(Baothanhhoa.vn) - Hơn ba thập niên gắn bó nơi rừng sâu núi thẳm, y sĩ Lương Văn Ằng, Trưởng Trạm Y tế xã Quang Chiểu (Mường Lát) vẫn yêu nghề, yêu người như ngày nào. Tình yêu ấy như liều “thần dược” giúp ông vượt qua những nhọc nhằn để khoác trên mình chiếc áo blouse trắng ngày cũng như đêm băng rừng, vượt suối đi cứu người.

Y sĩ bản kể chuyện giành bệnh nhân với thầy cúng

Hơn ba thập niên gắn bó nơi rừng sâu núi thẳm, y sĩ Lương Văn Ằng, Trưởng Trạm Y tế xã Quang Chiểu (Mường Lát) vẫn yêu nghề, yêu người như ngày nào. Tình yêu ấy như liều “thần dược” giúp ông vượt qua những nhọc nhằn để khoác trên mình chiếc áo blouse trắng ngày cũng như đêm băng rừng, vượt suối đi cứu người.

Y sĩ bản kể chuyện giành bệnh nhân với thầy cúngNhững ngày này, Trạm Y tế xã Quang Chiểu (Mường Lát) và y sĩ Lương Văn Ằng bận rộn với các công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Ảnh: Tiến Đông

Vừa trở về trạm y tế sau đêm dài băng rừng đi đỡ đẻ cho một sản phụ ở bản Con Dao, y sĩ Ằng bắt tay luôn vào việc kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị tại trạm y tế. Người nào lành bệnh thì cho về nhà còn người chưa khỏi thì phải lưu lại để tiếp tục điều trị. Y sĩ Ằng bảo, bà con nơi đây có thói quen, một người đi khám bệnh là lại xin thuốc cho cả nhà. Vì thế, mình vừa phải khám bệnh vừa phải giải thích cho bà con hiểu thuốc không phải là củ khoai, củ sắn khi nào muốn ăn cũng được. Phải tùy người, tùy bệnh nếu không bệnh sẽ nặng hơn.

Công việc buổi sáng xong xuôi, y sĩ Ằng mới có thời gian ngồi kể chuyện xảy ra tối hôm trước. Lúc đó vào khoảng 9h, chồng sản phụ tất tả chạy đến nhà y sĩ Ằng, vừa nói vừa thở: “Bác sĩ ơi, cứu vợ mình với. Vợ mình đẻ con rồi nhưng cái rau không ra. Vợ đang nằm ở nhà, mình sợ lắm!”. Y sĩ Ằng lật đật chuẩn bị thuốc men và dụng cụ y tế theo chồng sản phụ lên đường. Do đường lên nhà sản phụ không đi được xe máy, thấy người nhà sản phụ chạy, y sĩ Ằng cũng chạy theo. Gần 11 giờ đêm, họ đến được nơi cần đến. Người nhà cho biết, sản phụ trở dạ từ 6 giờ đến 18 giờ mà “mới lấy được con ra nhưng bánh rau không ra được do người nhà cầm rốn rau kéo khiến rốn rau bị đứt”. Thấy thế, thay vì đi mời bác sĩ luôn thì gia chủ lại gọi thầy về khài (cúng), thầy mổ một con gà trống to, úp vào bụng thai phụ cúng vái mà bệnh vẫn không đỡ. Khi sản phụ bắt đầu có dấu hiệu mê man, môi tím tái, người chồng mới đi tìm bác sĩ. Cuộc “giải cứu” nhau thai bị mắc kẹt trong tử cung sản phụ kết thúc tốt đẹp sau hơn 1 giờ đồng hồ. Ông thở phào nhẹ nhõm, xách đèn pin quay về trạm y tế xã khi trời rạng sáng.

Theo y sĩ Ằng, ám ảnh lớn nhất đối với nghề y ở vùng cao là chuyện “vượt cạn” ở nhà do người đỡ là “mụ vườn”, thường là mẹ chồng hay một phụ nữ trong bản. Thói quen này khiến vùng cao này năm nào cũng có chuyện đau lòng vì sản phụ tử vong khi sinh nở. Trẻ con đứa mất, đứa còn - thì lớn lên ốm đau, quặt quẹo, bởi được đỡ đẻ quá sơ sài và không hợp vệ sinh. Để xoay chuyển ý thức người dân, y sĩ Ằng cùng các cán bộ y tế địa phương ngược xuôi khắp nơi để tuyên truyền, vận động đưa phụ nữ về trạm y tế sinh để được chăm sóc cẩn thận, trong trường hợp khẩn cấp không thể di chuyển thì phải gọi y tá, y sĩ đến nhà đỡ đẻ. Một tháng, hai tháng rồi nhiều năm trôi qua, ông cùng đồng nghiệp đỡ đẻ không biết bao nhiêu ca tại trạm y tế và tận tình chăm sóc sức khỏe cho tới khi cả mẹ và con đều khỏe mạnh mới cho về.

