(Baothanhhoa.vn) - Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc, điều trị, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực hành động vì các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS

Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc, điều trị, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Nỗ lực hành động vì các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDSXét nghiệm sàng lọc HIV cho người dân xã Nhi Sơn (Mường Lát).

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên phát hiện ở huyện Đông Sơn vào tháng 11-1995, tính đến 31-12-2020, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh là 8.591 người; trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 4.312 (3.539 người Thanh Hóa và 573 ở trại giam) và hơn 2.500 người nhiễm HIV đã tử vong. HIV có mặt tại 100% huyện, thị xã, thành phố; 93,8% xã/phường.

Để thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), tiến tới kết thúc dịch AIDS, Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, công tác tuyên truyền luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Tại các địa phương đã triển khai đồng bộ các hình thức truyền thông thay đổi hành vi, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể và đã huy động được sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc triển khai các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS đã từng bước khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV. Đến nay, tỉnh ta đã đạt được mục tiêu 90-90-90 như kế hoạch đề ra và đang từng bước nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động để tiến tới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Trong năm 2020, số người nhiễm HIV mới, đưa vào điều trị ARV tăng so với cùng kỳ năm 2019. Toàn tỉnh có 12 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính; trong đó có 11 phòng xét nghiệm được khẳng định HIV dương tính tuyến huyện (Mường Lát, Quan Hóa, Quảng Xương, Bỉm Sơn, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Nghi Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Đông Sơn) và 1 phòng xét nghiệm được khẳng định HIV dương tính tại CDC. Trong năm 2020, đã xét nghiệm HIV cho 110.776 lượt khách hàng (KH), đạt 98,2% số lượt KH được tư vấn (110.776/112.697); số lượt KH có kết quả HIV (+) là 535, đạt 0,5% số lượt KH làm xét nghiệm (535/110.776); 100% lượt KH có kết quả HIV (+) đều đến nhận kết quả (535/535).

Được sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu (QTC) trong hoạt động can thiệp giảm tác hại trên 3 nhóm: nghiện chích ma túy (NCMT), phụ nữ bán dâm (PNBD) và người đồng tính (MSM), hoạt động can thiệp cấp bơm kim tiêm (BKT) miễn phí được triển khai tại 18 huyện, thông qua 160 tuyên truyền viên đồng đẳng nhóm ma túy, đã cấp 1.802.253 BKT cho 6.546 người NCMT; hoạt động can thiệp cấp bao cao su (BCS) miễn phí triển khai tại thị xã Bỉm Sơn và TP Sầm Sơn, thông qua 19 tuyên truyền viên đồng đẳng mại dâm, đã cấp 1.439.444 BCS cho 891 PNBD, 3.994 NCMT và 1.615 MSM và 1.684 vợ, bạn tình của người nhiễm HIV; hoạt động cấp BCS miễn phí triển khai tại các huyện, thị tiếp giáp với TP Thanh Hóa thông qua 25 tuyên truyền viên đồng đẳng nhóm MSM, đã cấp 32.533 BCS và 9.865 chất bôi trơn cho 1.615 MSM.

Chương trình điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế, hiện toàn tỉnh đang triển khai cung cấp dịch vụ điều trị Methadone cho 27 cơ sở và 16 điểm cấp phát thuốc tại 24 huyện, thị/thành phố (trừ huyện Như Thanh, Như Xuân, Vĩnh Lộc chưa triển khai). Tính đến 31-12-2020, tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone là 2.281 người; trong đó 304 bệnh nhân có HIV; 294/304 (96,7%) bệnh nhân điều trị Methadone bị nhiễm HIV đã được điều trị ARV. Điều trị bằng thuốc Buprenorphine cho 35 bệnh nhân (có 4/35 bệnh nhân đang điều trị Buprenorphine nhiễm HIV và đang được điều trị ARV). Điều trị dự phòng trước, sau phơi nhiễm HIV/AIDS (PrEP) triển khai từ ngày 18-3-2020 tại 3 phòng khám tư nhân trên địa bàn TP Thanh Hóa. Đến nay đã tiếp nhận điều trị cho 193 khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS (chủ yếu khách hàng trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới); trong năm 2020, toàn tỉnh điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho 35 người; 100% có kết quả âm tính sau điều trị.

Cùng với đó, đang điều trị ARV cho 4.011 người. Đã mua 280 thẻ BHYT cho 280 bệnh nhân điều trị ARV từ nguồn ngân sách của UBND tỉnh; có 683/4.011 bệnh nhân của 3 huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân và TP Thanh Hóa đã nhận thuốc qua BHYT...

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai 27/27 huyện, thị xã, thành phố. Có 9/27 huyện được Dự án QTC hỗ trợ toàn diện bao gồm tư vấn xét nghiệm cho 100% phụ nữ mang thai và đảm bảo các cơ sở sản khoa có thuốc điều trị kịp thời (Ngọc Lặc, Bỉm Sơn, Thọ Xuân, TP Thanh Hóa, Quan Hóa, Mường Lát, Nghi Sơn, Quảng Xương và huyện Bá Thước). Tính đến 31-12-2020, toàn tỉnh xét nghiệm cho 50.522 lượt phụ nữ mang thai, phát hiện 10 lượt phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Trong năm 2020, có 37 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV, trong đó 27 phụ nữ được điều trị ARV trước khi có thai, 5 phụ nữ được điều trị trong thời kỳ mang thai, 5 phụ nữ được điều trị ARV trong khi chuyển dạ. Số trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và đã được điều trị dự phòng ARV 37 trẻ. Số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm PCR lần 1 có 15 trẻ, trong vòng 2 tháng tuổi có 8 trẻ; từ 2 đến 18 tháng tuổi có 7 trẻ. Kết quả, không phát hiện được trường hợp nào dương tính.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, cho biết: Hiện, Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh trong toàn quốc có số bệnh nhân được điều trị đạt mục tiêu của Liên hợp quốc đề ra, với 90% bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị ARV. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi bệnh nhân HIV được điều trị sớm sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, đồng thời ngăn chặn được sự nhân lên của vi-rút trong cơ thể, làm giảm khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Qua số liệu giám sát ca bệnh và giám sát trọng điểm, dịch HIV có xu hướng 3 giảm (ca nhiễm HIV mới, ca điều trị ARV, ca tử vong) trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức, bởi tỉnh có diện tích rộng, 11 huyện miền núi giao thông đi lại khó khăn, là rào cản không nhỏ khi người nhiễm HIV, NCMT muốn tiếp cận với dịch vụ chương trình. Bên cạnh đó, tình hình HIV/AIDS diễn biến ngày càng phức tạp, có chiều hướng lan rộng ra cộng đồng ở nhóm người ít có nguy cơ cao. Đặc biệt, hiện nay các nguồn viện trợ quốc tế cho chương trình phòng chống HIV/AIDS đang dần bị cắt giảm... Chính vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mỗi người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo đảm việc tham gia BHYT của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS cho người dân.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]