Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
Sở hữu một kho tàng di sản văn hóa giàu giá trị được xem là lợi thế tạo nên sự phát triển cho du lịch xứ Thanh, ngành du lịch cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di sản, đưa di sản trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá.
Những nếp nhà sàn truyền thống góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại xã Thạch Lập (Ngọc Lặc).
Được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Thọ Xuân có một hệ thống di tích lịch sử văn hóa giàu giá trị với 244 di tích, địa điểm di tích được kiểm kê. Trong đó, có 55 di tích được xếp hạng tiêu biểu với 2 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn). Đây không chỉ là những chứng tích cho các triều đại lịch sử vàng son mà còn là những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, lưu giữ nhiều hiện vật quý. Bên cạnh hệ thống di tích lịch sử văn hóa “đồ sộ”, Thọ Xuân còn là mảnh đất gắn với nhiều lễ hội lớn như: Lam Kinh, Lê Hoàn, làng Xuân Phả... Cùng với đó, huyện còn lưu giữ trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc của các dân tộc Kinh, Mường như: Trò Xuân Phả - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Pồn Pôông, cồng chiêng, nhảy sạp.
Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, huyện Thọ Xuân đã ban hành đề án trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, huyện đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp các di tích và duy trì các trò chơi, trò diễn. Chỉ tính riêng năm 2023, huyện đã có 8 di tích được trùng tu tôn tạo; 8 di tích được phê duyệt chủ trương tu bổ, tôn tạo. Các trò chơi, trò diễn như: Trò Xuân Phả, Pồn Pôông, cồng chiêng, đánh mảng được hỗ trợ kinh phí bảo tồn và phát huy giá trị. Cùng với đó, huyện Thọ Xuân đã xây dựng các sản phẩm du lịch, kết nối các điểm, tua, tuyến du lịch gắn với các di tích, di sản văn hóa nhằm tạo sức hấp dẫn du khách.
Không có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như Thọ Xuân, song Ngọc Lặc lại được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hùng vĩ, nên thơ cùng với cộng đồng người dân các dân tộc còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Những điều đó đã khiến Ngọc Lặc trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhiều du khách. Về với Thạch Lập, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên núi rừng hùng vỹ, hoang sơ của hang Gió, khe Cha, đồi Hích, đồi Trèm hay ngắm những mái nhà sàn cổ nằm bình yên dưới những tán rừng xanh biếc. Đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc Mường nơi đây, thả hồn vào những điệu xường giao duyên, cồng chiêng, Pồn Pôông hay thưởng thức những món ăn bản địa, canh đắng, cơm lam, xôi ngũ sắc, cá chua...
Chủ tịch UBND xã Thạch Lập Phạm Văn Huy cho biết: “Xã đã vận động người dân cùng chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Đến nay, toàn xã lưu giữ hơn 800 nếp nhà sàn truyền thống. Hầu hết người dân đều biết và thực hành được các loại hình văn nghệ dân gian. Nhiều hộ dân vẫn còn giữ nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát. Đồng thời, xã đã thành lập câu lạc bộ dân gian để bảo tồn các giá trị văn hóa và phục vụ các hoạt động du lịch cộng đồng; vận động người dân làm du lịch cộng đồng. Nhờ đó, xã đã và đang từng bước phát triển du lịch cộng đồng, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Trò Xuân Phả góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Nhiều địa phương khác cũng đã và đang xem công tác bảo tồn và phát huy các di sản gắn với phát triển du lịch là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Như, huyện Thiệu Hóa xác định điểm nhấn du lịch là các di tích văn hóa, tâm linh và làng nghề truyền thống. Huyện Bá Thước chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc như nghề dệt, ẩm thực, trò chơi dân gian để phát triển du lịch cộng đồng...
Để di sản văn hóa trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch như Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025; Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025... Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh cũng quan tâm triển khai công tác kiểm kê di tích, di sản văn hóa; lập danh sách, hồ sơ khoa học các di tích. Bên cạnh đó, tỉnh và ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng đã dành nguồn lực để trùng tu tôn tạo, chống xuống cấp các di tích, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Tính riêng từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 4 khu vực cổng thành của Di sản Thành Nhà Hồ được khai quật; lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo 40 di tích lịch sử - văn hóa. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được tu bổ, tôn tạo; trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản gắn với phát triển du lịch là một xu hướng tất yếu, song việc khai thác hài hòa gắn với bảo tồn di sản lại là một thách thức lớn. Do đó, các cấp, ngành, địa phương và người dân cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản và cùng chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, để di sản trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch bền vững.
Bài và ảnh: Thùy Linh
{name} - {time}
-
2024-12-13 13:10:00
Sẵn sàng đón khách dịp Tết Dương lịch
-
2024-12-13 10:09:00
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng nghề
-
2024-03-29 09:34:00
Doanh nghiệp lữ hành nỗ lực tạo sức hút với nhiều dòng khách
Khai giảng lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch theo tiêu chuẩn VTOS
Lễ hội Du lịch biển Nghi Sơn năm 2024 dự kiến khai mạc vào tối 26/4
Du khách thích thú trải nghiệm dù lượn, ngắm phong cảnh núi rừng Quan Hóa từ trên cao
Đưa du lịch tâm linh trở thành điểm đến 4 mùa
Cuộc trở mình theo thời đại
Top 6 resort Hòa Bình đẹp, giá rẻ năm 2024
Đưa các huyện Quan Sơn và Lang Chánh vào nhóm các địa phương phát triển du lịch khá của tỉnh
Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban 2024
Thanh Hóa: Phố đi bộ Vlasta – Sầm Sơn rộn ràng đón khách du Xuân