(Baothanhhoa.vn) - Chấp nhận “ném mình” vào “cuộc đua” với những khoản đầu tư không hề nhỏ về tiền bạc, công sức, thời gian, nhiều gia đình cố gắng xoay sở, nghĩ đủ mọi cách để có thể đăng ký cho con mình từng mũi tiêm vắc-xin dịch vụ HEXAXIM – Pháp và Infanrix Hexa – Bỉ (thường gọi là vắc-xin 6 trong 1). Điều này đã đặt ra một câu hỏi bức thiết cho ngành y tế nói chung, đặc biệt là công tác y tế dự phòng: Tại sao chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia với vắc-xin hoàn toàn miễn phí vẫn không đủ sức thu hút và thỏa mãn được nhu cầu tiêm chủng của người dân? Câu chuyện phía sau “cuộc chạy đua” tiêm vắc-xin dịch vụ và sự tồn tại của “vùng lõm” trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thực sự là gì?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chạy đua tiêm vắc-xin dịch vụ và câu chuyện của niềm tin

Chấp nhận “ném mình” vào “cuộc đua” với những khoản đầu tư không hề nhỏ về tiền bạc, công sức, thời gian, nhiều gia đình cố gắng xoay sở, nghĩ đủ mọi cách để có thể đăng ký cho con mình từng mũi tiêm vắc-xin dịch vụ HEXAXIM – Pháp và Infanrix Hexa – Bỉ (thường gọi là vắc-xin 6 trong 1). Điều này đã đặt ra một câu hỏi bức thiết cho ngành y tế nói chung, đặc biệt là công tác y tế dự phòng: Tại sao chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia với vắc-xin hoàn toàn miễn phí vẫn không đủ sức thu hút và thỏa mãn được nhu cầu tiêm chủng của người dân? Câu chuyện phía sau “cuộc chạy đua” tiêm vắc-xin dịch vụ và sự tồn tại của “vùng lõm” trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thực sự là gì?

Chạy đua tiêm vắc-xin dịch vụ và câu chuyện của niềm tin

Nhiều gia đình mang con nhỏ đến Phòng khám tư vấn sức khỏe cộng đồng và tiêm chủng vắc-xin dịch vụ (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) chờ đến lượt tiêm chủng.

Gian nan hành trình “săn lùng” vắc-xin dịch vụ 6 trong 1

Chị Lương Thị Hân (khu 4, thị trấn Quan Sơn, huyện Quan Sơn) cùng những người bạn đồng hành của mình vượt quãng đường hơn 250km với hơn 6 tiếng ngồi xe ô tô từ thị trấn Quan Sơn đưa con ra Hà Nội tiêm chủng vắc-xin dịch vụ 6 trong 1. Tuy đã bước sang tháng thứ 8 nhưng đến thời điểm hiện tại bé nhà chị Hân mới được tiêm mũi vắc-xin 6 trong 1 (vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, bại liệt) đầu tiên do nguồn vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 trên địa bàn tỉnh khan hiếm mà vắc-xin thay thế trong chương trình tiêm chủng mở rộng không khiến chị an tâm đăng ký cho con sử dụng. Sốt ruột vì để con phải chờ đợi lâu, chị Hân “lao” lên mạng tìm kiếm nơi đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ 6 trong 1. Qua bạn bè, người quen giới thiệu, chị biết một số trung tâm tiêm chủng có uy tín tại Hà Nội luôn sẵn loại vắc-xin này. Như người đang từ ngõ cụt bỗng tìm ra lối thoát, chẳng cân nhắc, tính toán gì nhiều, chị quyết định đưa con ra Hà Nội tiêm chủng vắc-xin 6 trong 1. Chị Hân cho biết: “Cứ như vậy, qua lời giới thiệu từ người này sang người khác mà rất đông gia đình ở thị trấn Quan Hóa và một số xã lân cận đã kết nối với nhau, lập hội tổ chức chuyến xe đưa các con, cháu của mình ra Hà Nội để tiêm vắc-xin 6 trong 1. Thương nhất là mấy đứa nhỏ, mới sinh được ít tháng đã phải ngồi xe đi đi lại lại quãng đường xa, đến Hà Nội chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức đã phải vội vội vàng vàng thu xếp vào tiêm”. Bởi vậy nên phần vì sợ các bé tiêm xong sẽ có những phản ứng bất thường với thuốc, phần vì muốn các bé có thời gian nghỉ ngơi, các gia đình trong đoàn không dám quay về Quan Hóa luôn trong ngày mà thống nhất thuê nhà nghỉ lại Hà Nội một đêm, sáng hôm sau mới ra về. Theo chị Hân, cả chuyến đi, tính bao gồm chi phí đăng ký mua vắc-xin, mỗi gia đình tiêu tốn khoảng từ 3-4 triệu đồng. Để hoàn thành 3 mũi tiêm chủng vắc-xin 6 trong 1, trung bình, mỗi gia đình phải bỏ ra khoảng từ 9-12 triệu đồng. Tuy vất vả, tốn kém là thế nhưng cứ nghĩ đến việc con mình được tiêm vắc-xin có chất lượng tốt, phòng bệnh kịp thời là chị Hân và mọi người trong chuyến đi mừng lắm. Chị Hân chân thành chia sẻ: “Mình ở trung tâm huyện nên còn có điều kiện để tìm hiểu đưa con đi tiêm chứ nhiều nhà ở trong các bản sâu, bản xa không được tiếp cận thông tin nên vẫn phải đợi thuốc ở trạm y tế xã. Hơn nữa, đa phần các gia đình ở đó điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều khi miếng ăn còn chẳng đủ thì lấy đâu ra kinh phí để tiêm dịch vụ cho con, nên huyện Quan Hóa nhìn chung vẫn còn rất nhiều trẻ bị lỡ lịch, chưa được tiêm bất kỳ mũi 5 trong 1 hay 6 trong 1 nào cả”.

