(Baothanhhoa.vn) - Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2017, với những giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, tất cả người dân đều có quyền được hưởng và được bảo đảm có thể tiếp cận được 76 dịch vụ y tế cơ bản và 241 danh mục thuốc kèm theo ngay tại tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Thông tư số 39/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 18-10-2017 quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến cơ sở chưa được như kỳ vọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản: Chưa như kỳ vọng

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2017, với những giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, tất cả người dân đều có quyền được hưởng và được bảo đảm có thể tiếp cận được 76 dịch vụ y tế cơ bản và 241 danh mục thuốc kèm theo ngay tại tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Thông tư số 39/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 18-10-2017 quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến cơ sở chưa được như kỳ vọng.

Thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản: Chưa như kỳ vọng

Thăm khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Quảng Tân (Quảng Xương).

Người dân chưa mặn mà với y tế cơ sở

Với vai trò như người “gác cổng”, là tuyến gần dân nhất, bởi vậy, hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của mỗi trạm y tế. Tuy nhiên, trên thực tế, mạng lưới trạm y tế các xã, phường, thị trấn chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa tạo được lòng tin đối với người bệnh. Dù khám tại trạm y tế xã có nhiều thuận lợi như gần nhà, không phải chờ đợi lâu, nhân viên y tế phục vụ tận tình nhưng nhiều người dân vẫn không mặn mà lựa chọn.

Chia sẻ điều này, bác sĩ Nguyễn Thị Tình, Trạm trưởng Trạm y tế xã Định Bình (Yên Định) tâm sự: Trạm có 5 cán bộ, y bác sĩ. Ngoài công tác khám bệnh dự phòng cho trẻ em, phụ nữ có thai, trước khi thực hiện thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT), trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận KCB, cấp thuốc cho 40 - 50 lượt người, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Nhưng đến nay, số lượt bệnh nhân đến KCB BHYT tại trạm y tế xã giảm đáng kể. Khảo sát trong một buổi sáng tại trạm, lượng bệnh nhân khá “khiêm tốn”, chỉ có 1 bệnh nhân đến rửa vết thương và 4 bệnh nhân đến khám bệnh lấy thuốc BHYT.

Tại Trạm Y tế xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), được trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, thế nhưng, đến gần 11 giờ sáng, cũng chỉ có lác đác vài ba người đến KCB. Y sĩ đa khoa Nguyễn Văn Bằng, trạm trưởng trạm y tế cho biết: Những năm qua, trạm được ngành y tế quan tâm đầu tư cơ bản các trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác KCB, nhưng do không có bác sĩ nên mỗi ngày cũng chỉ tiếp nhận được 8-10 bệnh nhân đến khám bệnh, chủ yếu là các bệnh thông thường, hầu như không có bệnh nhân lưu trú. Do trạm cách bệnh viện huyện không xa, lại thuận tiện di chuyển tới các bệnh viện tuyến tỉnh, tâm lý người dân vẫn muốn lên tuyến trên với suy nghĩ để được KCB tốt hơn. Đặc biệt, từ khi thực hiện chính sách thông tuyến BHYT, số lượng bệnh nhân tới KCB ở đây càng giảm mạnh. Đơn cử năm 2018, trạm y tế chỉ khám cho hơn 3.000 lượt bệnh nhân, 7 tháng năm 2019 khám hơn 1.400 lượt và tư vấn điều trị là hơn 700 lượt.

Thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản: Chưa như kỳ vọng

Cán bộ Trạm Y tế xã Xuân Phú (Quan Hóa) tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

Qua trao đổi với nhiều bệnh nhân đi KCB tại một số bệnh viện tuyến huyện và tỉnh, chúng tôi được biết, không ít người chỉ mắc các bệnh đơn giản có thể chữa được tại trạm y tế như ho, cảm cúm, đau đầu, đầy bụng... nhưng họ vẫn khám vượt tuyến. Chị Lê Thị Hoa (xã Nga Điền, Nga Sơn) cho biết: Con tôi bị ho và sốt nhẹ, nhưng tôi vẫn muốn đưa cháu lên bệnh viện huyện khám cho yên tâm. Phải đi xa, mất thời gian hơn, nhưng ở đó có đội ngũ bác sĩ giỏi, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ hơn nhiều so với trạm y tế xã. Trước đây, tôi cũng có mấy lần đưa con tới trạm y tế xã để khám một số bệnh đơn giản, nhưng bác sĩ khám và kê đơn không mấy hiệu quả, cuối cùng vẫn phải đưa cháu lên bệnh viện huyện.

