(Baothanhhoa.vn) - Y tế học đường (YTHĐ) có vai trò rất quan trọng - là nơi sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh trong những trường hợp tai nạn thương tích trước khi chuyển đến bệnh viện; là nơi chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong môi trường học đường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường trên địa bàn tỉnh không còn nhân viên y tế khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh gặp nhiều khó khăn.

Gỡ khó cho y tế học đường bằng cách nào?!

Y tế học đường (YTHĐ) có vai trò rất quan trọng - là nơi sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh trong những trường hợp tai nạn thương tích trước khi chuyển đến bệnh viện; là nơi chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong môi trường học đường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường trên địa bàn tỉnh không còn nhân viên y tế khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh gặp nhiều khó khăn.

Gỡ khó cho y tế học đường bằng cách nào?!

Thiếu nhân viên y tế học đường ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại Trường Mầm non xã Trí Nang (Lang Chánh).

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện 100% trường học trong tỉnh đều có cán bộ y tế nhưng chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Trong số hơn 2.000 trường học ở các cấp học mới có gần 100 trường có cán bộ y tế có trình độ từ trung cấp y trở lên, còn lại đều là cán bộ y tế kiêm nhiệm. Tại các địa phương: Hà Trung, Hậu Lộc, Lang Chánh... 100% trường từ mầm non đến THCS đều “trắng” nhân viên y tế chuyên trách; cán bộ y tế chủ yếu là kế toán, thủ quỹ, giáo viên kiêm nhiệm nên nhiều người còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ và chưa làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo nhà trường trong công tác YTHĐ. Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên, nhà trường, gia đình chưa coi trọng công tác phối hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe học sinh; kiến thức chung về dinh dưỡng học đường, phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế; hoạt động giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học vẫn còn những bất cập.

Trường Mầm non xã Trí Nang (Lang Chánh) có 3 điểm trường với 156 học sinh và 21 cán bộ, giáo viên, nhân viên, thế nhưng trong nhiều năm qua nhà trường không có nhân viên y tế. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lê cho biết: Đối với bậc học mầm non, vấn đề chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng cho học sinh phải là hàng đầu, nhưng do trường không có nhân viên YTHĐ nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Với đặc thù các khu lẻ của trường cách xa nhau và lại xa trạm y tế xã nên chúng tôi rất lo khi trẻ có biểu hiện bệnh lý đột xuất.

Trao đổi với Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh Nguyễn Ngọc Sơn, được biết trên địa bàn huyện hiện có 32 trường nhưng mới có 1 trường có nhân viên y tế, còn lại kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, tủ thuốc trong nhà trường còn nghèo nàn, trang thiết bị phục vụ cho YTHĐ thiếu nên chất lượng công tác YTHĐ còn nhiều hạn chế, không chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, mà còn là nguyên nhân dẫn đến các hoạt động khác như: truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... khó thực hiện được. Để khắc phục tình trạng này, việc đầu tư và thực hiện công tác YTHĐ cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ cả các nhà trường và ngành y tế.

Tại Trường THCS Quang Trung (TP Thanh Hóa) - một trong những trường có số học sinh đông nhất thành phố. Dù hàng năm, nhà trường đều phối hợp với Trạm Y tế phường Ba Đình trong công tác khám sức khỏe định kỳ cho học sinh 1 lần/năm. Tuy nhiên, công tác sơ cấp cứu ban đầu, triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn do nhà trường không có nhân viên YTHĐ mà do nhân viên văn thư kiêm nhiệm.

Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung Lê Thị Ngoan cho biết, dù không được biên chế nhân viên YTHĐ, nhưng vì tính bức thiết của hoạt động y tế hàng ngày nên nhà trường phải tự cân đối bằng các nguồn tiết kiệm để hợp đồng nhân viên YTHĐ.

Theo Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT về y tế trường học, người phụ trách công tác y tế trường học có nhiệm vụ khá nặng, như: giám sát vệ sinh môi trường nước uống, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, thu gom, xử lý chất thải; giám sát các điều kiện về an toàn thực phẩm; quản lý bảo vệ chăm sóc sức khỏe học sinh; phát hiện một số bệnh ở học sinh để xử lý chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe; sơ cứu, cấp cứu cho học sinh; tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh; hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; triển khai các biện pháp chống dịch; tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe...

Hiện nay, hầu hết các trường mầm non, tiểu học đều tổ chức cho học sinh ăn, nghỉ bán trú trưa tại trường nên việc giám sát sức khỏe của học sinh, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm cực kỳ quan trọng, đòi hỏi người phụ trách công tác YTHĐ phải có chuyên môn y tế. Tuy nhiên, lực lượng nhân viên YTHĐ mỏng, hầu hết nhân viên y tế tại trường đều là kiêm nhiệm hoặc phối hợp với y, bác sĩ trạm y tế địa phương.

Cũng vì không có chuyên môn hoặc chỉ là hợp đồng bán chuyên trách nên công việc của các nhân viên YTHĐ chủ yếu là quản lý sổ sách, ghi chép cân nặng xem trẻ thiếu cân hay thừa cân, có cận thị, cong vẹo cột sống hay không. Tháo gỡ khó khăn cho các trường, hàng năm, ngành giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức y tế cho cán bộ, đồng thời tạo điều kiện để nhân viên y tế đi học nâng cao trình độ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài vấn đề chuyên môn trong YTHĐ rất cần được các cấp, các ngành quan tâm, tháo gỡ, nhất là quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế nhân viên y tế hoạt động chuyên trách cho các trường có học sinh nội trú, tổ chức ăn, nghỉ bán trú... Đồng thời, ngành y tế cần hỗ trợ tốt hơn cho các trường học, từ việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế, đến việc cung cấp các loại thuốc, trang thiết bị, dụng cụ y tế để trẻ được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, đảm bảo môi trường học đường luôn an toàn nhất đối với học sinh.

Bài và ảnh: Hà Phương


Bài và ảnh: Hà Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]