa trẻ của mình trở thành nạn nhân.

Có lần được nghỉ làm, đưa con đi chơi trung tâm thương mại đúng dịp có hội chợ sách cũ. Tôi kéo con vào một quán nước gần đó, trong khi chúng cứ nằng nặc đòi xem sách. Tôi chiều chúng bằng việc rút ra tờ 500.000 đồng để chúng thỏa thích, còn mình thì vào quán cà phê, cho đến khi con tôi khệ nệ vác một chồng sách đặt lên bàn. Những cuốn sách đã sờn gáy, có cuốn đã đóng lại. Tôi hỏi mua hết bao nhiêu tiền, con tôi xòe tay nói rằng vừa đủ. Nó không tiếc tiền để mua những cuốn sách cũ với lý do những cuốn sách ấy rất hay, đáng tin cậy và chưa chắc đã có trên mạng. Có vẻ như nó định nói kháy văn hóa đọc và tư duy chọn sách của tôi.

Khi con còn học tiểu học, năm nào cũng thế cứ đầu tháng 5 con lại đề nghị tôi đăng ký thẻ bạn đọc hè ở thư viện. Tôi từng tá hỏa khi có hôm trễ gần 30 phút mà con vẫn chưa ra xe. Tôi vào phòng đọc và thấy con bên kệ sách, bên ngoài chỉ còn thủ thư ngồi chờ. Cô thủ thư nói bị con bé thuyết phục. Nó nói đã tìm ra một cuốn sách mà nó rất thích nên tranh thủ đọc cho hết. Đó là sách mà thư viện vừa tiếp nhận luân chuyển.

Đọc sách, xem sách và cao hơn là văn hóa đọc. Những thứ đó dường như đang trở nên xa xôi trong nhịp sống hiện đại. Tôi từng đưa con tham gia mấy hội sách theo đề xuất của chúng. Đa phần người lớn đưa trẻ đến hội sách rồi túm tụm đâu đó tán chuyện. Những người khác thì lướt điện thoại, ngồi cà phê. Nhiều đứa trẻ lướt qua gian trưng bày sách như một bóng câu, rồi ra ngồi quán nước cùng người lớn.

Lại đến Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4). Năm nay những đứa con tôi đều kết thúc chu trình học tập để chuyển cấp. Tôi mừng vì những cuốn sách mà chúng tiếp cận đã giúp chúng trưởng thành hơn. Tôi bỏ ra một buổi để bê về nhà một chồng sách và đoán rằng chúng sẽ thích. Câu đầu tiên tôi nói với chúng khi trao sách là: Giờ thì cầm sách lên con nhé. Chúng cười, vì bố đã hiểu mình. Còn tôi cũng tự nhủ rằng, khi mệt mỏi mình cũng sẽ cầm sách lên. Sách hay như liệu pháp xoa dịu tinh thần.

Hạnh Nhiên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]