(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cùng với mục tiêu đạt được 13 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2025, đưa dịch vụ y tế trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng. Với mục tiêu này, ngành y tế cần có khoảng gần 5.000 bác sĩ (như vậy cả tỉnh còn thiếu khoảng 850 bác sĩ). Tuy nhiên, hiện nay “khoảng trống” về bác sĩ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đang là bài toán khó nếu không có giải pháp hữu hiệu.

Thu hút bác sĩ trình độ cao làm việc tại đơn vị y tế công lập: Còn nhiều cái khó

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cùng với mục tiêu đạt được 13 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2025, đưa dịch vụ y tế trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng. Với mục tiêu này, ngành y tế cần có khoảng gần 5.000 bác sĩ (như vậy cả tỉnh còn thiếu khoảng 850 bác sĩ). Tuy nhiên, hiện nay “khoảng trống” về bác sĩ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đang là bài toán khó nếu không có giải pháp hữu hiệu.

Thu hút bác sĩ trình độ cao làm việc tại đơn vị y tế công lập: Còn nhiều cái khóChăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa.

Khi bác sĩ rời y tế công...

Tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình, bác sĩ Trịnh Văn Huấn về Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát công tác, cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe đồng bào miền núi. Ròng rã gần 10 năm qua, tổng thu nhập của bác sĩ Huấn cũng chỉ xấp xỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, cộng cả lương tháng của vợ, chi phí sinh hoạt của gia đình thiếu trước, hụt sau. Với áp lực về thu nhập trong khi có trong tay tuổi trẻ và chuyên môn khá, bác sĩ Huấn đã quyết định nghỉ việc để tìm cơ hội phát triển mới.

Bác sĩ Huấn chia sẻ, dù vẫn mong muốn được chuyên tâm về chuyên môn, thế nhưng ở môi trường làm việc với cơ sở vật chất thiếu thốn, không phát huy được năng lực chuyên môn và một số lý do khác nên tôi quyết định rời môi trường y tế công lập.

Năm 2021, bác sĩ CKI L.Th.V., Phó trưởng Khoa Sản của một bệnh viện công ở miền núi đã xin nghỉ việc để về công tác tại một bệnh viện tư tại TP Thanh Hóa. Sau nhiều năm gắn bó với bệnh viện công, dù đắn đo, suy nghĩ rất nhiều khi quyết định rời bỏ vị trí mà phải mất nhiều năm phấn đấu, nhưng vì sự thay đổi cuộc sống gia đình, tôi buộc phải lựa chọn. Nhiều nguyên nhân đã được vị bác sĩ này đưa ra nhưng tựu chung vẫn là câu chuyện thay đổi môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ. Môi trường làm việc ở bệnh viện công không phải không có, thậm chí có rất nhiều việc, khi ở đây tôi đã cống hiến rất nhiều cho đồng bào miền núi. Nhưng với mức thu nhập ở cơ sở y tế tư nhân cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn nên đành gác lại công việc đã gắn bó nhiều năm để tìm cơ hội mới.

Với áp lực công việc cao, thu nhập thấp khiến nhiều bác sĩ bỏ việc, tìm đến các cơ sở y tế tư nhân. Một lãnh đạo bệnh viện dẫn 2 yếu tố có thể giữ chân y, bác sĩ là môi trường làm việc phải bảo đảm và chế độ đãi ngộ, nhưng bệnh viện công đang thiếu cả hai. Còn bệnh viện tư có thể đáp ứng tất cả. Rõ ràng, theo quy luật tự nhiên, bệnh viện tư dễ dàng thu hút nguồn cán bộ chất lượng từ khối bệnh viện công. Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong y tế công lập. “Khoảng trống” này không dễ gì lấp đầy được trong thời gian ngắn nếu không có chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn.

Theo thống kê của Sở Y tế, từ năm 2020 đến nay toàn ngành y tế đã có 206 nhân viên y tế nghỉ việc (trong đó có 96 bác sĩ), sau đó vào làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân và các ngành nghề khác. Sự dịch chuyển này không chỉ đặt ra yêu cầu về các giải pháp nội tại của các cơ sở y tế công lập mà còn đòi hỏi sự đồng hành về các chủ trương, chính sách nhằm nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống y tế công lập - đóng vai trò trụ cột trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Chính sách chưa sát thực tiễn, khó đi vào cuộc sống

