(Baothanhhoa.vn) - Nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh Thanh Hóa khá phong phú, đa dạng với các loại cây, như: Thiên niên kiện, thổ phục linh, hy thiêm, ngũ gia bì, quế, cà gai leo, kim ngân, ba kích, đinh lăng, mã tiền, nghệ vàng, hòe... Không chỉ là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển cây dược liệu mà còn là thị trường tiềm năng cho việc tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu.

Hướng phát triển mới cho cây dược liệu xứ Thanh

Nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh Thanh Hóa khá phong phú, đa dạng với các loại cây, như: Thiên niên kiện, thổ phục linh, hy thiêm, ngũ gia bì, quế, cà gai leo, kim ngân, ba kích, đinh lăng, mã tiền, nghệ vàng, hòe... Không chỉ là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển cây dược liệu mà còn là thị trường tiềm năng cho việc tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu.

Hướng phát triển mới cho cây dược liệu xứ ThanhKhu vực trồng cây cà gai leo của gia đình anh Lê Xuân Minh, chị Lê Thị Nước, thôn Thọ Phật, xã Đông Hoàng (Đông Sơn).

Với tiềm năng, lợi thế đó, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa tập trung đầu tư, phát triển cây dược liệu. Nếu như trước đây, diện tích cây dược liệu phân bố tập trung chủ yếu dưới các tán rừng, thuộc các huyện miền núi, như: Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy... thì những năm gần đây, do hiệu quả, giá trị kinh tế cao, diện tích cây dược liệu đang có xu hướng phát triển rộng ở các huyện trung du, vùng đồng bằng có đất bãi, đồi núi thấp, như: Yên Định, Thọ Xuân, Nông Cống, Hậu Lộc, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn, Đông Sơn...

Tại xã Đông Hoàng (Đông Sơn) hiện có 31 hộ tham gia trồng cây dược liệu với tổng diện tích là 7,9 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Thọ Phật, gồm các loại: cây cà gai leo, cây kim ngân, sạ đen, kim tiền thảo... Không chỉ đa dạng cơ cấu cây trồng, sản phẩm, việc trồng, chế biến cây dược liệu ở xã Đông Hoàng đã có bước phát triển mới khi thành lập HTX trồng và chế biến cây dược liệu thân thiện với môi trường do phụ nữ làm chủ.

Được thành lập tháng 6–2020, HTX có 31 thành viên tham gia trồng và sản xuất chế biến chủ yếu cây cà gai leo. Các thành viên HTX cùng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô lớn, bền vững, tạo sức mạnh để cạnh tranh và giải quyết việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân. Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm cao cà gai leo của HTX trồng và chế biến cây dược liệu thân thiện với môi trường do phụ nữ làm chủ xã Đông Hoàng đã đoạt giải “Liên kết sáng tạo, gia tăng giá trị cho cộng đồng” trong cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2020. Sản phẩm sử dụng nguyên liệu sạch, quy trình chế biến thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Gia đình ông Lê Xuân Minh, bà Lê Thị Nước ở thôn Thọ Phật là một trong những hộ gia đình tiên phong trồng cây dược liệu tại xã Đông Hoàng. Năm 2014, gia đình ông Minh bắt đầu trồng cây cà gai leo với diện tích khoảng 1 ha. Ngay cả ở thời điểm cây trồng rớt giá, không có người thu mua, gia đình ông Minh vẫn quyết tâm bám trụ, nỗ lực tìm cách khôi phục, từng bước phát triển nghề. Khi giá cây dược liệu xuống thấp, bà con trong vùng thu hoạch mà không có nơi thu mua, tiêu thụ, ông Minh cùng chiếc xe máy rong ruổi từ Thanh Hóa vào một số tỉnh như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng..., mệt lúc nào nghỉ lúc đó, “cơm hàng cháo chợ”, kiên trì “gõ cửa” từng nhà thuốc nam mà ông bắt gặp trên đường, giới thiệu sản phẩm, đặt vấn đề cung ứng hàng với số lượng lớn. Ông Minh cho biết: “Tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ tâm niệm một điều rằng: Với hàng chục tấn cà gai leo của gia đình và bà con trong vùng đã thu hoạch, nếu không bán được thì chỉ có đem đi đốt bỏ. Vì vậy, tôi càng cố gắng hơn, quyết tâm tìm nơi tiêu thụ dược liệu cho bà con”. Theo đó, nhà thuốc nào có nhu cầu, ông Minh gọi điện về quê, bà con tập kết và gửi vào địa chỉ ông cung cấp. Với nỗ lực ấy, thời điểm đó, ông Minh đã tiêu thụ khoảng 12 tấn cà gai leo khô của gia đình và bà con trong vùng.