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hiện nay. Hầu hết các trạm y tế xã, phường mới chỉ làm được công tác y tế dự phòng; mới chỉ có số ít trạm y tế triển khai quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc định kỳ với các bệnh mạn tính không lây.

Đâu là nguyên nhân

Hiện nay, chất lượng KCB tại y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân; tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc tại nhiều trạm y tế xã còn bất cập là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người dân chưa mặn mà với y tế cơ sở. Từ ngày 1-12-2017, Thông tư số 39/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến cơ sở có hiệu lực thi hành. Theo đó, tất cả người dân đều có quyền được hưởng và được bảo đảm có thể tiếp cận được 76 dịch vụ y tế cơ bản và 241 danh mục thuốc kèm theo ngay tại tuyến y tế cơ sở. Đây được kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn ngay tại tuyến y tế cơ sở, giảm chi phí của người dân... Thế nhưng đến thời điểm này, nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được với gói y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả.

Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo ngành y tế, được biết: Nguyên nhân là do nhiều trạm y tế thiếu trang thiết bị, kể cả các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch... Có trạm trang bị máy siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng rất ít khi sử dụng. Hầu hết trạm y tế thiếu thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị bệnh mãn tính, thông thường. Trong khi đó, hạn mức chi của quỹ BHYT cho tuyến cơ sở còn thấp; nhân lực, trình độ của nhân viên trạm y tế còn hạn chế; danh mục thuốc, kỹ thuật ít... Quản lý bệnh mạn tính tại cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn do năng lực chuyên môn của nhân viên y tế chưa tạo được sự tin tưởng của người dân. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí được trích theo quy định hiện hành khó đáp ứng được việc quản lý các bệnh mạn tính tại cơ sở. Mặc dù tỷ lệ đăng ký KCB BHYT ban đầu ở các trạm y tế khá cao nhưng quyền lợi còn hạn chế. Chi phí trung bình cho một đơn thuốc thấp, với tỷ lệ đáp ứng thuốc chỉ đạt dưới 40% theo Thông tư 39 của Bộ Y tế về cung cấp gói dịch vụ y tế tại trạm y tế xã. Tại các trạm y tế có một số loại thuốc bị thiếu, nguyên do những thuốc theo Thông tư 39 không nằm trong danh mục thuốc trúng thầu hoặc do các cán bộ lên kế hoạch dự trù thuốc không nắm được các loại thuốc mới. Việc quản lý bệnh không lây nhiễm đã được thực hiện, bắt đầu bằng quản lý bệnh cao huyết áp, nhưng số lượng bệnh nhân nhận thuốc cao huyết áp, đái tháo đường định kỳ còn thấp. Ngoài ra, tại các trạm y tế còn vướng về chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, khiến cho một số trạm chưa phát huy được hết khả năng của mình... Và như thế mục tiêu bảo đảm người dân được chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế gần nhất, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian của người bệnh vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

Nhanh chóng khắc phục những bất cập để triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản

Thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản: Chưa như kỳ vọng

Những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hệ thống y tế, nhất là y tế xã, từ đó đã nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều trạm y tế xã đang xuống cấp nghiêm trọng cần sửa chữa, xây mới và đầu tư về trang thiết bị.

Bên cạnh đó nguồn nhân lực tại trạm y tế đang là vấn đề đáng báo động, gây khó khăn rất lớn cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh. Từ năm 2015, khi Thông tư số 33 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn có hiệu lực đã bãi bỏ các quy định trước đó thì tỉnh chưa giao mức biên chế cho hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn, vì thế hiện nay tuyến y tế cơ sở ở Thanh Hóa đang thiếu hụt cán bộ tại các trạm y tế. Trong 4 năm qua, trạm y tế không tuyển dụng mới cán bộ, nhiều trạm y tế chỉ có 3 hoặc 4 cán bộ đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; vẫn còn nhiều trạm y tế nhân viên chưa được đào tạo đủ chứng chỉ hành nghề để đáp ứng theo Thông tư 39. Tỉnh cũng đã rà soát số nhân viên y tế đang làm việc tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và xây dựng đề án vị trí việc làm đối với y tế tuyến xã để xác định đủ số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức và xây dựng kế hoạch chuyển số nhân viên y tế tại các trạm y tế thành viên chức. Qua rà soát, toàn tỉnh có 3.289 nhân viên y tế xã chưa được hưởng chế độ, chính sách như viên chức theo Nghị định 117/2014/NĐ-CP quy định về y tế xã, phường, thị trấn của Chính phủ.

