Cải thiện không khí, tìm lại bầu trời xanh: Việt Nam nên học gì từ quốc tế?
Nhiều năm nay, cứ vào mùa ô nhiễm (từ tháng Chín năm trước đến tháng Tư năm sau), người dân Hà Nội lại thức dậy với bầu trời xám xịt. Đó không phải sương mù, cũng chẳng phải khói bếp, mà là lớp bụi mịn đặc quánh trong không khí. Nhiều thời điểm, Hà Nội còn đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số ô nhiễm “rất không tốt cho sức khỏe.”
Nhức nhối ô nhiễm không khí tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Nhìn ra thế giới, Bắc Kinh (Trung Quốc) mất hơn 20 năm để giảm thiểu ô nhiễm không khí và họ đã đem bầu trời xanh trở lại. Tại New Delhi (Ấn Độ) hay Los Angeles (Mỹ), cũng từng đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí, tuy nhiên nhờ quyết liệt từ thể chế chính sách tới công cụ giám sát, ngăn chặn nguồn thải, môi trường không khí đã “trong” và “xanh” trở lại.
Từ thực tế ô nhiễm ở Hà Nội và kinh nghiệm từ quốc tế, rõ ràng yêu cầu cấp bách đặt ra với Việt Nam là cần phải hành động quyết liệt, với các giải pháp “sát” thực tế hơn - bởi nếu chậm, bầu trời xanh vẫn sẽ chỉ là mơ ước!
Không quyết liệt sẽ không thể thay đổi
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế năm 2024 cho thấy mức độ ô nhiễm không khí đã tăng trung bình 10% so với năm trước đó.
Khói bụi từ giao thông, công nghiệp, xây dựng cùng điều kiện thời tiết bất lợi, là nguyên nhân khiến bầu không khí tại các đô thị lớn ngày càng ngột ngạt. Trong đó, giao thông được xác định là nguồn phát thải chính, cùng với các hoạt động công nghiệp đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.
Điều đáng nói là, gần đây, dù Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhưng công tác thực thi vẫn gặp phải không ít khó khăn, thậm chí thẳng thắn mà nói thì chính sách của luật vẫn chưa vào cuộc sống!
“Chúng ta đã có luật, nhưng nếu không có hành động cụ thể và quyết liệt thì tình hình sẽ không thể thay đổi. Đặc biệt, khi các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các lãnh đạo địa phương, phải được xác định rõ ràng và hành động kịp thời,” Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại cuộc họp toàn quốc bàn về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương, ngày 27/3/2025.
Đến thời điểm những ngày đầu tháng 5/2025, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh thường trực với người dân ở Thủ đô.
Trong khi Việt Nam nói chung, các đô thị lớn nói riêng, đặc biệt là Hà Nội, vẫn loay hoay với các giải pháp mang tính tình thế, thì Bắc Kinh đã có những bước tiến dài trong kiểm soát ô nhiễm. Một loạt các biện pháp mạnh mẽ như hạn chế phương tiện cá nhân, nâng cấp hạ tầng giao thông công cộng, kiểm soát chặt chẽ công nghiệp và sử dụng năng lượng sạch,... đã giúp thành phố này cải thiện đáng kể chất lượng không khí chỉ sau một thập kỷ.
Minh chứng là kể từ khi bắt đầu chiến dịch “tuyên chiến” với bụi mịn PM2.5 vào năm 2013, các chỉ số ô nhiễm chính tại Bắc Kinh đều giảm mạnh: PM2.5 giảm 65,9%, PM10 giảm 50%, NO2 giảm 57,1%, và SO2 giảm tới 88,7%. Điều này không chỉ cho thấy thành công của “Cuộc chiến giành lại bầu trời xanh,” mà còn là niềm hy vọng cho người dân Bắc Kinh về tương lai không khói bụi.
Để chống ô nhiễm, cải thiện môi trường sống cho đất nước, Ấn Độ cũng đã triển khai một số giải pháp sáng tạo trong việc khắc phục ô nhiễm không khí như Chương trình Odd-Even (chia số chẵn - lẻ). Đây là một biện pháp đặc biệt được thực hiện tại New Delhi, yêu cầu các xe ôtô chỉ lưu thông vào những ngày có số đăng ký chẵn hoặc lẻ, tùy thuộc vào ngày trong tuần. Ngoài ra, hệ thống ứng phó GRAP cũng cho phép New Delhi đưa ra các biện pháp ứng phó cụ thể theo từng cấp độ AQI (chỉ số ô nhiễm không khí).
Tại châu Mỹ, từ năm 1970, nước Mỹ đã ban hành Luật Không khí sạch. Sau khi luật được ban hành thì lượng phát thải của sáu chất ô nhiễm phổ biến tại quốc gia này đã được giám sát và giảm trung bình 69%.
