Siết chặt công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập

Tin liên quan

Đọc nhiều

Siết chặt công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập

Cán bộ Phòng Y tế huyện Thiệu Hóa kiểm tra một cơ sở hành nghề dược tư nhân trên địa bàn huyện.

Tính đến tháng 6-2018, toàn tỉnh có 3.101 cơ sở kinh doanh thuốc (trong đó có 96 cơ sở bán buôn thuốc, 4 cơ sở bán buôn dược liệu, 326 nhà thuốc, 1.935 quầy thuốc, 126 đại lý thuốc bán lẻ) và 1.038 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân (trong đó có 11 bệnh viện, 51 phòng khám đa khoa, 524 phòng khám chuyên khoa, 81 cơ sở dịch vụ y tế, 371 phòng chẩn trị y học cổ truyền và bài thuốc gia truyền).

Hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập đã và đang phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đa dạng các loại hình hoạt động tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; nhiều cơ sở đã đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao và cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định và tham mưu, ban hành nhiều văn bản về chấn chỉnh và tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở hành nghề vi phạm, cương quyết dẹp bỏ những cơ sở hành nghề không có giấy phép theo quy định, thông qua đó, đã nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước. Năm 2017 và 5 tháng năm 2018, Sở Y tế đã cấp 931 chứng chỉ hành nghề dược, 930 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; cấp, cấp lại 1.708 chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp, cấp lại 159 giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề cho 356 trường hợp...

Bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, vẫn còn một số tồn tại như: Hành nghề không có giấy phép; cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép; quảng cáo không đúng với khả năng chuyên môn; chỉ định dùng thuốc chưa an toàn, hợp lý; biển hiệu ghi chưa đúng quy định, niêm yết giá thuốc và giá dịch vụ y tế không đầy đủ, người phụ trách chuyên môn vắng mặt nhưng cơ sở vẫn hoạt động... Tại huyện Hà Trung, tháng 4-2018, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất và lập biên bản xử lý vi phạm về hành vi hoạt động không phép của Phòng khám răng Nhân Đức, tại địa chỉ đường 7, xã Hà Long, huyện Hà Trung do anh Nguyễn Hữu Hiền là chủ cơ sở. Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở dừng hoạt động, tháo dỡ tất cả biển hiệu quảng cáo và trang thiết bị nha khoa tại phòng khám, xử phạt 50 triệu đồng; giao cho phòng y tế và UBND huyện Hà Trung giám sát việc thực hiện. Thế nhưng thời điểm sáng 23-5, khi phòng quản lý hành nghề y, dược tư nhân kiểm tra lại, phòng khám này vẫn chưa thực hiện yêu cầu tháo dỡ biển hiệu quảng cáo và các máy móc, thiết bị, dụng cụ, vẫn còn sổ ghi chép nhập nguyên liệu và chấm nhân công trong tháng. Trong khi đó, lãnh đạo phòng y tế huyện Hà Trung vẫn khẳng định sau khi cơ sở bị xử lý vi phạm thì phòng y tế đã kiểm tra việc khắc phục, cơ sở đã thực hiện nghiêm túc.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trong hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập là do ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ cơ sở và người hành nghề còn hạn chế; công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập của các cấp, các ngành liên quan chưa toàn diện, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các cấp chính quyền địa phương; hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép chưa thường xuyên; việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, các biện pháp xử lý vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn sai phạm, mới chủ yếu kiểm tra cơ sở có giấy phép hoạt động; xử phạt vi phạm hành chính còn ít, chủ yếu là nhắc nhở và chưa có biện pháp hữu hiệu để loại bỏ những cơ sở không phép; công tác phối hợp giữa một số ngành trong thanh, kiểm tra tại địa phương chưa đạt kết quả cao... Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa chú trọng đến công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược trên địa bàn quản lý, còn có tư tưởng xem đây là nhiệm vụ của ngành y tế.

Để hệ thống y tế ngoài công lập thực sự phát huy hiệu quả, ngoài việc tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động, các cơ quan quản lý từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; công khai rộng rãi các cơ sở vi phạm; hướng dẫn các cơ sở này hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra, nâng cao kiến thức chuyên môn cho chủ các cơ sở y tế tư nhân, cung cấp kịp thời các thông tin liên quan đến công tác quản lý hành nghề để chủ cơ sở thực hiện. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, giao Sở Y tế tiếp tục tổ chức tập huấn và tuyên truyền, phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược và các văn bản mới quy định về hành nghề y, dược cho các tổ chức, cá nhân hành nghề trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện việc xét duyệt cấp, cấp lại: Chứng chỉ hành nghề; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo đúng quy định và thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép hành nghề. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm đối với hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và vật tư y tế trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn theo thẩm quyền được phân cấp. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn theo quy định hiện hành của pháp luật; chỉ đạo phòng y tế, các phòng chuyên môn trực thuộc, các đơn vị liên quan, UBND xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành quy định pháp luật về điều kiện hành nghề của cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập...


Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]