Quay lại những ngày cách đây hơn 30 năm, Quang Chiểu khi ấy vẫn không có đường đi cho xe máy, để vào được các bản chỉ có cách cuốc bộ băng qua những đèo dốc uốn lượn dưới những trảng rừng thâm u, hoang vắng đến rợn người. Cái đói, cái nghèo cứ vây ráp nơi này. Vài ba ngày lại thấy có người bị “thần chết” kéo đi vì dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả... Đã vậy, bà con ở đây còn bị trói buộc bởi bao hủ tục đè nặng, ăn sâu vào tiềm thức khiến cuộc sống luôn chìm mãi trong tối tăm, không lối thoát. Ngày đó, với đồng bào dân tộc thiểu số, việc đến trạm xá và dùng các phương tiện khám, chữa bệnh, thuốc men để điều trị là trái tập tục của bà con. Lâu nay bà con chỉ tìm thầy mo, thầy cúng làm phép, thổi, đuổi bệnh khi ốm đau, bởi theo quan niệm của họ bệnh tật là do giàng bắt, ma bắt... nên không được uống thuốc, không được đưa kim tiêm để tiêm thứ thuốc xa lạ có màu trắng nhờn nhợn của người Kinh vào người, cứ cúng thì vết thương sẽ lành, tiêu chảy sẽ hết...

Có anh người Dao ở bản Sim đi rừng, ngã suối bị cây đâm, đá chọc rách nhiều chỗ trên người. Nằm vật trên lán nhà tạm, quằn quại trong đau đớn, người nhà gọi thầy về cúng mấy ngày đêm. Mãi khi thấy bệnh nhân sốt cao, mê sảng, người vợ mới trốn xuống trạm y tế cầu cứu. Chẩn đoán ngay bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng ở vết thương, có dấu hiệu hoại tử, y sĩ Ằng lập tức mang dụng cụ vào rừng tiến hành sơ cứu, cắt mở vết thương, dùng dung dịch tẩy rửa sau đó cắt bỏ hoại tử và đưa bệnh nhân về trạm y tế theo dõi tiếp. “Đến nhà, bố bệnh nhân nhất định không cho mình động dao, mình giải thích một câu thì thầy cúng bên cạnh chêm vào một câu. Ông ta bảo bệnh nhân làm sai nên bị giàng trừng phạt, muốn khỏi bệnh phải xin lỗi giàng để giàng nguôi giận và vu cho mình có ý xấu nên mới một hai đòi “xẻo thịt” bệnh nhân. Người nhà không hiểu chuyện sấn sổ đuổi mình về, mình bực nhưng nhìn bệnh nhân đang một mình chiến đấu với tử thần bản thân không can tâm. Mình đi tìm già làng đến giúp đỡ, bởi hơn ai hết những người này tiếng nói luôn có trọng lượng với dân bản. Mình lấy danh dự của bản thân và gia đình ra đảm bảo, sau một hồi giải thích cuối cùng mình cũng được chữa bệnh cho bệnh nhân”.

Một thời gian ngắn điều trị tại trạm y tế, bệnh nhân hồi phục và khỏi bệnh hoàn toàn. Người nọ truyền tai người kia, bà con tin tưởng rủ nhau đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh. Một người, hai người, rồi rất nhiều người khác được các nhân viên y tế tư vấn, chữa bệnh..., người dân càng tin vào khoa học, vào y khoa, vào thứ thuốc “xa lạ” của tây y để rồi tự bước qua những hủ tục, tập quán lạc hậu.

Với những nỗ lực không mệt mỏi ấy, đến nay, tỷ lệ tiêm chủng hằng năm cho trẻ em dưới 5 tuổi tại xã đạt trên 98%, phụ nữ mang thai tiêm uốn ván, uống viên sắt đạt gần 100%, bà mẹ sinh con tại trạm và sinh tại nhà do cán bộ y tế đỡ đẻ cũng đạt trên 90%. Để đạt được những “quả ngọt” ấy, trưởng trạm y tế Lương Văn Ằng đã tiên phong lặn lội các bản sâu tuyên truyền và vận động các y tá, y sĩ trong trạm cùng làm theo. Ông sáng tạo lồng ghép truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân trong các buổi khám, chữa bệnh đồng thời quán triệt tất cả y tá, y sĩ thực hiện tốt 12 điều y đức, Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Bản thân y sĩ Ằng cũng nhận được nhiều giải thưởng của ngành nhưng với ông, phần thưởng quý giá nhất là tình cảm của những bệnh nhân, người dân. Trong xã, ai đó đau ốm, hoạn nạn hoặc nhà nào có chuyện như cưới hỏi, đám tang, họ đều nghĩ đến ông, xem ông như một phần của gia đình mà sẻ chia, tôn trọng.

Còn 6 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, nhưng có lẽ hành trình cứu người của y sĩ Ằng sẽ không dừng lại. Ông bảo “Mình cũng là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở Quang Chiểu, mình chứng kiến hết cái đói nghèo, lạc hậu nơi đây. Cực khổ nhiều, mất mát cũng lắm, nếu mình cố gắng hơn tí nữa thì những người mình yêu thương sẽ bớt đau, bớt phần thiệt thòi”.

Ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, nhìn nhận trưởng trạm y tế Lương Văn Ằng là người có tâm, dày dặn kinh nghiệm. “Bất cứ lúc nào người dân cần, anh Ằng đều có mặt, bất kể ngày đêm, khoảng cách. Ở đây, ai cũng quý anh ấy”, ông Hiệp nói.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]