(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm triển khai với nhiều giải pháp và đã đạt nhiều kết quả tích cực, số người nhiễm HIV mới phát hiện, số bệnh nhân AIDS và số bệnh nhân tử vong do HIV/AIDS đều giảm.

Nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS

Những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm triển khai với nhiều giải pháp và đã đạt nhiều kết quả tích cực, số người nhiễm HIV mới phát hiện, số bệnh nhân AIDS và số bệnh nhân tử vong do HIV/AIDS đều giảm.

Nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống HIV/AIDSBệnh nhân điều trị tại cơ sở điều trị Methadone Trung tâm Y tế huyện Mường Lát.

Huyện Mường Lát từng được xem là điểm nóng về ma túy và sự lây lan của HIV, nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và Nhân dân, đến nay đã dần đẩy lùi được đại dịch HIV ra khỏi cộng đồng. Lũy tích số người nhiễm HIV toàn huyện đến thời điểm này là 520 người, trong đó, số còn sống và quản lý được là 262 người (đang điều trị ARV 228 người). 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai kế hoạch tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Song song với tư vấn xét nghiệm cố định, trung tâm đã triển khai hoạt động tư vấn xét nghiệm lưu động tại các xã, thị trấn 2 lần/tháng. Ngoài ra, đã tiến hành xét nghiệm cho 671 người nguy cơ cao, phát hiện 4 ca dương tính với HIV.

Trao đổi với ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, được biết, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan trên địa bàn huyện. Hàng năm, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống lây nhiễm dưới nhiều hình thức; tăng cường cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ điều trị và dự phòng lây nhiễm. Bên cạnh đó, công tác giám sát, phát hiện HIV được duy trì, quản lý chặt chẽ đối tượng có nguy cơ cao; chủ động tiếp cận vận động họ thay đổi hành vi như dùng bơm kim tiêm riêng, đi cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tại cộng đồng. Huyện đã thành lập các câu lạc bộ chuyên về phòng, chống ma túy từ huyện đến cơ sở. Đoàn thanh niên tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm về tác hại của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và biện pháp phòng ngừa. Các thôn, bản, đã hình thành các phong trào, mô hình tự quản về an ninh trật tự. Đối với các trường hợp nhiễm HIV, khi phát hiện đều được tư vấn, quản lý, hướng dẫn tự chăm sóc và tự bảo vệ sức khỏe, tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ vật chất và tinh thần cho người nhiễm HIV, giúp bệnh nhân AIDS tham gia các hoạt động xã hội...

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến 30-6-2022, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là 8.875 người, trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 4.478 người (3.903 người Thanh Hóa và 575 ở trại giam); hơn 2.600 người nhiễm đã tử vong. Xác định công tác thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi là một trong những vấn đề then chốt để giúp việc phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả, hằng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức, phù hợp với đối tượng tham gia; in ấn tờ rơi, băng rôn tuyên truyền; tổ chức tháng truyền thông lây truyền từ mẹ sang con và tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS... Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức được 4.395 lượt truyền thông về HIV/AIDS cho 161.759 lượt người tham gia thông qua các hoạt động tuyên truyền của các nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhóm nghiện chích ma túy, nam có quan hệ tình dục đồng giới, nhân viên y tế thôn, bản của Dự án Quỹ toàn cầu. Cùng với đó, công tác giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được chú trọng. Hiện toàn tỉnh đang triển khai điều trị Methadone tại 27 cơ sở (2 cơ sở điều trị do ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý, 1 cơ sở tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 13 điểm cấp phát thuốc tại 24 huyện, thị xã, thành phố, trừ 3 huyện: Như Thanh, Như Xuân, Vĩnh Lộc) cho 2.240 người, trong đó số bệnh nhân điều trị trên 6 tháng chiếm 86,6% (1.942 người); 270/274 người (98,5%) có HIV đã được điều trị ARV; 41 bệnh nhân được điều trị bằng Buprenorphine; có 2/41 bệnh nhân đang điều trị Buprenorphine nhiễm HIV và đang được điều trị ARV. Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được triển khai tại 5 phòng khám với số lượng khách hàng đang duy trì điều trị tại các phòng khám đến 30-6-2022 là 812 người (6 tháng đầu năm 2022, số khách hàng mới đăng ký tham gia chương trình tại 5 phòng khám là 343 khách hàng)...

Với các giải pháp tích cực được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, từng bước làm giảm sự gia tăng người nhiễm HIV/AIDS. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 81 ca nhiễm HIV mới, 100% ca nhiễm HIV mới được chuyển tiếp điều trị. So với cùng kỳ năm 2021, số ca HIV mới, số điều trị ARV mới giảm, số tử vong mới đều giảm.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Mặc dù tình hình dịch bệnh HIV/AIDS ở tỉnh được khống chế, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ, trong khi đó các nguồn viện trợ quốc tế cho chương trình phòng chống HIV/AIDS đang dần bị cắt giảm... nên gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Để góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS, thời gian tới, tiếp tục thực hiện các giải pháp về chuyên môn, như: Tăng cường truyền thông, quảng bá các hoạt động và dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, tuyến cơ sở, hoạt động truyền thông, tiếp cận tư vấn cho nhóm nguy cơ cao làm xét nghiệm HIV và đa dạng hóa các mô hình xét nghiệm ở tất cả các tuyến; đẩy mạnh hoạt động can thiệp bơm kim tiêm cho nhóm nghiện chích ma túy, can thiệp bao cao su, chất bôi trơn cho MSM trên các địa bàn triển khai; duy trì hiệu quả hoạt động điều trị trước phơi nhiễm; tăng cường truyền thông để thu dung thêm bệnh nhân mới tham gia điều trị Methadone và Buprenorphine; tăng cường xét nghiệm CD4, xét nghiệm tải lượng, triển khai tốt hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; phối hợp giữa các ban, ngành và huy động cả cộng đồng chung tay thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng các chương trình tuyên truyền, phổ biến tác hại của HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS nhằm khống chế lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.

Bài và ảnh: Hà Bắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]