Cũng có con bị lỡ lịch tiêm chủng, chị Đỗ Thị Linh (xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung) giải thích nguyên nhân do “vắc-xin 5 trong 1 cũ (vắc-xin Quinvaxem – PV) hết mà vắc-xin 5 trong 1 mới (vắc-xin ComBE Five – PV) vào thời điểm đó cả tỉnh Thanh Hóa chưa có để thay thế. Quan trọng là em tìm hiểu thấy nhiều mẹ ở các nơi đã được triển khai tiêm vắc-xin mới đăng lên các hội, nhóm trên mạng xã hội chia sẻ về những trường hợp trẻ phản ứng nặng với vắc-xin mới này nên em cũng bất an, lo lắng, không muốn tiêm cho bé”. Cũng từ các diễn đàn mạng xã hội, Linh biết được nhiều phản hồi tích cực của các mẹ cho con tiêm vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 như: Tỷ lệ an toàn cao, không gây sốt, sưng tấy vết tiêm nên Linh quyết định “săn” bằng được loại vắc-xin này. Linh “gõ cửa” rất nhiều địa chỉ có cung cấp dịch vụ tiêm chủng cho bé ở Thanh Hóa, thậm chí liên hệ cả với trung tâm, phòng khám ở Ninh Bình nhưng phần lớn đều nhận được câu trả lời không như mong muốn. Có nơi thông báo “sẽ thu xếp để con chị được tiêm vắc-xin 6 trong 1 trong thời gian sớm nhất nhưng phải đặt cọc tiền trước cho trọn gói 3 mũi tiêm”. Nghĩ bụng “tiền của mình tự nhiên đặt một chỗ mà không biết phải chờ đợi đến bao giờ”, nên Linh quyết định hỏi ra tận Hà Nội. Được bạn bè “mách nước”, Linh tìm được trung tâm có sẵn vắc-xin và có dịch vụ đăng ký tiêm lẻ theo từng mũi nên 2 tháng nay, em đưa bé ra Hà Nội để tiêm đều đặn mỗi tháng một lần. Một mũi vắc-xin 6 trong 1 – HEXAXIM (Pháp) tại trung tâm mà Linh đăng ký tiêm chủng hiện có giá hơn 1 triệu đồng. Linh cho biết: “Giá em đăng ký tiêm 6 trong 1 cho con là giá tương đối tốt rồi đấy. Ở một vài trung tâm, phòng khám khác mà em biết, giá cao hơn rất nhiều, gần như là gấp đôi mà vẫn phải đăng ký trọn gói 3 mũi mới được xếp lịch tiêm”.

Những khoảng trống cần được lấp đầy

Chị Hân, chị Linh và nhiều bà mẹ có con nhỏ khi được hỏi về nguyên nhân chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn, mất nhiều công sức, thời gian để đăng ký dịch vụ tiêm chủng vắc-xin 6 trong 1 đều có chung câu trả lời. Đó là bởi tâm lý lo sợ, hoang mang trước những thông tin về các trường hợp phản ứng nặng, thậm chí tử vong khi trẻ tiêm vắc-xin 5 trong 1 miễn phí. Chính điều này đã tạo nên những “vùng lõm”, “khoảng trống” trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Tại Thanh Hóa, khó khăn ấy đã được thể hiện rất rõ trong kết quả triển khai tiêm vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five trong tiêm chủng thường xuyên từ tháng 3 đến tháng 4-2019. Theo số liệu báo cáo nhanh của các đơn vị tổ chức tiêm chủng, tính đến ngày 25-4-2019, toàn tỉnh đã triển khai tiêm được 8.814/22.340 đối tượng, đạt tỷ lệ chung toàn tỉnh là 39,5%. Đây là một con số tương đối thấp. Phạm vi triển khai và số đối tượng được tiêm chủng không cao, không đảm bảo yêu cầu ít nhất 50% số xã triển khai tiêm theo kế hoạch như một số huyện: Nông Cống chỉ triển khai tiêm ở 2/32 xã, thị trấn, tiêm được 5 đối tượng; Như Xuân triển khai tiêm tại 9/18 xã, thị trấn nhưng mỗi xã chỉ triển khai tại 2 thôn, bản, tiêm được 24 đối tượng; Vĩnh Lộc triển khai tiêm tại 4/16 xã, thị trấn, tiêm được 18 đối tượng. Tại một số đơn vị, chính cán bộ y tế cơ sở cũng có tâm lý e dè, lo lắng khi triển khai tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1 mới dẫn đến làm tăng số trường hợp hoãn tiêm sau khi được khám sàng lọc.