Ngoài ra, Mỹ còn có chính sách giảm khí thải từ phương tiện giao thông; tiến hành một loạt các biện pháp khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện giao thông công cộng, giảm ô nhiễm từ các nguồn nông nghiệp và đốt rừng, cùng với đẩy mạnh các hoạt động giáo dục cộng đồng.
Khói thải từ phương tiện giao thông. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Tại Singapore - họ cũng quyết liệt trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến để giảm ô nhiễm không khí. Họ áp dụng hệ thống kiểm tra khí thải xe cộ rất nghiêm ngặt, khuyến khích việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Cần dữ liệu minh bạch và công nghệ sạch
Kinh nghiệm từ các nước trên cho thấy ứng phó với ô nhiễm không khí đòi hỏi sự đầu tư, hành động quyết liệt, nhất là củng cố vững chắc nền tảng dữ liệu minh bạch - bằng chứng khoa học, để làm cơ sở giải quyết các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu.
“Dữ liệu kém chất lượng còn tệ hơn là không có dữ liệu,” bà Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, dẫn lời của một nhà khoa học và nhấn mạnh đó cũng là lý do UNDP cam kết sẽ đồng hành với Việt Nam xây dựng mạng lưới quan trắc, kiểm kê phát thải và ứng dụng AI, IoT vào dự báo ô nhiễm.
Việc đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc, kiểm kê phát thải trên tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu cải thiện hệ thống giám sát, tăng cường khả năng dự báo và cảnh báo sớm, đặc biệt trong bối cảnh dữ liệu chất lượng thấp hoặc thiếu minh bạch đang là rào cản cho hoạch định chính sách hiệu quả.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có công nghệ sạch và cách tiếp cận đa phương, đa ngành, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa cấp trung ương, địa phương, và với các ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cơ quan truyền thông và các đối tác cộng đồng chủ chốt.
Phó Giám đốc Điều hành Clean Air Asia Atty Glynda, cũng cho rằng khi thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí, các quốc gia sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề nguồn tài chính. Vì vậy, để giải quyết thách thức này, Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức và các bên liên quan nhằm phân tích chi phí một cách hiệu quả.
“Cụ thể, Chính phủ cần phải chi tiết hóa các khoản chi phí, xác định rõ nguồn lực, trang thiết bị cần thiết, cũng như các khoản chi phí bảo trì trong quá trình triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm,” bà Atty Glynda chia sẻ.
Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh,” Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho rằng cần ưu tiên việc chủ động phòng ngừa, bảo vệ môi trường không khí thay vì phải chạy theo khắc phục, xử lý môi trường khi đã bị ô nhiễm. Vì vậy, bà Hương lưu ý rằng mặc dù Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong giai đoạn tới, song cũng sẽ không đánh đổi bằng môi trường sống và sức khỏe người dân.
“Chúng ta không phát triển trên một bầu trời còn khói bụi. Chúng ta không xây dựng tương lai trên một nền chất lượng không khí còn ô nhiễm. Muốn phát triển bền vững, cần phải làm chủ việc cải thiện chất lượng không khí và chủ động bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân,” bà Hương nhấn mạnh.
Với quyết tâm cải thiện môi trường, đưa bầu trời xanh trở lại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - ông Lê Công Thành cũng kêu gọi các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tri thức và nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng hy vọng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ tích cực tham gia vào các chương trình hành động, từ việc gìn giữ môi trường sạch sẽ xung quanh; gia tăng sử dụng phương tiện công cộng, giảm phát thải cá nhân đến triển khai, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong sản xuất và xử lý khí thải, chất thải./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-05-08 06:30:00
Dự báo thời tiết 8/5: Nắng nóng gia tăng, có nơi trên 39 độ C
-
2025-05-07 11:30:00
Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở khai thác, chế biến đá
-
2025-05-07 10:48:00
Luật Bảo vệ môi trường 2020: Thay đổi quan trọng và những tác động
Hiệu quả công nghệ xử lý rác thải bằng men vi sinh ở Thạch Thành
Dự báo thời tiết 7/5: Có nơi nắng nóng trên 38 độ C
Khoáng sản Thanh Hóa: Gỡ “điểm nghẽn” từ quản lý đến cung ứng
Dự báo thời tiết 6/5: Trung bộ nóng kéo dài từ 11-16h, có nơi trên 38 độ C
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở 5 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên
Dự báo thời tiết 4/5: Nắng nóng mở rộng, có nơi trên 36 độ C
Dự báo thời tiết 3/5: Nhiều khu vực chiều tối và đêm có mưa rào rải rác
Dự báo thời tiết 2/5: Thời tiết mát mẻ dịp nghỉ lễ, tối và đêm có mưa vài nơi