(Baothanhhoa.vn) - Tại Thanh Hóa, tỷ lệ người bị mắc các bệnh không lây nhiễm (BKLN) có xu hướng gia tăng và ở mức cao so với toàn quốc. Thực hiện Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 30-5-2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường triển khai phòng chống BKLN, ngành y tế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác dự phòng, phát hiện và quản lý BKLN tại tuyến y tế cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao hiệu quả quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở

Tại Thanh Hóa, tỷ lệ người bị mắc các bệnh không lây nhiễm (BKLN) có xu hướng gia tăng và ở mức cao so với toàn quốc. Thực hiện Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 30-5-2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường triển khai phòng chống BKLN, ngành y tế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác dự phòng, phát hiện và quản lý BKLN tại tuyến y tế cơ sở.

Nâng cao hiệu quả quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở

Cán bộ Trạm Y tế xã Định Liên (Yên Định) tư vấn điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân.

Từ 2 năm nay, ông Trương Văn Hiển, 88 tuổi ở thôn 2, xã Định Tiến (Yên Định) đều định kỳ hằng tháng đến Trạm y tế xã Định Tiến để kiểm tra và lấy thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp về điều trị ngoại trú. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hiển cho biết, nếu như trước đây khi trạm y tế xã chưa triển khai việc khám và cấp thuốc định kỳ, mỗi tháng con cháu lại phải dành thời gian để đưa ông lên bệnh viện tuyến trên khám và lấy thuốc. Mỗi lần như vậy thường mất cả ngày, đi lại rất tốn kém. Kể từ khi trạm y tế xã thực hiện việc khám, cấp thuốc điều trị tăng huyết áp đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh rất nhiều. Khi mệt mỏi có thể ra ngay trạm y tế để đo huyết áp. Tại đây cán bộ y tế nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống và định kỳ thăm khám, cấp thuốc định kỳ nên đường huyết ổn định hơn rất nhiều.

Trao đổi với y sĩ Vũ Minh Tuân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Định Liên được biết, hiện trạm y tế xã đang quản lý gần 200 người bệnh mắc các BKLN, chủ yếu là tăng huyết áp, đái tháo đường... Riêng bệnh tăng huyết áp, trạm quản lý và cấp thuốc cho 150 người bệnh. Việc triển khai quản lý các BKLN tại trạm y tế không chỉ giúp cho người bệnh giảm chi phí trong quá trình điều trị mà còn góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, uy tín và niềm tin của người dân trên địa bàn đối với trạm y tế xã.

Là 1 trong 9 huyện điểm trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình quản lý BKLN tại cộng đồng, huyện Yên Định có 28/29 trạm y tế triển khai quản lý, cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp tại trạm y tế. Để thực hiện mô hình này, các trạm y tế đã được đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, trang bị một số thiết bị phục vụ chẩn đoán và điều trị. Việc triển khai mô hình giúp nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở trong việc phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, phòng ngừa được các biến chứng do bệnh mãn tính không lây nhiễm gây ra; đồng thời tiết kiệm được thời gian, chi phí cho người bệnh, giảm tải cho tuyến trên. Sau hơn 1 năm triển khai, hiệu quả của mô hình này đã được khẳng định trong thực tế.

Bác sĩ Trần Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Định cho biết: BKLN chủ yếu là các bệnh về: Tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản... Hầu hết các BKLN phải dùng thuốc suốt đời, vì vậy việc triển khai công tác quản lý và điều trị các BKLN ngay tại trạm y tế xã hiệu quả sẽ giúp người bệnh tiết kiệm được rất nhiều chi phí do không phải đi xa, mất nhiều thời gian di chuyển, chờ đợi và cán bộ y tế tại trạm cũng có thể tư vấn, quản lý, theo dõi người bệnh điều trị dễ dàng hơn.