Đánh giá về kết quả triển khai vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh, Thầy thuốc Ưu tú, TS. BS Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn nhìn nhận: Tâm lý lo lắng, hiệu ứng đám đông của một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh trong việc tiếp nhận thông tin về phản ứng sau tiêm chủng của vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five là nguyên nhân chính khiến cho đối tượng từ chối dịch vụ, không đưa con đến tiêm chủng. Cùng với đó, việc thiếu vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem trong một thời gian dài từ tháng 9 – 2018 đến tháng 3 – 2019 làm cho một bộ phận người dân lựa chọn vắc-xin khác có cùng thành phần thay thế dẫn đến những khó khăn trong việc quản lý mũi tiêm của đối tượng và làm giảm số đối tượng có nhu cầu tiêm vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five. Theo thông báo của Dự án tiêm chủng mở rộng miền Bắc, do vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five không đủ đáp ứng nhu cầu của các đơn vị nên trong tháng 5, 6 năm 2019 sẽ không có đủ vắc-xin để cấp cho tỉnh Thanh Hóa dẫn đến tình trạng gián đoạn trong việc tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin của các đơn vị cơ sở.

Nhìn nhận đúng những nguyên nhân, tồn tại để từ đó đề ra những biện pháp, phương hướng khắc phục, ông Trương khẳng định: “Xác định được những khó khăn sẽ phải đối mặt khi triển khai áp dụng bất kỳ một loại vắc-xin mới nào vào chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five, chúng tôi không đặt nặng chỉ tiêu về mặt số lượng mà yếu tố được đặt lên hàng đầu phải là công tác đảm bảo an toàn cho trẻ sau tiêm”. Bởi vậy, từ trước khi chính thức triển khai áp dụng vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five vào chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức hội nghị tập huấn cho các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố với thành phần tham dự gồm lãnh đạo các đơn vị, trưởng khoa kiểm soát dịch và HIV/AIDS, chuyên trách tiêm chủng mở rộng tuyến huyện. Công tác giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ được trung tâm đẩy mạnh trên những phương diện: Công tác chuẩn bị trước tiêm và công tác khám sàng lọc, thực hiện tiêm chủng an toàn, theo dõi phản ứng sau tiêm trong ngày triển khai tiêm chủng... Được sự chỉ đạo sát sao của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng miền Bắc và tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết tâm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận tình hình phản ứng sau tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five với các chỉ số ở mức an toàn. Toàn tỉnh, số trẻ phản ứng nặng sau tiêm chủng chỉ dừng ở con số 25 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,28%. Trẻ nhập viện theo dõi sau tiêm có 186 trẻ, trong đó có 161 trẻ phản ứng thông thường. Tất cả các đối tượng đều ổn định và xuất viện sau 1-2 ngày theo dõi tại bệnh viện, trạm y tế. Đặc biệt, toàn tỉnh không để xảy ra trường hợp nào tử vong sau tiêm chủng.

Từ thực tế về những “cuộc chạy đua” tiêm vắc-xin dịch vụ của các gia đình có con trong độ tuổi tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1, 6 trong1 đã đặt cho ngành y tế nói chung và công tác y tế dự phòng nói riêng nhiều câu hỏi khó. Trong đó, giá trị niềm tin của người dân là một trong những mệnh đề cốt lõi để tìm ra lời giải đáp. Nhiều năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng khi triển khai ở tỉnh ta đã khẳng định được hiệu quả và tính ưu việt trong việc bảo vệ hàng nghìn trẻ em trước các bệnh truyền nhiễm thường xuyên và nguy hiểm. Để tiếp tục gìn giữ và phát huy kết quả đã đạt được, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ em, nhất là những loại vắc-xin mới được đưa vào tiêm chủng định kỳ, đòi hỏi phải tích cực nâng cao hơn nữa chất lượng công tác y tế dự phòng trên địa bàn, tạo dựng niềm tin vững chắc trong quần chúng nhân dân. Đúng như lời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai công tác ngành y tế năm 2019: “Nếu để người dân mất niềm tin vào vắc-xin là vô cùng nguy hiểm”.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]