(Baothanhhoa.vn) - Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được xem là cẩm nang tư vấn cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, những thông tin trong cuốn sổ giúp các bà mẹ theo dõi một cách có hệ thống quá trình phát triển của trẻ từ khi mang thai cho đến 6 tuổi với nhiều thông tin cần thiết, bổ ích thay thế cho nhiều loại sổ sách, tránh lãng phí thời gian ghi chép, theo dõi của cán bộ y tế và cung cấp cho các bà mẹ những kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho mình và cho con.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em - một công cụ hiệu quả

Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được xem là cẩm nang tư vấn cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, những thông tin trong cuốn sổ giúp các bà mẹ theo dõi một cách có hệ thống quá trình phát triển của trẻ từ khi mang thai cho đến 6 tuổi với nhiều thông tin cần thiết, bổ ích thay thế cho nhiều loại sổ sách, tránh lãng phí thời gian ghi chép, theo dõi của cán bộ y tế và cung cấp cho các bà mẹ những kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho mình và cho con.

Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em giúp các bà mẹ và nhân viên y tế nắm bắt được tình trạng và lịch sử sức khỏe của bé.

Đồng thời, cuốn sổ là một công cụ đắc lực giúp cán bộ y tế các tuyến biết lịch sử bệnh tật của mẹ và bé để kịp thời xử trí. Từ năm 2011, Thanh Hóa bắt đầu triển khai thí điểm Dự án “Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em” do Tổ chức Jica (Nhật Bản) tài trợ. Dự án được triển khai thành 3 giai đoạn, từ năm 2011 đến 2013. Đến nay, sau 7 năm thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại cộng đồng.

Để dự án mang lại hiệu quả thiết thực cho những người hưởng lợi là các bà mẹ mang thai và các em nhỏ, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (gọi tắt là Trung tâm) đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo kỹ năng chuyên môn cho cán bộ y tế ở các tuyến. Trong những năm qua, Trung tâm đã tổ chức được hàng chục lớp tập huấn, đào tạo tuyến tỉnh cho trên 400 lượt cán bộ y tế; trên 140 lớp tuyến huyện cho trên 2.700 cán bộ y tế; trên 460 lớp tuyến xã cho trên 15.100 cán bộ trạm y tế xã và nhân viên y tế thôn, bản của 635 xã, phường, thị trấn; cấp phát sổ cho trên 113.000 trẻ nhỏ và trên 114.000 bà mẹ mang thai. Sau khi tập huấn, cán bộ, nhân viên y tế được hướng dẫn cách sử dụng sổ để ghi chép, theo dõi không bị gián đoạn, từ đó quản lý chặt chẽ số lượng thai phụ và những thai phụ có nguy cơ cao để chuyển tuyến kịp thời, giúp bác sĩ ở các tuyến trên nắm bắt được quá trình mang thai của các bà mẹ để xử trí và can thiệp hiệu quả, hạn chế các tai biến sản khoa không đáng có, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Cùng với việc nâng cao kỹ năng cho cán bộ y tế, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các bà mẹ và người nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Trung bình mỗi năm Trung tâm đã in hàng nghìn tờ rơi, áp phích phục vụ công tác truyền thông, quảng bá sử dụng sổ và tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp tại các địa phương. Từ năm 2016 đến nay, bằng nguồn sổ hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Trung tâm đã in 40.000 cuốn sổ/năm và chỉ đạo các địa phương tự in gần 20.000 cuốn sổ mỗi năm để tiếp tục cấp phát và hướng dẫn sử dụng cho các đối tượng để duy trì các hoạt động. Tiến hành giám sát việc cấp phát sử dụng sổ tại các trạm y tế cơ sở.

Thực tế cho thấy, việc triển khai sâu rộng Dự án “Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em” đến cộng đồng trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức của các bà mẹ, nhất là trong việc đi khám thai định kỳ, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tỷ lệ bà mẹ đi khám thai, tiêm phòng uốn ván tại trạm y tế đạt từ 80-90%, tỷ lệ trẻ đi tiêm chủng, cân đo dinh dưỡng, khám chữa bệnh tại trạm y tế có nhiều địa phương đã đạt từ 95-100%. Nhiều bà mẹ biết cách chăm sóc trẻ khoa học, biết cho con ăn đủ chất, đủ lượng, biết xử trí một số bệnh thông thường, tỷ lệ cho bú sớm và bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng lên... Tuy nhiên, do trình độ dân trí chưa đồng đều, công tác truyền thông quảng bá về dự án còn ít và nhất là sự vào cuộc của toàn hệ thống y tế chưa đồng bộ, hiện tại dự án còn gặp không ít khó khăn trở ngại, như: Chưa thu hút đông đảo cộng đồng; hệ thống điều trị do tập huấn chưa phủ khắp và quá tải nên chưa ghi chép đầy đủ khi sản phụ và trẻ nhỏ đến nhận dịch vụ; tỷ lệ mang theo sổ đến cơ sở y tế điều trị còn thấp. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phấn đấu hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu cấp phát 100% cho các đối tượng bằng nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ theo định hướng của Bộ Y tế triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc từ sau năm 2020.


Bài và ảnh: Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]