Với mục tiêu mở rộng quản lý BKLN (gồm tiểu đường, cao huyết áp) tại 100% các xã thuộc 9 huyện đã thực hiện điểm năm 2018 và triển khai thêm tại 36 xã thuộc 18 huyện còn lại trong năm 2019, phấn đấu đến năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai phòng, chống BKLN, 80% người bệnh mắc tăng huyết áp, hen phế quản và đái tháo đường chưa có biến chứng được quản lý, chăm sóc và tư vấn tại trạm y tế..., ngành y tế Thanh Hóa đã và đang nỗ lực nâng cao tầm quan trọng của công tác phòng chống BKLN nhằm cải thiện hệ thống phòng và điều trị BKLN trên địa bàn tỉnh với mục tiêu vì tương lai sức khỏe cộng đồng, trong đó chú trọng đẩy mạnh củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống BKLN các tuyến. Đến nay, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đã tổ chức 12 lớp chẩn đoán điều trị hen phế quản – COPD cho 410 cán bộ y tế huyện và trạm y tế xã; Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa tổ chức 7 lớp chuyển giao chuyên môn, chuyên ngành tâm thần cho 254 cán bộ y tế huyện và xã; Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa tổ chức 2 lớp tập huấn phòng chống bệnh đái tháo đường, bệnh tăng huyết áp cho 153 cán bộ trạm y tế xã. Có 13/27 huyện, thị xã, thành phố được tập huấn về một số hoạt động phòng chống BKLN như: Tập huấn công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý BKLN (Sở Y tế, Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa thực hiện); tập huấn phát hiện, quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh hen phế quản tại cộng đồng cho tuyến y tế xã (Bệnh viện Phổi Thanh Hóa thực hiện); phòng chống đái tháo đường, tăng huyết áp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện); tập huấn tác hại thuốc lá (Sở Y tế thực hiện) và một số lớp tập huấn do trung tâm y tế một số huyện tổ chức... Trên địa bàn tỉnh đã triển khai các mô hình nâng cao sức khỏe liên quan đến phòng chống BKLN, 1.282 đơn vị trường học của 25/27 huyện, thị xã, thành phố có mô hình nâng cao sức khỏe (hoạt động thể lực, dinh dưỡng hợp lý) với 267.425 người tham dự ; 2.474 đơn vị triển khai nơi làm việc không khói thuốc... Vì thế đã phát hiện đưa vào quản lý người nguy cơ cao, tiền BKLN, trong đó nguy cơ thừa cân béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất (3,2%); tiếp đến là tiền tăng huyết áp (2,7%); nguy cơ đái tháo đường (1,5%), nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (0,65%); nguy cơ ung thư chiếm tỷ lệ thấp nhất (0,32%). Việc phát hiện, quản lý và điều trị người BKLN ngày một hiệu quả. Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa đã khám sàng lọc BKLN cho 17 xã, phường, thị trấn với số lượt người khám 5.079 người; Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa khám sàng lọc BKLN cho 8 xã, phường, thị trấn với số lượt người khám 1.572 người. Hiện bệnh nhân mắc BKLN đang được quản lý, tư vấn và cấp thuốc chiếm tỷ lệ từ 35% đến 63,6%; tổng số bệnh nhân mắc BKLN đang được quản lý, khám và cấp thuốc chiếm tỷ lệ 56,6% so với tổng số bệnh nhân mắc BKLN.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng chống BKLN vẫn còn gặp không ít khó khăn về nguồn lực, các quy định liên quan đến bảo hiểm y tế, nhận thức của người dân... Hiện nay, nhân lực tại các trạm y tế còn thiếu (nhân lực trong việc rà soát, điều tra bổ sung đối tượng, thiếu bác sĩ chuyên khoa một số BKLN); trang thiết bị vật tư y tế chưa có đủ như: Máy đo đường huyết, test đường huyết...; thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cấp cho trạm y tế chưa đủ số lượng, chủng loại còn ít vì vậy công tác phòng chống BKLN tại trạm chủ yếu chỉ dừng ở khâu tư vấn, khám phát hiện và quản lý bệnh nhân chưa điều trị thường xuyên cho bệnh nhân, đặc biệt là thuốc điều trị cao huyết áp được cấp với số lượng rất hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Các cán bộ Trạm Y tế xã Định Liên chia sẻ: Thông tư mới của Bộ Y tế quy định không giới hạn kinh phí chi trả khám chữa bệnh BHYT cho người dân tại trạm y tế nhưng hiện thuốc huyết áp được cấp về trạm y tế có tháng cấp 200 viên, 300 viên, chia ra cho số lượng bệnh nhân thì không đủ. Và như thế sẽ không bảo đảm được quyền lợi của người có thẻ BHYT. Thêm vào đó, người dân trên địa bàn chưa hiểu rõ về tác hại cũng như cách phòng tránh BKLN, tâm lý người dân không muốn điều trị tuyến dưới, bệnh nhân tự ý mua thuốc ở ngoài tự điều trị nên đôi khi khó quản lý...

Với mục tiêu chung khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế số người tàn tật và tử vong do mắc các BKLN, trong đó, ưu tiên phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, các bệnh mạn tính như: Gan, thận, bệnh khớp. Thời gian tới ngành y tế sẽ tập trung vào định hướng để tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống BKLN theo hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và huy động sự tham gia chủ động của các ban, ngành, đoàn thể. Đồng thời tập trung tổ chức hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các BKLN từ tỉnh đến xã, phường; củng cố hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc BKLN... Để thực hiện được mục tiêu này, thiết nghĩ bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, các ngành liên quan, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể địa phương cần tích cực vào cuộc trong xây dựng môi trường sống lành mạnh cho nhân dân như hạn chế rượu bia, thuốc lá, khuyến khích chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực lành mạnh nhằm ngăn chặn từ đầu nguy cơ mắc các BKLN.

Bài và ảnh: Anh Quân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]