Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ tai nạn thương tích dịp hè
Năm nào cũng vậy, cứ bước vào dịp nghỉ hè, tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em lại có chiều hướng gia tăng. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và gây ra di chứng nặng nề về sức khỏe, tinh thần đối với trẻ em.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó trưởng Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - thẩm mỹ - bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại khoa.
Theo các bác sĩ tại Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - thẩm mỹ - bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận gần 1.000 ca phải nhập viện vì TNTT. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, đã có hơn 200 trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị vì TNTT.
Mấy ngày này, chị Lê Thị Thắm, quê ở Thọ Xuân vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi trước vụ tai nạn giao thông xảy ra với đứa con trai nhỏ của chị. Theo lời chị kể, con trai chị mới 4 tuổi cùng bà đi sang đường thì không may bị một chiếc xe tải chạy qua cán vào người. Cháu nhập viện trong tình trạng toàn bộ cẳng bàn chân trái bị dập nát, các bác sĩ đã phải chỉ định phẫu thuật cắt cụt một phần cẳng bàn chân.
Trường hợp bé gái 11 tháng tuổi quê ở huyện Thọ Xuân vừa nhập viện điều trị bỏng cũng là dạng TNTT thường gặp ở trẻ nhỏ. Chị Lê Thị Hằng, mẹ cháu bé cho biết: “Bé vừa chập chững biết đi nên tò mò với mọi thứ xung quanh. Bát canh vừa đặt lên bàn ăn, bé đã với tay lên bàn, làm đổ bát canh nóng, khiến bé bị bỏng cả 2 bàn tay”.
TNTT ở trẻ em rất đa dạng và xảy ra bất ngờ, ngoài ý muốn. Tỷ lệ trẻ em bị TNTT có xu hướng tăng lên trong dịp hè. Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị TNTT, trong đó nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do TNTT là 6.600 trường hợp một năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Ngoài ra, nhiều trẻ em bị chấn thương phải điều trị tại bệnh viện và thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, tâm lý, thậm chí là khuyết tật suốt đời.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó trưởng Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - thẩm mỹ - bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: TNTT rất dễ xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên vì các em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và gây ra những di chứng trầm trọng ở trẻ cả về sức khỏe và tinh thần.
Những TNTT thường gặp ở trẻ em do một số nguyên nhân như: Ngã, bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc... Các nguyên nhân này có chiều hướng gia tăng trong những dịp nghỉ hè do đây là khoảng thời gian học sinh được nghỉ học, được tự do vui chơi, song đôi khi lại thiếu sự giám sát của gia đình.
Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn phòng, chống TNTT cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Phụ huynh cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, dặn dò, hướng dẫn trẻ những kỹ năng cơ bản nhất để tránh những tai nạn khi sinh hoạt, vui chơi hằng ngày. Cần giúp trẻ phân biệt, nhận biết những nơi có thể gây nguy hiểm, thận trọng khi chơi với những đồ vật có thể gây nguy hiểm như cây, gậy, dao, kéo, súng đồ chơi...; biết cách phòng tránh và xử lý khi bị ngã, chảy máu; biết cách tìm sự trợ giúp khi xảy ra tình huống tai nạn; phòng tránh và xử lý khi bị gãy tay, chân, bị bỏng. Đồng thời, cần giáo dục cho trẻ tinh thần đoàn kết, dặn dò, nhắc nhở trẻ không xô đẩy, đánh nhau, không mang vật dụng sắc nhọn khi vui chơi, nô đùa. Hướng dẫn trẻ nghiêm chỉnh thực hiện quy định an toàn khi tham gia giao thông; khuyến cáo trẻ không chơi thả diều, bắt chim, câu cá ở những nơi có đường điện cao thế... Đối với việc chăm sóc các trẻ nhỏ từ 0-4 tuổi, phải giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi, không để trẻ chơi một mình ở các nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn; đồng thời phải bảo đảm môi trường sống, không gian sống an toàn đối với trẻ, như: không để bàn là, đồ dùng đun nấu nơi trẻ vui chơi, bảng điện phải để cao, các ổ điện phải được che kín.
“Khi trẻ không may gặp TNTT, cần phải được sơ cứu đúng cách và đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không điều trị theo phương pháp dân gian, kinh nghiệm truyền miệng có thể làm nặng thêm tình trạng của bệnh nhân”, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hoài nhấn mạnh thêm.
Bài và ảnh: Việt Hương
{name} - {time}
-
2025-01-11 22:16:00
Liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng
-
2025-01-11 20:34:00
Hãy bảo vệ tính mạng con em mình từ nhà đến trường
-
2024-05-30 14:30:00
Để những công trình cấp nước sinh hoạt ở huyện Quan Sơn phát huy hiệu quả
“Chìa khóa” mở nút thắt cho cán bộ dám nghĩ, dám làm
Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá
Thị xã Nghi Sơn: Tăng cường tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng cho học sinh, sinh viên
Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 6
Bảo vệ trẻ ở độ tuổi dậy thì
Cần đồng thuận của cử tri và Nhân dân trong giải thể và sáp nhập đơn vị hành chính xã Hải Yến
Đảm bảo điện phục vụ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học
Điểm sáng đối ngoại vùng biên
12 đối tượng được mua nhà ở xã hội mới nhất