Ngày 12-7-2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 69/2017/NQ-HĐND về việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2020. Theo nghị quyết, đối tượng thu hút là những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao; tốt nghiệp đại học y khoa hệ chính quy (6 năm). Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ này, như: hỗ trợ 1 lần mức từ 60 - 700 triệu đồng tùy theo trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, học hàm/học vị, loại hình cơ sở y tế và các tuyến. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ tiền thuê nhà ở trong 2 năm đầu bằng 1 tháng lương cơ sở/người/tháng. Ngoài ra còn có các hỗ trợ khác, bao gồm: Được ưu tiên tuyển dụng ngay bằng hình thức xét tuyển và được bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường và chuyên ngành được đào tạo. Sau 2 năm công tác kể từ ngày được tuyển dụng, tiếp nhận, nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện đi học sau đại học thì được ưu tiên xem xét cử đi học và được hưởng các chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học theo quy định hiện hành của pháp luật và của tỉnh. Được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện môi trường làm việc thuận lợi để phát huy năng lực và sở trường công tác; được đưa vào quy hoạch và ưu tiên bổ nhiệm vào các chức vụ phù hợp khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn... Nhu cầu bác sĩ cần thu hút trong 4 năm dự kiến khoảng 500 người. Dự kiến tổng nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách khoảng 53,5 tỷ đồng. Với những chính sách “mời gọi” khá hấp dẫn, thế nhưng sau 4 năm nghị quyết ban hành và đã hết hiệu lực, vẫn chưa tuyển dụng được bác sĩ nào.

Ngày 10-12-2021, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 187/2021/NQ-HĐND về chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025, thế nhưng sau một năm vẫn trong tình trạng tương tự.

Trao đổi với lãnh đạo một số bệnh viện, được biết nguyên nhân là do chính sách không sát thực tiễn nên khó đi vào cuộc sống. Cụ thể, đối tượng thu hút chưa phù hợp, tiêu chuẩn thu hút cao là một trong những yếu tố dẫn đến khó khăn trong việc thu hút bác sĩ. Bên cạnh đó, tổng thu nhập của các bác sĩ tại các đơn vị y tế công lập thấp hơn đáng kể so với bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế ngoài công lập, chưa bảo đảm được mức độ đáp ứng các nhu cầu vật chất tương xứng của bản thân và gia đình..., dẫn đến “làn sóng” chuyển dịch bác sĩ từ bệnh viện công sang cơ sở y tế tư nhân vẫn tiếp diễn.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa cho biết, những khoảng trống về bác sĩ ở bệnh viện công ngày càng lớn, giữ chân họ để tiếp tục cống hiến là điều không dễ. Hiện Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa đang thiếu 8 bác sĩ, nhưng bài toán đặt ra với bệnh viện là tuyển dụng thì không có kinh phí để trả lương. Là đơn vị tự chủ kinh phí 80%, có 140 giường, với hơn 20.000 lượt khám bệnh, hơn 4.000 lượt điều trị nội trú/năm; mức thu nhập hiện nay của bác sĩ trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng, thì câu chuyện thu hút bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa mới chỉ trên lý thuyết. Gần đây nhất là năm 2017, bệnh viện có tuyển dụng được 2 bác sĩ, nhưng sau 3 năm cống hiến theo quy định, 1 bác sĩ đã chuyển công tác xuống bệnh viện tuyến tỉnh.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa, từ năm 2018 đến 2021 có 5 bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm xin thôi việc, chuyển công tác, hiện bệnh viện có 55 bác sĩ/tổng số 229 lao động. Bác sĩ CKII Nguyễn Lê Lâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa chia sẻ: Thời gian qua, bệnh viện đã chú trọng đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao y đức, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ; trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 350 bệnh nhân đến khám và điều trị. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, nên bệnh viện khó tuyển được nguồn nhân lực chất lượng cao. Thêm vào đó, thu nhập của các bác sĩ nhiều năm không thay đổi nên dù có yêu nghề, yêu bệnh viện đến mấy thì họ cũng đành ra đi vì cơm, áo, gạo, tiền...

Cần thêm những “thỏi nam châm” để giữ chân bác sĩ

Hệ thống y tế công lập đóng vai trò trụ cột trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là ở tuyến cơ sở, các vùng sâu, vùng xa - nơi những người dân chưa có điều kiện tiếp cận các phòng khám và bệnh viện tư. Do đó, cùng với sự thay đổi cần thiết của các đơn vị trước yêu cầu mới thì các cấp có thẩm quyền cũng cần có những chính sách, chiến lược dài hơi, đồng bộ để đồng hành, hỗ trợ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thu hút bệnh nhân và giữ chân bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đồng bộ tại các cơ sở y tế, tạo môi trường làm việc, học tập, phát triển tốt, để công chức, viên chức trong ngành y tế yên tâm làm việc, cống hiến và gắn bó.

Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII ngày 11-12-2022, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025 (bãi bỏ Nghị quyết 187/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND tỉnh về chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025). Theo đó, đối tượng thu hút là bác sĩ được phong học hàm: giáo sư, phó giáo sư; bác sĩ có học vị tiến sĩ; bác sĩ CKI, II; bác sĩ nội trú; thạc sĩ y khoa; bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc tại các trường: Đại học Y Hà Nội; Học viện Quân Y; Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh; Đại học Y dược Thái Bình; Đại học Y dược Thái Nguyên; Đại học Y dược Hải Phòng; Đại học Y dược Huế. Mức hỗ trợ một lần, đối với bác sĩ có học hàm giáo sư: 1.300 triệu đồng; bác sĩ có học hàm phó giáo sư: 800 triệu đồng; bác sĩ có học vị tiến sĩ, bác sĩ CKII: 400 triệu đồng; bác sĩ nội trú: 300 triệu đồng; thạc sĩ y khoa, bác sĩ CKI: 200 triệu đồng; bác sĩ tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi: 180 triệu đồng. Hỗ trợ hàng tháng mức hỗ trợ bằng 1 tháng lương cơ sở/người/tháng. Thời gian hỗ trợ là 24 tháng kể từ ngày tuyển dụng, tiếp nhận. Đối với hỗ trợ thu hút bác sĩ, hỗ trợ một lần bác sĩ làm việc tại Trung tâm Pháp y, Trung tâm Giám định y khoa, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, trung tâm y tế tuyến huyện đồng bằng, ven biển: 200 triệu đồng; bác sĩ làm việc tại trung tâm y tế tuyến huyện khu vực miền núi: 250 triệu đồng; bác sĩ làm việc tại trạm y tế xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 gồm: trạm y tế xã, thị trấn khu vực III: 450 triệu đồng; trạm y tế xã, thị trấn khu vực II: 400 triệu đồng; trạm y tế xã, thị trấn khu vực I: 350 triệu đồng; bác sĩ làm việc tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn còn lại: 300 triệu đồng. Hỗ trợ hàng tháng bằng 1 tháng lương cơ sở/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 24 tháng kể từ ngày tuyển dụng, tiếp nhận. Đây là sự “tiếp sức” của hệ thống chính quyền dành cho lĩnh vực y tế công, nhằm bảo đảm xây dựng đội ngũ nhân lực y tế chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Bác sĩ Nguyễn Huy Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát: Để người dân miền núi có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng

Thu hút bác sĩ trình độ cao làm việc tại đơn vị y tế công lập: Còn nhiều cái khó

Đối với nhân lực ở tuyến y tế cơ sở hiện nay còn thiếu cả về số lượng, yếu về chất lượng; phân bố chưa hợp lý giữa các khu vực, giữa các tuyến, nhất là thiếu bác sĩ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhiều trạm y tế chưa có bác sĩ. Không những vậy, số bác sĩ đào tạo hệ liên thông chiếm số lượng lớn. Chính hạn chế này khiến cho chất lượng dịch vụ y tế ở nhiều cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặc dù tỉnh đã có một số chính sách thu hút cán bộ y tế về địa phương, song những chính sách này chưa thật sự mang lại hiệu quả cao; một số cơ chế, chính sách đối với ngành y tế còn nhiều bất cập, chế độ, chính sách với cán bộ y tế chưa phù hợp, nguồn thu không đủ chi, đặc biệt là nguồn kinh phí chi cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị không có, vì thế sẽ rất khó phát huy hiệu quả cũng như giữ chân các bác sĩ chất lượng cao về công tác. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính nên ngân sách Nhà nước cấp cho bệnh viện giảm gây khó khăn trong cân đối nguồn kinh phí trả lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ. Ngoài ra nguồn kinh phí khám, chữa bệnh BHYT bị nợ đọng và bị thu hồi do vượt định mức nhiều làm cho việc cân đối nguồn càng thêm khó khăn... ảnh hưởng đến công tác điều trị tại bệnh viện.

