(Baothanhhoa.vn) - Nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, các mô hình, đề án được ngành dân số triển khai nhằm mục tiêu thay đổi tâm lý phải có con trai nối dõi, trọng nam khinh nữ; nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Cán bộ dân số xã Định Hòa (Yên Định) truyền thông chính sách dân số - KHHGĐ cho người dân.

Nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, các mô hình, đề án được ngành dân số triển khai nhằm mục tiêu thay đổi tâm lý phải có con trai nối dõi, trọng nam khinh nữ; nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức...

Thôn Tố Phát, xã Định Hòa (Yên Định) là một trong những điểm sáng thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ với thành tích 6 năm không có hộ sinh con thứ 3. Chị Lê Thị Loan, cộng tác viên dân số thôn cho biết: Thôn Tố Phát có trên 550 nhân khẩu/160 hộ. Nhằm hạn chế tình trạng sinh con thứ 3, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là những hộ gia đình sinh con một bề là gái về thực hiện chính sách dân số, quy mô gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt..., vì thế nhiều năm trở lại đây trên địa bàn thôn không có trường hợp sinh con thứ 3, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Trao đổi với bà Lê Thị Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Định, được biết: Mặc dù kinh phí hàng năm bị cắt giảm, chậm, nhưng công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tại huyện, truyền thông, tư vấn trực tiếp tại trạm y tế và tại hộ gia đình ở các xã, thị trấn, trường học về công tác dân số - KHHGĐ vẫn được duy trì thường xuyên, nhất là tại những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhằm từng bước làm thay đổi tâm lý muốn có con trai để nối dõi, thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, xây dựng quy mô gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Thực hiện đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, trung tâm đã phân công cán bộ tham gia giám sát và hỗ trợ các hoạt động truyền thông tại xã; mỗi năm cấp hàng ngàn tờ rơi có chủ đề về mất cân bằng giới tính khi sinh cho 10 xã triển khai đề án; tổ chức tập huấn về mất cân bằng giới tính khi sinh cho ban chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3; tổ chức chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện. Riêng đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã thực hiện 6 buổi truyền thông tư vấn trực tiếp tại 6 xã đề án, lồng ghép với các đợt làm dịch vụ KHHGĐ thu hút gần 800 lượt đối tượng tham gia. Hoạt động tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã và tiến hành các buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề cho các đối tượng như: Phụ nữ, nam giới và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; bà mẹ mang thai, bà mẹ mới sinh; vị thành niên và thanh niên... được đẩy mạnh. Qua các buổi sinh hoạt, các thành viên được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình cũng như công việc lao động sản xuất, kinh doanh, nhất là được phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ. Bên cạnh đó, nhiều xã đã có cách làm hiệu quả như: Tổ chức các câu lạc bộ sinh hoạt cho chị em phụ nữ; buổi nói chuyện trực tiếp hay các bài truyền thông phát trên loa truyền thanh xã... Vì thế, đến nay tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Yên Định giảm còn 107 nam/100 nữ.

Nhận thức hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành dân số tỉnh đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền các giải pháp nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương như: Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền - giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân về dân số, sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, về giới tính, bình đẳng giới; đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ y tế nói chung, chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ nói riêng cho mọi đối tượng, địa bàn; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Để thu hẹp dần sự chênh lệch giới tính khi sinh, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh tích cực triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại 200 xã/20 huyện, thị xã, thành phố với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, như: Họp nhóm nói chuyện chuyên đề, đến gia đình tư vấn trực tiếp, cấp phát tờ rơi, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ không sinh con thứ 3, xây dựng các cụm pa nô, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ở cơ sở... Ngoài ra, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ dân số và cộng tác viên dân số xã về các kiến thức về giới và giới tính khi sinh; các kiến thức mất cân bằng giới tính khi sinh, thực trạng và giải pháp, các hoạt động can thiệp tại tỉnh; giới thiệu các văn bản quy định liên quan đến giới và giới tính khi sinh; các văn bản quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh nhằm mục đích nâng cao kỹ năng tư vấn, vận động và quản lý các đối tượng thực hiện tốt các chính sách về dân số - KHHGĐ, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho cán bộ dân số xã. Tại các huyện, thị xã, thành phố tổ chức duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế tại các xã triển khai đề án; tổ chức nói chuyện chuyên đề về giới tính khi sinh tại cộng đồng cho đối tượng nam nữ chuẩn bị kết hôn...

Tuy nhiên, tình trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh vẫn khó kiểm soát, vượt ngưỡng mức cân bằng sinh học tự nhiên (từ 103 đến 106 bé trai/100 bé gái), đến năm 2018 vẫn ở mức khá cao với 116 bé trai/100 bé gái, 6 tháng năm 2019 là 115/100, có 21/27 huyện, thị xã, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh trên mức 110/100.

Nguyên nhân là do nhận thức về bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ, muốn có con trai vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân; công tác kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp cung cấp dịch vụ, phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi còn gặp nhiều khó khăn. Bộ máy tổ chức làm công tác dân số – KHHGĐ ở cơ sở chưa ổn định, số cán bộ dân số – KHHGĐ xã, thị trấn nghỉ việc nhiều, sau khi chuyển chức năng, nhiệm vụ của cộng tác viên sang cho nhân viên y tế thôn, do nhân viên y tế chưa có nhiều kinh nghiệm, số lượng bị cắt giảm, kinh phí hỗ trợ cho nhân viên y tế hoạt động công tác dân số - KHHGĐ không có nên ảnh hưởng đến sự nhiệt huyết của họ dẫn đến công tác tổ chức và phối hợp đạt hiệu quả chưa cao.

Đồng chí Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, cho biết: Để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động đề án tại các địa phương; tăng cường phối hợp với thanh tra Sở Y tế tổ chức thanh tra các cơ sở siêu âm, các cơ sở kinh doanh sách báo liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh. Đồng thời, ngành dân số mong muốn các cấp, các ngành cùng chung tay đầu tư nguồn lực cho công tác thực hiện giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Để đề án hoạt động có hiệu quả, tùy theo tình hình thực tế, mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh cần áp dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp, chú trọng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề, các phòng khám sản khoa nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]