(Baothanhhoa.vn) - Để triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19-12-2017, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở trong cả nước, theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ). Tuy nhiên, triển khai tại Thanh Hóa - cái khó đang bó mô hình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình: Cái khó bó mô hình

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19-12-2017, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở trong cả nước, theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ). Tuy nhiên, triển khai tại Thanh Hóa - cái khó đang bó mô hình.

Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình: Cái khó bó mô hình

Tư vấn sức khỏe cho người dân ở Trạm Y tế xã Quảng Tân (Quảng Xương).

Thực trạng hệ thống y tế cơ sở

Đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân trên địa bàn, nhưng hệ thống các trạm y tế xã hiện nay đều gặp phải khó khăn là thiếu thốn cơ sở vật chất và nhân lực. Đây là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh, niềm tin của người dân và lộ trình thực hiện phòng khám bác sĩ gia đình của các trạm y tế xã.

Hiện nay, theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, y tế là một trong 19 tiêu chí quan trọng để các địa phương cán đích nông thôn mới. Chính vì vậy, đa số các trạm y tế xã hiện đều được các địa phương quan tâm, xây dựng tương đối khang trang, rộng rãi. Tuy nhiên, mặc dù cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây mới nhưng các trang thiết bị nhiều trạm y tế xã vẫn còn thiếu thốn. Tại một số trạm, do thiếu các thiết bị thiết yếu nên chưa đáp ứng được việc khám, chữa bệnh thông thường của người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Tân (Quảng Xương) cho biết: Dù cơ sở hạ tầng của trạm được đầu tư xây dựng khang trang nhưng trang thiết bị còn thiếu thốn rất nhiều. Những thiết bị cần thiết phải có như máy siêu âm, máy xét nghiệm đường huyết... vẫn chưa được trang bị. Thêm vào đó cơ số thuốc theo Thông tư 39 chưa đáp ứng đầy đủ. Đây là hạn chế lớn khiến cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân chưa đáp ứng được yêu cầu.

Không chỉ cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, tình trạng thiếu nhân lực cũng đang xảy ra ở nhiều trạm. Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi trạm y tế xã phải có một bác sĩ làm việc thường xuyên tại trạm hoặc làm việc định kỳ tại trạm từ 3 ngày/tuần trở lên nhưng nhiều trạm y tế xã hiện nay vẫn chưa có bác sĩ. Điều này khiến chất lượng chuyên môn chưa đáp ứng được đòi hỏi của công việc. Ngoài ra, do danh mục thuốc ở các trạm y tế xã hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, nhất là các bệnh mãn tính nên người dân cũng không hào hứng khi đến khám, chữa bệnh tại đây.

Một người dân ở huyện Như Thanh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho biết bà đang mắc bệnh tai biến nhẹ. Tuy nhiên, mỗi lần đến khám ở trạm y tế xã bà chỉ được cấp một ít thuốc hoạt huyết dưỡng não, nên bà thường đến bệnh viện đa khoa huyện để khám và lấy thuốc. Bên cạnh đó, cũng chính vì chính sách thông tuyến nên hầu hết người dân dù bệnh nặng hay nhẹ đều lựa chọn các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, nơi có chất lượng và cơ sở vật chất đầy đủ hơn để khám, chữa bệnh.

Tăng cường vai trò “người gác cổng”

Để tăng cường vai trò của y tế cơ sở vốn được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, đồng thời là tuyến đầu - “người gác cổng” của hệ thống y tế, nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm trạm y tế theo nguyên lý YHGĐ với nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng, các trạm y tế sẽ giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.

Các trạm y tế triển khai nhiều công việc để chăm sóc sức khỏe người dân, trong đó có dịch vụ dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm, được BHYT thanh toán; ưu tiên cho quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã theo nguyên lý YHGĐ. Với nhiều biến chuyển khả quan, các trạm y tế xã/phường bước đầu đã thu hút được người bệnh đến khám và điều trị.

Tuy nhiên, khi triển khai mô hình vẫn còn nhiều khó khăn bất cập, tình trạng thiếu bác sĩ, y sĩ y học cổ truyền hoặc dược sĩ tại các trạm y tế vẫn chưa được khắc phục, các danh mục kỹ thuật thực hiện trung bình được thực hiện trong gói dịch vụ y tế cơ bản còn chưa cao. Mới đây, tại hội nghị trực tuyến “Nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý YHGĐ, tăng cường năng lực y tế cơ sở”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, ngành y tế phải quyết liệt nhân rộng nhanh mô hình trạm y tế xã theo nguyên lý YHGĐ. Nhiệm vụ chuyên môn mới của các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ là quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính với các bệnh tiểu đường, huyết áp, hen phế quản... Sở Y tế sớm phê duyệt danh sách danh mục kỹ thuật, thuốc tại trạm y tế xã, làm việc với BHXH tỉnh để thanh toán. Đặc biệt, sẽ tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở. Theo mục tiêu của Bộ Y tế, năm 2019, mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% số trạm y tế xã, phường, thị trấn theo nguyên lý YHGĐ. Giai đoạn 2019-2020 triển khai ít nhất 30% số trạm y tế. 10 năm tới sẽ hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp toàn quốc.

Tại Thanh Hóa, năm 2018, Sở Y tế phối hợp với Trường Đại học Y Dược Thái Bình đào tạo 127 bác sĩ tại 9 huyện, thành phố (Lang Chánh, Triệu Sơn, Yên Định, Quảng Xương, Nông Cống, Thường Xuân, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn) về chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý YHGĐ (thời gian đào tạo 3 tháng); năm 2019, Sở Y tế phối hợp với Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đào tạo 78 bác sĩ tại 5 huyện, thành phố (Nông Cống, Thường Xuân, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn) về bác sĩ định hướng YHGĐ (thời gian đào tạo 6 tháng)... Tuy nhiên, là địa bàn rộng, Thanh Hóa lại không nằm trong 8 tỉnh thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình của Bộ Y tế. Trong khi nguồn nhân lực triển khai cần phải có bác sĩ đa khoa được đào tạo tối thiểu 3 tháng về YHGĐ. Trạm Y tế phải bảo đảm đủ nhân lực theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27-10-2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chức năng nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhưng thực tế một số trạm y tế xã chưa có bác sĩ nên khó triển khai.

Theo các chuyên gia y tế, mô hình trạm y tế theo nguyên lý YHGĐ là cần thiết, vì có đến 70-80% dân số sống ở nông thôn. Trạm y tế sẽ là nơi gần nhất, tốt nhất để người dân tiếp cận. Mô hình nguyên lý YHGĐ được tích hợp triển khai tại trạm y tế xã, phường được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Làm sao để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, từ đó thu hút người dân đến thăm khám, để y tế cơ sở đúng với vai trò “người gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, là bài toán được đặt ra.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]