Là tuyến cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, không thể phủ nhận được vai trò, vị trí của các trạm y tế trong giai đoạn hiện nay. Do đó, ngành y tế đang tích cực triển khai khắc phục những bất cập trong hoạt động của các trạm y tế hiện nay; đồng thời tiếp tục chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg để bảo đảm các trạm y tế đủ năng lực cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản cho người có thẻ BHYT. Các bệnh viện tuyến huyện hướng dẫn và chủ động chuyển người bệnh về trạm y tế để quản lý, điều trị các bệnh mạn tính, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT. Tiếp tục tư vấn cho người bệnh những bệnh thường gặp và các bệnh mãn tính không lây về theo dõi điều trị tại trạm y tế; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh tạo thuận lợi trong thanh toán các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế.

Thầy Thuốc Nhân Dân, Tiến Sĩ Trịnh Hữu Hùng

Tỉnh Ủy Viên, Giám Đốc Sở Y Tế

Còn nhiều khó khăn khi triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản

Thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản: Chưa như kỳ vọng

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ sở vật chất của Trạm Y tế xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) đã được đầu tư xây dựng khang trang với 19 phòng chức năng và các công trình phụ trợ, được trang cấp các thiết bị y tế cơ bản phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh (KCB). Ngoài việc nâng cao kỹ thuật, chất lượng phục vụ người bệnh, trạm luôn thực hiện tốt và xử trí ban đầu đúng các trường hợp đến khám tại trạm, không để tai biến và sai sót chuyên môn, chuyển tuyến kịp thời những ca ngoài khả năng của trạm... Không chỉ làm tốt công tác KCB cho người dân trên địa bàn, trạm luôn bám sát chỉ tiêu trên giao để thực hiện tốt các Chương trình Mục tiêu y tế quốc gia. Đến nay, trạm y tế đang quản lý, theo dõi điều trị 73 bệnh nhân tiểu đường, 211 bệnh nhân huyết áp, 15 bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 16 bệnh nhân ung thư đã điều trị ổn định. Tuy nhiên hiện nay mức trần thuốc BHYT tuyến xã còn hạn hẹp, quy định về mức chi trả BHYT cho bệnh nhân ngoại trú ở trạm y tế xã quá thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng KCB BHYT tại trạm y tế, nhiều người bệnh đến trạm y tế phải tư vấn cho bệnh nhân mua thuốc ngoài để điều trị hoặc tư vấn bệnh nhân chuyển lên tuyến trên để khám và lấy thuốc điều trị..., vì thế đã ảnh hưởng đến việc triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản, không khuyến khích được người dân có thẻ BHYT KCB tại tuyến cơ sở.

Bác Sĩ Nguyễn Tất Trung

Trạm Trưởng Trạm Y Tế Hoằng Châu (Hoằng Hóa)

Năm 2020, sẽ triển khai để bảo đảm lợi ích của người có thẻ BHYT

Thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản: Chưa như kỳ vọng

Gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” và “Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe” do ngân sách Nhà nước chi trả. Theo đó, gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả gồm các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh và danh mục thuốc sử dụng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương, phòng khám bác sĩ gia đình độc lập, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y (gọi chung là tuyến xã). Còn gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe gồm các dịch vụ áp dụng tại trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là trung tâm y tế huyện) và các trạm y tế xã, phường, thị trấn để chăm sóc sức khỏe ban đầu… Nếu được triển khai sẽ mang lại lợi ích cho người dân, thế nhưng trên địa bàn huyện Thường Xuân vẫn đang loay hoay tìm hướng triển khai.

Đi cùng triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản là các điều kiện liên quan để thực hiện như chứng chỉ hành nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men. Ngành y tế cũng đã tham mưu cho huyện quan tâm đầu tư cho trạm y tế. Đối với việc xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, huyện hỗ trợ cho các xã từ 350 đến 500 triệu đồng/xã để xây dựng cơ sở vật chất cùng với nguồn xã hội hóa của các xã, ngành y tế tập trung chỉ đạo hoạt động chuyên môn tại các trạm y tế theo nội dung trong Bộ tiêu chí... Vì thế, đến nay, trên địa bàn huyện đã thẩm định được 6 xã, nâng số đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020 lên 14/17 xã. Việc xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đã tạo điều kiện tăng cường cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế tuyến cơ sở, 17/17 xã, thị trấn có bác sĩ, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm tải cho cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên và giảm bớt chi phí cho người bệnh. Hiện nay, 10 trạm y tế đã có các chứng chỉ hành nghề để triển khai thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản, 4 bác sĩ đang đi đào tạo chứng chỉ hành nghề…, phấn đấu đến năm 2020 sẽ triển khai đồng loạt gói dịch vụ để bảo đảm lợi ích của người có thẻ BHYT.

Bác sĩ Cầm Bá Thắng

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thường Xuân

Bài và ảnh: Tô Hà


Bài Và Ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]