Cải cách vì một môi trường đầu tư bền vững
Mặc dù nhiều chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) đã được triển khai, các chỉ số đánh giá về năng lực cạnh tranh có cải thiện, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh tại Thanh Hóa thực tế vẫn còn độ “vênh” giữa chủ trương và thực tiễn. Việc tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về tư duy, về thực tiễn phục vụ DN là cốt lõi để môi trường đầu tư thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Công nhân Nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo Sao Khuê (TP Thanh Hóa) trong ca sản xuất.
“Khởi động” mạnh mẽ
Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành hơn 120 văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Những văn bản này tập trung vào các nhiệm vụ then chốt như hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, sửa đổi và bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong quản lý Nhà nước.
Bám sát định hướng này, các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai khâu đột phá, tổ chức phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và cộng đồng DN bằng nhiều hình thức. Đồng thời, hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và phân công nhiệm vụ được ban hành đồng bộ, giúp việc triển khai được theo dõi, đôn đốc sát sao và hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tại 161 cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh. Qua kiểm tra, nhiều tồn tại, hạn chế được khắc phục kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi. Bên cạnh đó, một số mô hình cải cách sáng tạo được áp dụng như: “Ngày không hẹn - Ngày không viết”, thông báo kết quả TTHC qua mạng xã hội, SMS; mô hình “Chính quyền thân thiện”, “Giờ làm việc thứ 9”... Những sáng kiến này không chỉ rút ngắn thời gian xử lý mà còn tăng mức độ hài lòng của người dân, DN, từ đó tạo nên môi trường hành chính hiện đại, thân thiện và hiệu quả, góp phần thu hút đầu tư vào tỉnh ngày càng mạnh mẽ.
Từ những nỗ lực quyết liệt và đồng bộ, các chỉ số phản ánh chất lượng điều hành và môi trường đầu tư của Thanh Hóa đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng 17 bậc so với năm 2022, cho thấy mức độ hài lòng của DN được cải thiện rõ rệt. Chỉ số PAPI - phản ánh hiệu quả quản trị và hành chính công liên tục giữ vững vị trí thứ 13 toàn quốc trong hai năm 2023-2024, thể hiện tính ổn định và sự đồng đều trong cung ứng dịch vụ công. Đặc biệt, việc triển khai bộ chỉ số DDCI cấp cơ sở đã trở thành “thước đo tại chỗ”, góp phần thúc đẩy các sở, ngành, địa phương nâng cao năng lực điều hành, chủ động hơn trong hỗ trợ DN. Năm 2023, điểm trung bình DDCI của cả khối sở, ban, ngành và cấp huyện đều tăng so với năm trước, cho thấy sự lan tỏa của cải cách đến tận cấp thực thi. Những kết quả này không chỉ phản ánh quyết tâm cải cách của Thanh Hóa, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, hiệu quả và thân thiện hơn.
Thanh Hóa hiện đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư FDI. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có thêm 28.750 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến 255.938 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, khối DN dân doanh huy động tới 611.700 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, chiếm 60,55% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động và đóng góp tới gần 60% GRDP của tỉnh. Những con số này đã phản ánh tầm vóc, sự lớn mạnh không ngừng của khối DN dân doanh trong môi trường ngày càng được cải thiện.
Tạo nền tảng dài hạn bằng quyết tâm tháo “điểm nghẽn”
Dù đã có nhiều bước tiến và kết quả tích cực, song nhìn thẳng vào thực tế, môi trường đầu tư, kinh doanh của Thanh Hóa vẫn còn những “nút thắt” cần được tháo gỡ một cách căn cơ và dứt điểm.
Sản xuất tre luồng xuất khẩu tại Nhà máy sản xuất tre và gỗ biến tính Bamboo King Vina, huyện Lang Chánh.
Đánh giá Chỉ số CCHC (PAR index), Chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) nhiều năm qua cho thấy vẫn chưa ổn định. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tuy đã được cải thiện đáng kể, nhưng một số chỉ số thành phần của PCI năm 2023 còn xếp thứ hạng thấp so với cả nước. Một số chỉ tiêu thành phần PCI có mức tăng ở mức thấp như: Đào tạo lao động tăng từ 5,1 lên 5,58 điểm; tính minh bạch từ 5,51 lên 5,94 điểm. Cùng với đó, còn có 2 chỉ số sụt giảm là: cạnh tranh bình đẳng từ 5,31 xuống 5,0 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự giảm 7,92 xuống 7,42.
Cùng với đó, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau thanh tra công vụ, kiểm tra CCHC ở một số đơn vị chưa đầy đủ. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC vẫn còn, đặc biệt là lĩnh vực đất đai. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thích ứng với sự thay đổi của việc đẩy mạnh CCHC và chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được kết nối chặt chẽ, hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là cấp xã, dẫn đến khó khăn trong chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu của tỉnh, làm cơ sở giải quyết các TTHC nhanh, gọn và hiệu quả. Những nguyên nhân trên dẫn tới việc thu hút các dự án đầu tư trực tiếp của tỉnh chưa xứng với tiềm năng; đặc biệt, Thanh Hóa ít thu hút được các dự án thuộc lĩnh vực xã hội như: y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch, chợ...
Cùng với cải thiện chỉ số, DN thực sự mong đợi những thay đổi “chạm” đến hành lang pháp lý, đến thủ tục, đến từng khâu thực thi ở cơ sở. Ông Mai Xuân Thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: “Các sở, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh CCHC, rút gọn thủ tục cấp phép đầu tư, kinh doanh, giảm thời gian xử lý hồ sơ, minh bạch hóa các quy trình, tiêu chí, tạo thuận lợi tối đa cho DN. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ số trong dịch vụ công và cơ chế đối thoại thực chất với DN”.
Để xây dựng một môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, Thanh Hóa đang hướng tới mục tiêu đưa các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PCI, PAPI và Chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) của tỉnh trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước vào năm 2030. Tuy nhiên, bên cạnh những mục tiêu “con số đẹp”, các đơn vị đồng hành cùng DN cần quan tâm hơn đến các “trải nghiệm” cải cách thực tế như: Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, số hóa các TTHC liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử, bảo đảm mọi thủ tục đều được giải quyết nhanh gọn, minh bạch, không phát sinh chi phí “ngoài luồng”; thiết lập cơ chế đối thoại thực chất giữa chính quyền và cộng đồng DN. Việc đặt DN vào vị trí trung tâm phục vụ chính là thước đo thực chất nhất cho một môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch và bền vững.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2025-05-03 17:42:00
Lợi ích của việc lập hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng
-
2025-04-29 08:46:00
152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo
-
2025-04-28 19:56:00
Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa kết nối hội viên tháng 4
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp - từ chính sách đến thực tiễn
Doanh nghiệp xuất khẩu Thanh Hóa ứng phó với cuộc chiến thương mại
Quy trình tiến hành khảo sát thị trường nhanh chóng, hiệu quả
Công ty Minh Triệu - Đơn vị sản xuất khuôn mẫu hàng đầu tại Việt Nam
Nhà Bè Agri - Đơn vị chuyên về thiết bị tưới tiêu nông nghiệp
Đường Organic - Sản phẩm tốt cho sức khỏe và môi trường
Khắc phục khó khăn trong đầu tư các cụm công nghiệp
“Đổi mới sáng tạo” - Động lực bứt phá thương hiệu