Khi nhu cầu thị trường tăng cao, giá cả ổn định, gia đình ông Minh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng, chế biến cây dược liệu. Đến nay, gia đình ông Minh có gần 3 ha trồng cà gai leo, kim ngân, sạ đen, kim tiền thảo... Ngoài 4 lao động thường xuyên tại vườn trồng, ông Minh đầu tư máy băm chặt, nồi nấu cao nhằm tăng năng suất lao động, sản lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Với giá bán 35 nghìn đồng/kg cà gai leo khô, 45 nghìn đồng/kg kim ngân khô, gia đình ông Minh thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.

Không chỉ có nỗ lực của cá nhân, cấp cơ sở, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào phát triển cây trồng dược liệu cũng được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, đẩy mạnh.

Ví như tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân), thuộc hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, qua quá trình điều tra nghiên cứu, khu bảo tồn đã ghi nhận các loài thực vật trong nhóm cây làm thuốc có số loài cao nhất với 315 loài... Với hệ thống đa dạng các loài cây thuốc, nhằm phát huy tốt tiềm năng phát triển cây dược liệu, trong những năm qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã và đang triển khai nghiên cứu nhiều mô hình cây dược liệu như: mô hình trồng cây quế ngọc, mô hình trồng na rừng dưới tán rừng trồng, trồng rừng tập trung, mô hình trồng rừng sản xuất 2 ha giổi ăn hạt, trồng thử nghiệm mô hình sâm cau, sâm cát và mô hình thiên niên kiện dưới tán rừng, mô hình trồng cây chè vằng... “Các mô hình này hứa hẹn hướng phát triển kinh tế phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài của chính phủ về quản lý rừng đặc dụng ở Việt Nam, bảo tồn thiên nhiên bằng hình thức sử dụng tài nguyên một cách bền vững, là cầu nối trực tiếp giữa bảo tồn thiên nhiên và mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại khu vực miền núi” - ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên chia sẻ.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung, việc phát triển trồng cây dược liệu ở tỉnh ta vẫn ở quy mô nhỏ, mang tính chất manh mún, thiếu sự đầu tư thâm canh. Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm sơ chế, chế biến từ dược liệu chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc hình thành chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản, đến tiêu thụ sản phẩm lợi thế còn ít. Việc liên kết sản xuất chưa thật sự bền vững, nhiều hộ nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, thực trạng sản phẩm hàng hóa thiếu “đầu ra” bền vững, giá trị hàng hóa không ổn định cũng là những rào cản đối với phát triển cây dược liệu. Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có một số doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất dược liệu với người dân, như: Công ty TNHH Thương mại, du lịch Út Phương liên kết trồng cây cà gai leo, sachi, nghệ tại huyện Triệu Sơn; Công ty TNHH Tuệ Linh liên kết trồng cây giảo cổ lam tại huyện Đông Sơn, Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn (Triso Group) liên kết trồng cây sâm Báo tại huyện Vĩnh Lộc... Đây thực sự là số liệu khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị, lợi ích vốn có của cây dược liệu xứ Thanh.

Việc phát triển cây dược liệu không chỉ giúp bảo vệ sự cân bằng sinh thái, bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, tương lai giống nòi. Hơn hết, “sự phát triển ấy vừa góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, phát huy được tiềm năng lao động, đất đai, truyền thống và nguồn cây thuốc thế mạnh, làm nguyên liệu cho công nghiệp chiết xuất, chế biến dược liệu, hướng đến xuất khẩu, từ đó làm cơ sở quan trọng để thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, nhất là ở khu vực miền núi” – ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Quản lý dược (Sở Y tế) nhận định.

Để nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững cho cây dược liệu, các cấp chính quyền cần chú trọng công tác bảo tồn các nguồn gen dược liệu, duy trì đa dạng sinh học, nhập nội các dược liệu cần cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong tỉnh. Phát huy thế mạnh, lợi thế thổ nhưỡng, kiến thức bản địa quy hoạch vùng dược liệu có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, công nghiệp chế biến hiện đại. Phát triển toàn diện cả trồng trọt và chế biến, từng bước CNH, HĐH trong sản xuất, chế biến dược liệu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về GACP – WHO. Đa dạng sản phẩm từ cây dược liệu, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường, sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng yêu cầu sử dụng trong tỉnh và xuất khẩu, thay thế dần các nguyên liệu, dược liệu, thuốc và thực phẩm chức năng nhập khẩu bằng các sản phẩm sản xuất trong tỉnh, trong nước.

Đồng thời, việc tạo sự liên kết 4 nhà: nhà nông (người thu hái, trồng dược liệu) – doanh nghiệp - nhà khoa học và cơ quan quản lý Nhà nước là điều kiện quyết định để tạo lập được một thị trường lành mạnh, thuận lợi cho việc phát huy tiềm năng dược liệu.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]