Để người dân miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng, ngành y tế cần thực hiện chế độ luân chuyển bác sĩ để bảo đảm các chuyên khoa thiếu; UBND tỉnh cần có chính sách đặc thù thu hút bác sĩ, bác sĩ có trình độ cao, bác sĩ lâu năm công tác tại vùng sâu, vùng xa; có chính sách đào tạo bác sĩ theo địa chỉ... từ đó nâng cao chất lượng, năng lực khám và điều trị cho bệnh nhân của cơ sở y tế.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bật Tân, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa: Cần có chính sách đặc thù thu hút bác sĩ, bác sĩ có trình độ cao

Thu hút bác sĩ trình độ cao làm việc tại đơn vị y tế công lập: Còn nhiều cái khó

Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa hiện có 241 viên chức, người lao động, trong đó có 1 tiến sĩ, 9 bác sĩ CKII, 4 thạc sĩ, 18 bác sĩ CKI, 20 bác sĩ... Công tác thu hút nhân lực, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi tại bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2017-2020, bệnh viện đã không thu hút được bác sĩ nào về làm việc theo cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về làm việc của tỉnh. Trong tổng số 49 bác sĩ hiện có của bệnh viện thì có đến 19 bác sĩ chuyên tu. Nguyên nhân là do đặc thù chuyên khoa, điều kiện làm việc rất vất vả và độc hại, nguy hiểm; mức thu nhập của đội ngũ nhân viên bệnh viện thấp, khó khăn trong bảo đảm đời sống; môi trường làm việc của cán bộ chưa được quan tâm đầu tư, cơ sở hạ tầng xuống cấp... Bên cạnh đó, chính sách thu hút bác sĩ của tỉnh chưa đủ mạnh, chưa thuận lợi (đối tượng đủ điều kiện theo chính sách thu hút nhưng vẫn phải thực hiện tuyển dụng theo đúng quy trình tuyển dụng thông thường), nên chưa thu hút được các bác sĩ.

Bệnh viện kiến nghị với tỉnh, ngành y tế có chính sách đặc thù, chế độ đãi ngộ thích hợp để thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là bác sĩ làm đến việc tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa; cấp kinh phí đầu tư sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng, xây dựng mở rộng bệnh viện và đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế bằng các nguồn kinh phí...

Thạc sĩ Đoàn Nam Hưng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế: Nỗ lực lấp “khoảng trống” bác sĩ có trình độ cao

Thu hút bác sĩ trình độ cao làm việc tại đơn vị y tế công lập: Còn nhiều cái khó

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu then chốt để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Chính vì vậy, ngành y tế Thanh Hóa luôn đặc biệt coi trọng việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ, duy trì thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về công tác; thường xuyên chọn, cử và tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến thời điểm này, hệ thống y tế Thanh Hóa có 13 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh; 4 trung tâm tuyến tỉnh; 25 bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố; 27 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và 559 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc trung tâm y tế với 14.133 công chức, viên chức, trong đó có 3.117 bác sĩ.

Để tạo nguồn nhân lực y tế có trình độ cao, các đơn vị y tế đã chủ động xây dựng, thực hiện chính sách thu hút trong tuyển dụng, chính sách ưu đãi trong đào tạo đối với người có trình độ chuyên môn là bác sĩ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh còn thiếu đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn cao ở một số lĩnh vực, chuyên ngành... Trong khi đó, việc thu hút tuyển dụng bác sĩ ở hầu hết các đơn vị y tế rất khó khăn, đặc biệt là khu vực miền núi và y tế tuyến xã. Tình trạng bác sĩ có trình độ cao xin thôi việc có xu hướng ngày càng gia tăng.

Để thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cho ngành y tế, những năm qua, Sở Y tế đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung một số chính sách đãi ngộ đối với nhân lực y tế để giảm sự chênh lệch về thu nhập giữa các đơn vị, vùng miền. Đồng thời huy động mọi nguồn lực, đầu tư cải thiện cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị hiện đại, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và chuyên sâu... Tuy nhiên trên thực tế, chính sách thu hút hiện nay chưa thực sự hấp dẫn đội ngũ bác sĩ chất lượng cao. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về ban hành chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường công tác truyền thông để đưa chính sách tiếp cận được đối tượng thụ hưởng là bác sĩ. Về chính sách, ngoài những nội dung đã được quy định trong nghị quyết thì một yếu tố rất quan trọng là lãnh đạo của các cơ sở y tế phải thực sự thay đổi trong cách lãnh đạo, điều hành, tạo môi trường làm việc thuận lợi để các bác sĩ phát huy hết khả năng của mình. Có cơ hội phát triển bản thân và có thu nhập đảm bảo thì mới đủ sức giữ chân được các bác sĩ tiếp tục công tác và cống hiến.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]